Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã dự thảo và trình UBND thành phố Hà Nội Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2030, thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu. (Nguồn: Kinhtedothi) |
Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu. Các mục tiêu cụ thể là:
Đến năm 2025, Hà Nội thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Hà Nội đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về Khoa học dữ liệu (Data Science) và Trí tuệ nhân tạo (AI).
Về phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: Phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4, có thể thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp Thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7 - 7,5%; Hoàn thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố.
Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số: Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; mọi người dân được truy cập Internet băng rộng với chi phí thấp; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.
Đến năm 2030, Hà Nội thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng.
Về phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: Phấn đấu 100% hồ sơ công việc tại cấp Thành phố, 100% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước), 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Thành phố; Hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chính chính trị - xã hội của Thành phố....
Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: Kinh tế số phát triển mạnh mẽ; phấn đấu giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP của thành phố Hà Nội. Năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm. Hà Nội là Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.
Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số: Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang toàn Thành phố, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Thành phố sẽ triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ ý, trong đó tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với các giải pháp cụ thể liên quan đến: chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển Hạ tầng và nền tảng số, thông tin và dữ liệu số, hoạt động chuyển đổi số, an toàn và an ninh mạng, đào tạo và phát triển nhân lực.