📞

GS. TS. Nguyễn Thanh Liêm: 'Khẩn trương đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng của các vaccine Covid-19 trong nước'

Nguyệt Anh 13:45 | 23/08/2021
GS. TS Nguyễn Thanh Liêm (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) cho rằng, cần nhanh chóng hoàn tất thủ tục và áp dụng các quy định trong tình huống khẩn cấp để cấp phép sản xuất cho vaccine Covid-19 trong nước nếu đủ điều kiện...
GS. Nguyễn Thanh Liêm nêu quan điểm, nên ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho nhóm người dễ bị tổn thương nếu nhiễm virus như người già, người có bệnh nền.

Ông đánh giá thế nào về gánh nặng của ngành y tế đang phải đối mặt trong đại dịch Covid-19 hiện nay?

Dù đã chuẩn bị nhưng có lẽ làn sóng dịch lần này đã vượt xa dự đoán của chúng ta. Số bệnh nhân bị nhiễm và số ca tử vong tăng hàng ngày, dịch xảy ra ở nhiều tỉnh cùng lúc đã tạo nên áp lực vô cùng lớn cho ngành y tế.

Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, vì vậy hệ thống y tế còn yếu so với các nước đã phát triển. Quy mô giường bệnh, cơ sở vật chất, nhân lực y tế của chúng ta chưa đủ đáp ứng. Số gường hồi sức, trang thiết bị hiện đại như máy thở, máy lọc máu, ECOM... không đủ khi số bệnh nhân nặng tăng cao.

Các thiết bị này chúng ta chưa sản xuất được nên chưa thể chủ động, ngay cả khi có tiền mua thì với tình hình hiện nay việc cung ứng từ bên ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Những khó khăn khi dịch bùng phát không chỉ xảy ra với Việt Nam mà cũng đã từng xảy ra với các nước có nền y tế tiên tiến như Italy, Pháp, Mỹ...

Ông suy nghĩ ra sao về tình trạng nhiều cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19 và có những người đã ra đi vì bệnh quá nặng?

Hơn 2 nghìn cán bộ Y tế đã bị nhiễm virus trong khi làm nhiệm vụ, trong đó một số cán bộ đã ra đi mãi mãi là thực tế rất buồn.

Đây là một tổn thất lớn. Biết rằng cuộc chiến này sẽ có hy sinh, mất mát nhưng chúng ta cần tiến hành các biện pháp tốt nhất để hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất có thể.

Chưa bao giờ các bác sĩ gặp áp lực lớn như bây giờ. Áp lực về tâm lý khi bệnh nhân quá tải và nguy cơ nhiễm bệnh khá cao. Vậy làm sao để giảm tải những áp lực cho nhân viên y tế, thưa ông?

Cán bộ y tế hiện đang phải làm việc trong một môi trường vô cùng khắc nghiệt. Phải mặc bộ đồ bảo hộ suốt 8 giờ đồng hồ, thậm chí là 10 giờ (ca đêm), không được hít thở không khí trong lành trong nhiều ngày là một sự chịu đựng rất lớn.

Một số bệnh viện không tuyển được hộ lí, người dọn vệ sinh. Do đó, bác sỹ, điều dưỡng vừa làm công tác chuyên môn vừa làm công tác của hộ lí, nhân viên vệ sinh nên rất vất vả, nguy cơ phơi nhiễm rất cao.

Các cán bộ làm việc tại khu vực hồi sức liên tục chứng kiến bệnh nhân nặng, hàng ngày chứng kiến bệnh nhân tử vong là một gánh nặng tâm lý rất lớn. Báo cáo ở châu Âu cho thấy tỉ lệ trầm cảm, lo âu, mất ngủ ở cán bộ y tế tăng cao trong dịch Covid-19.

"Ngoài các lực lượng trực tiếp chống dịch, các đối tượng chính sách thì cần ưu tiên cho nhóm người dễ bị tổn thương, dễ bị tử vong nếu nhiễm virus như người già, người có bệnh nền. Ưu tiên cho nhóm này là biện pháp quan trọng để giảm bớt số bệnh nhân nặng cần nhập viện, giảm quá tải cho hệ thống bệnh viện".

Muốn giảm áp lực cho cán bộ y tế cần thực hiện nhiều biện pháp. Cung cấp đủ nhân lực để đội ngũ y, bác sỹ không phải làm việc quá tải. Chăm sóc chỗ ở, bữa ăn có chất lượng tốt, chú ý công tác động viên, khích lệ, khen thưởng kịp thời...

Đặc biệt, cần khẩn trương đào tạo lực lượng để có thể thay thế, luân chuyển cán bộ. Cố gắng để mỗi đợt tham gia không quá dài, vì nếu kéo dài sẽ là một áp lực rất lớn cả về sức khỏe thể chất lẫn tâm thần.

Nếu nhiều cán bộ y tế dương tính với Covid-19, thì khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều, sẽ tiếp tục đè nặng lên vai những người còn lại. Theo ông, cần có biện pháp nào để bảo vệ cán bộ y tế tốt hơn?

Các cán bộ trước khi đi vào vùng dịch cần được tiêm đủ vaccine, được tập huấn kỹ về các biện pháp phòng hộ.

Các phương tiện phòng hộ như khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, quần áo... cần được cung cấp đầy đủ và đảm bảo là hàng chất lượng cao, phải được lấy từ kinh phí chống dịch, tránh để cán bộ phải tự lo hoặc nhờ các nguồn hỗ trợ khác.

GS. Nguyễn Thanh Liêm cho rằng cần có nhiều biện pháp để bảo vệ cũng như giảm áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ.

Ông có thể đưa ra chiến lược tiêm vaccine phù hợp ở nước ta hiện nay?

Vaccine là một trong các biện pháp quan trọng nhất để chống dịch. Mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng nhưng nguồn vaccine vẫn không đủ đáp ứng. Trong tình hình này chúng ta nên có một chiến lược tiêm vaccine hợp lý:

"Nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và áp dụng các quy định trong tình huống khẩn cấp để cấp phép sản xuất cho vaccine trong nước nếu đủ điều kiện. Hai yếu tố quan trọng nhất cần xem xét là tính an toàn và khả năng tạo kháng thể, hiệu quả bảo vệ nên xem xét trong bối cảnh thực tế. Đây là biện pháp tốt nhất để chủ động bao phủ vaccine".

Thứ nhất, tập trung tiêm vaccine cho những vùng nguy cơ cao để đạt được độ bao phủ cần thiết tạo được miễn dịch cộng đồng ở từng khu vực. Nếu chúng ta phân tán nguồn vaccine, chỗ nào cũng tiêm nhưng không nơi nào đạt độ bao phủ cần thiết thì vẫn không ngăn được dịch.

Thứ hai, ngoài các lực lượng trực tiếp chống dịch, các đối tượng chính sách thì cần ưu tiên cho nhóm người dễ bị tổn thương, dễ bị tử vong nếu nhiễm virus như người già, người có bệnh nền. Ưu tiên cho nhóm này là biện pháp quan trọng để giảm bớt số bệnh nhân nặng cần nhập viện, giảm quá tải cho hệ thống bệnh viện.

Thứ ba, các tháng tới có thể lượng vaccine về nhiều, vì vậy việc tổ chức tiêm rất quan trọng, đảm bảo tốc độ tiêm nhanh nhưng phải an toàn khi tiêm, nhất là tránh lây nhiễm do mật độ người đến các địa điểm tiêm chủng quá đông.

Nên cho các phòng khám, bệnh viện tư nhân thu phí để tham gia tiêm vaccine cho những người tình nguyện chi trả, góp phần giảm áp lực cho các cơ sở công lập.

Thứ tư, khẩn trương đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng của các vaccine trong nước. Nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và áp dụng các quy định trong tình huống khẩn cấp để cấp phép sản xuất cho vaccine trong nước nếu đủ điều kiện.

Hai yếu tố quan trọng nhất cần xem xét là tính an toàn và khả năng tạo kháng thể, hiệu quả bảo vệ nên xem xét trong bối cảnh thực tế. Đây là biện pháp tốt nhất để chủ động bao phủ vaccine.

Đặc biệt, trong khi chờ đợi vaccine Covid-19 và ngay cả khi có đủ vaccine thì việc chấp hành các nguyên tắc 5K, trong đó đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn là các biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn dịch.

Xin cảm ơn ông!

GS. Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

- Giải nhất Giải thưởng khoa học sáng tạo 1999

- Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình ghép tạng 2005

- Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới 2008

- Giải thưởng Nikkei 2018

- Là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam lọt Top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á 2019.

(thực hiện)