Hà Giang là tỉnh miền núi cực Bắc của Việt Nam. Diện tích đất tự nhiên trên 7.900km2. Dân số trên 79 vạn người, với 19 dân tộc (88% dân số là người dân tộc thiểu số). Đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dài trên 277 km.
Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của Hà Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Những thành quả đó có phần đóng góp tích cực của công tác đối ngoại.
Tăng cường giao lưu, hợp tác địa phương
Hà Giang xác định hoạt động đối ngoại trước hết tập trung vào phát triển quan hệ với các địa phương tiếp giáp phía Trung Quốc là tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Quan hệ giữa Hà Giang với các địa phương này đã không ngừng được củng cố trong những năm gần đây.
Cụ thể, hoạt động trao đổi Đoàn các cấp được duy trì thường xuyên. Gần đây nhất, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang thăm tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (tháng 12/2015), tham gia hoạt động giao lưu đầu Xuân do Khu ủy Quảng Tây tổ chức tại Quảng Tây (tháng 2/2016), Bí thư Khu ủy Quảng Tây thăm Hà Giang (tháng 4/2016), Lễ Khai mạc Hội chợ triển lãm Trung Quốc - Nam Á lần thứ 3, Hội chợ xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 23 tại Vân Nam (tháng 6/2016)...
Lễ cắt băng nâng cấp Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc) lên cửa khẩu Quốc tế, ngày 19/12/2014. |
Tỉnh cũng tích cực tham gia thực hiện cơ chế công tác liên hợp với Vân Nam và Quảng Tây. Gần đây, Hà Giang đã chủ trì tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 5 Nhóm Công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và tỉnh Vân Nam; Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt?Nam) và khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc).
Để có hợp tác thực chất, Hà Giang đã tổ chức ký kết và triển khai các thỏa thuận với các địa phương Trung Quốc, đồng thời phối hợp với phía Trung Quốc triển khai các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến biên giới đất liền giữa hai nước; phối hợp triển khai xây dựng các công trình biên giới đúng quy định, đúng trình tự. Vì vậy, tình hình trật tự trị an khu vực biên giới cơ bản ổn định, đường biên, mốc giới cơ bản được giữ nguyên trạng.
Công tác nâng cấp cửa khẩu biên giới luôn được quan tâm thúc đẩy và nhận được sự đồng tình ủng hộ của phía Trung Quốc. Năm 2014, cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang, Việt Nam) - Thiên Bảo (Vân Nam, Trung Quốc) được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế. Hiện Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị chính thức nâng cấp cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) - Đô Long (Trung Quốc); phối hợp với phía Trung Quốc mở một số lối mở, lối thông quan hàng hóa trên tuyến biên giới hai bên, trong đó có lối thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Thanh Thủy - Thiên Bảo và lối mở Lũng Làn (Mèo Vạc, Hà Giang) - Lộng Bình (Na Po, Bách Sắc, Quảng Tây).
Hợp tác thương mại với phía Trung Quốc tiếp tục được quan tâm thúc đẩy và đã có bước phát triển vượt bậc. Sáu tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu của Tỉnh đạt 550 triệu USD, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 83,3% so với kế hoạch năm 2016. Để thúc đẩy hợp tác thương mại hai bên, ngày 29/7/2016, Hội nghị xúc tiến thương mại biên giới tỉnh Hà Giang năm 2016 đã diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo chính quyền châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam và hơn 20 doanh nghiệp Trung Quốc.
Mức độ hợp tác giữa Hà Giang với các địa phương biên giới phía Trung Quốc không ngừng được nâng lên (trước chỉ là quan hệ với các châu, thành phố tiếp giáp trực tiếp, nay mức độ dần được nâng lên cấp tỉnh/khu). Các cơ chế hợp tác, trong đó có cơ chế Hội nghị Công tác liên hợp giữa các tỉnh biên giới phía Bắc với Vân Nam và Quảng Tây tiếp tục được duy trì và phát huy. Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo ngày càng phát huy vai trò tích cực trong thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai bên. Tình hình khu vực biên giới cơ bản ổn định; nhân dân vùng biên giới duy trì truyền thống quan hệ láng giềng hữu nghị...
Xây dựng hình ảnh để hội nhập quốc tế
Ngoài các hoạt động hợp tác với phía Trung Quốc, Hà Giang cũng chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng lợi thế của Hà Giang, tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người Hà Giang tới bạn bè quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm tỉnh Hà Giang tại Hội chợ triển lãm Trung Quốc - Nam Á lần thứ 4 và Hội chợ hàng xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 24 tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. |
Thông qua các hoạt động này, hình ảnh Hà Giang đã được biết đến nhiều hơn, ngày càng có thêm các dự án đầu tư, viện trợ dành cho Hà Giang, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Hiện nay, Hà Giang đang mời các doanh nghiệp Nhật Bản đến khảo sát, triển khai các nội dung hợp tác đầu tư; chuẩn bị triển khai hợp tác với các đối tác Pháp trong lĩnh vực du lịch...
Trọng tâm đối ngoại thời gian tới
Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh đã ban hành Nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Nhằm đảm bảo các hoạt động đối ngoại thời gian tới được triển khai đồng bộ và hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết, Tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: (1) ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác đối ngoại; (2) tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Trung Quốc; (3) mở rộng hơn nữa quan hệ với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài; (4) kết nối, thiết lập quan hệ với một số địa phương nước ngoài (ngoài Trung Quốc); (5) tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ để Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được tái công nhận vào năm 2018…
Hà Giang rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các bên liên quan. Trong đó, đề nghị Bộ Ngoại giao:
Thứ nhất, giúp Hà Giang xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển công tác đối ngoại giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, trình Chính phủ phê duyệt nâng cấp cặp cửa khẩu phụ Xín Mần - Đô Long thành cặp cửa khẩu song phương trong năm 2016.
Thứ ba, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa giúp Tỉnh tăng cường quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; đặc biệt là hỗ trợ, kết nối, giới thiệu cho Tỉnh các đối tác nước ngoài có tiềm lực để thu hút, vận động đầu tư như Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Mạng lưới thương mại Châu Âu - Việt Nam (EVBN); thiết lập quan hệ hợp tác ở cấp địa phương với một số nước như Australia, Nhật Bản...
Đồng thời, đề nghị hỗ trợ, phối hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại trong và ngoài nước; thường xuyên cung cấp thông tin, tạo cơ hội cho Tỉnh tiếp xúc, tham gia các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại như hội thảo, diễn đàn, hội chợ, triển lãm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến do các Bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức.
Thứ tư, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ địa phương kết nối Hội đồng hương người Hà Giang ở nước ngoài.
Thứ năm, tiếp tục phối hợp với địa phương mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức đối ngoại, ngoại ngữ cho cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Thời gian tới, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang sẽ triển khai công tác đối ngoại với phương châm Hà Giang hội nhập để phát triển. Rất mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các bộ ngành trung ương, các tổ chức, các nhân trong và ngoài nước để Hà Giang thực hiện hiệu quả phương châm này.