Bộ sách hội hoạ 'Hà Nội tôi yêu' của họa sĩ Ngọc Linh. (Nguồn: BTC) |
Điểm đặc biệt của bộ tiểu họa này là họa sĩ Ngọc Linh trực họa bằng chất liệu sơn dầu trên bề mặt những tờ xổ số tiết kiệm in trên giấy lụa sót lại cuối ngày. Các tác phẩm có 2 kích thước 7 x 10cm và 10 x 14cm (2 tờ ghép lại) được họa sĩ Ngọc Linh đóng thành một quyển ký họa nhỏ vừa lòng bàn tay. Cùng với chiếc xe đạp mini và bộ đồ vẽ xinh xinh, hoạ sĩ đã rong ruổi và vẽ lại những góc nhỏ thân quen của Hà Nội.
Họa sĩ Ngọc Linh đến với con đường mỹ thuật một cách tình cờ như duyên phận. Nhân một buổi đi chơi ở Thái Nguyên, gặp họa sĩ Trần Văn Cẩn đang đi vẽ và biết được lớp mỹ thuật kháng chiến có tuyển sinh, do hoạ sĩ Tô Ngọc Vân đích thân giảng dạy (1950-1954), ông đã quyết tâm theo học.
Nói về tình yêu với Hà Nội, hoạ sĩ Ngọc Linh chia sẻ: “Hà Nội là nơi tôi gắn bó, yêu dấu, tôi rất sợ mất đi tất cả những phố Hà Nội xưa. Nếu như tôi không vẽ thì những thế hệ trẻ mai sau, những người Việt xa xứ không biết được Hà Nội đã từng đẹp như thế nào. Anh Phái (danh họa Bùi Xuân Phái) thì vẽ hoài niệm phố xưa, còn tôi chọn một Hà Nội trong sáng, đẹp đẽ, tươi tắn. Bây giờ mình còn sức khỏe thì phải tiếp tục vẽ, và Hà Nội sẽ luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong tôi”.
Bản gốc của bộ tiểu họa về Hà Nội được trưng bày tại sự kiện. (Nguồn: BTC) |
Trong gần 140 bức tranh, nhìn lại có hầu hết địa danh của Hà Nội. Đó là những di tích Thăng Long - Hà Nội với chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Quán Thánh, đền Voi Phục, miếu Cầu Nhi cạnh nhà thuyền Hồ Tây… Đó là mái ngói lô xô trong ngõ Phất Lộc, là lớp kiến trúc bề thế thời kỳ Đông Dương với Nhà thờ Lớn, nhà thờ Cửa Bắc… Đó là những góc thi vị quanh bờ Hồ như đền Ngọc Sơn, tháp Bút, cầu Thê Húc… Cả đến những hàng cây góp đẹp cho Hà Nội như cây lộc vừng chín gốc nghiêng phủ một góc mặt Hồ Gươm, cây bàng đường Thụy Khuê, cây hoa sữa hồ Thiền Quang…
Hoạ sĩ Ngọc Linh sinh ngày 30/10/1930, tên thật là Vi Văn Bích, là cháu nội cụ Vi Văn Định - Tổng đốc Hà Đông (cũ), thuộc thế hệ hoạ sĩ kháng chiến. Ngay từ năm 16 tuổi, chàng trai Vi Văn Bích đã khăn gói theo ông cha lên ATK (Thái Nguyên), theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ khi đi theo Cách mạng, ông không dùng tên thật Vi Văn Bích, mà lấy bí danh là Ngọc Linh. Sau này, ông ký lên các tác phẩm, cũng giữ tên Ngọc Linh.
Hoạ sĩ Ngọc Linh (93 tuổi) chia sẻ về bộ tiểu hoạ "Hà Nội tôi yêu". (Nguồn: BTC) |
Công chúng yêu nghệ thuật biết đến họa sĩ Ngọc Linh với nhiều tác phẩm tiêu biểu, tràn đầy sức sống cuồn cuộn tựa núi rừng, với cái tôi và sự tự do được tung hoành sáng tạo như bầu trời quê hương ông: Những ngày tôi mơ ước (Bột màu, 1969), Những nẻo đường nai đi (Lụa, 1988), Mùa Xuân (Sơn mài, 2001) và bộ tranh ký họa hơn 100 bức chân dung các nghệ sĩ. Họa sĩ Ngọc Linh cũng là người lưu giữ vô cùng nhiều tài liệu về các họa sĩ khóa kháng chiến...
Ông từng công tác tại Xưởng Phim truyện Việt Nam, phụ trách mỹ thuật cho nhiều bộ phim nổi tiếng, như Vợ chồng A Phủ (triển khai từ năm 1959, hoàn thành năm 1972, đạo diễn Mai Lộc), Chung một dòng sông (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Kỳ Nam, 1959), Sao tháng Tám (năm 1976, đạo diễn Trần Đắc).
Hoạ sĩ Ngọc Linh được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam và từng đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật cả trong nước và quốc tế...