Nhỏ Bình thường Lớn

Hãy nói tiếng Việt với người Việt

Nhan đề trên đây nghe có vẻ phi lý, song thực tế nó không phi lý chút nào. Trên các phương tiện thông tin đại chúng của ta, đang hình thành một thói quen khá kỳ lạ: Dùng tên gọi tiếng Anh để thay cho tên gọi tiếng Việt trong giao tiếp với khán giả hay độc giả Việt Nam.

Tôi và một anh bạn - một trí thức hẳn hoi - đã loay hoay tìm hiểu ý nghĩa của một từ viết tắt là AFF trong một bài báo. Tìm trong cả bài báo đó, chúng tôi không thấy có chỗ nào giải thích ý nghĩa của từ viết tắt đó là gì. Và mỗi lần bắt gặp cái từ viết tắt đó, chúng tôi lại cảm thấy vừa xấu hổ vừa bực mình.

Xấu hổ vì cái từ đó, có lẽ, đã thông dụng đến mức người ta không cần phải giải thích cho độc giả thế mà mình lại không biết, còn bực mình là vì người ta không tôn trọng những độc giả như chúng tôi, những người không có nhiều thì giờ để theo dõi tất cả các tên viết tắt của các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp ở nước ta, nhất là dạng viết tắt tiếng Anh của các cơ quan hay tổ chức đó.

Ví dụ trên đây minh họa cho một hiện tượng trái khoáy trong cách sử dụng các từ viết tắt trong tiếng Việt trong thời gian gần đây. Người ta có xu hướng sử dụng dạng viết tắt tiếng Anh của các tên gọi cơ quan, tổ chức, xí nghiệp hay doanh nghiệp Việt Nam trong các bài viết dành cho độc giả Việt Nam, bất chấp trình độ tiếng Anh của độc giả.

Chỉ có thể lí giải hiện tượng này bằng xu hướng sính ngoại và sự lẫn lộn trong cách tiếp cận của các tác giả với độc giả.

Xu hướng dùng từ viết tắt là một xu hướng chung của thế giới hiện nay, nhằm những mục đích khác nhau. Thông thường, khi viết cho độc giả của nước mình thì nguyên tắc chung như sau: Đối với tên gọi của các cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp nước ngoài, nếu có nhiều cách dịch khác nhau thì khi dịch sang tiếng nước mình cần phải ghi thêm dạng gốc hoặc dạng viết tắt của tên gọi đó nhằm tạo ra một cách hiểu thống nhất, tránh sự nhầm lẫn. Khi muốn nhấn mạnh tới tính chất quốc tế của tên gọi, người ta cũng làm như vậy.

Ví dụ trong tiếng Việt: Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USSAID), hoặc Tổ chức giúp đỡ trẻ em không có cha mẹ (ACWP), hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), v.v.

Tuy nhiên, việc sử dụng dạng viết tắt còn có một mục đích khác: Tiết kiệm chi phí in ấn và thời gian cho độc giả. Trong trường hợp thứ hai này, tên viết tắt phải căn cứ vào tên gọi cụ thể trong tiếng Việt.

Chẳng hạn, khi viết tắt những tên gọi quá dài của tiếng Việt, người ta thường chỉ lấy chữ cái đầu của các âm tiết, ví dụ: Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), hay Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN), và ở các phần sau của bài viết, tác giả chỉ cần sử dụng dạng viết tắt của cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp đó.

Cách làm này vừa tiết kiệm lại vừa giúp độc giả có thể đọc được và hiểu được văn bản một cách dễ dàng. Đây đồng thời cũng là nguyên tắc viết tắt tên gọi của các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp Việt Nam, khi độc giả là người Việt Nam.

Ví dụ: Đối với độc giả Việt Nam thì không viết: Bộ giáo dục và đào tạo (MOET) mà phải viết là Bộ giáo dục và đào tạo (Bộ GD&ĐT).

Chuyện tưởng hiển nhiên và đơn giản như vậy đã bị một số người trong giới báo chí nước ta làm cho trở nên phức tạp và hỗn độn. Họ không tuân theo nguyên tắc này mà tạo ra một nguyên tắc khác: Tên gọi đầy đủ thì viết bằng tiếng Việt nhưng tên viết tắt thì phải là tiếng Anh, ví dụ: Họ viết Hội dệt may Việt Nam (Vitas) và sau đó không dùng tên gọi tiếng Việt nữa mà chỉ sử dụng dạng viết tắt tiếng Anh là Vitas.

Thậm chí, có rất nhiều trường hợp các tác giả "không thèm" nêu tên gọi đầy đủ của cơ quan hay tổ chức của Việt Nam bằng tiếng Việt mà chỉ sử dụng tên viết tắt bằng tiếng Anh. Điều này làm cho người đọc gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu ý nghĩa của các tên gọi đó, vì không biết hỏi ai, thậm chí có người còn không dám hỏi vì sợ bị chê cười.

Không thể giải thích được lí do tại sao trong các bài viết dành cho người Việt Nam người ta cứ phải dùng tên gọi tiếng Anh trong khi chúng ta đã có tên gọi bằng tiếng Việt. Hay là các tác giả nghĩ là bài viết của mình hướng tới độc giả là người nước ngoài?

Sự thật là những tờ báo viết bằng tiếng Việt của ta hầu như chỉ hướng tới độc giả là người Việt Nam. Những tờ báo viết bằng tiếng Anh như Việt Nam News đương nhiên là phải sử dụng tên gọi tiếng Anh và/hoặc dạng viết tắt tiếng Anh của những tên gọi đó, vì đó là tờ báo hướng tới độc giả là người nước ngoài, những người không biết tiếng Việt hoặc được giả định là không biết tiếng tiếng Việt.

Việc sử dụng dạng viết tắt tiếng Việt của các tên gọi (nhằm mục đích giảm chi phí in ấn và tiết kiệm thời gian cho độc giả) có thể bị coi là ngớ ngẩn, trừ trường hợp những tên gọi không thể dịch sang tiếng Anh.

Chẳng hạn, nếu một tác giả nào đó trong bài viết bằng tiếng Anh cho độc giả nước ngoài về Quỹ dân số Liên hợp quốc mà viết như thế này: United Population Fund (QDSLHQ), thì độc giả nước ngoài sẽ cảm thấy lúng túng, vì không hiểu dạng viết tắt đó đọc như thế nào và ý nghĩa cụ thể là gì.

Đó cũng là tình thế của các độc giả Việt Nam trong những trường hợp người viết sử dụng dạng viết tắt tiếng Anh, vì người ta không luận ra ý nghĩa của những chữ viết tắt đó.

Thế nhưng, trên báo chí của ta, hiện tượng trái khoáy như vậy đang diễn ra khá phổ biến. Các tên gọi của cơ quan, tổ chức, công ti, xí nghiệp Việt Nam đang bị "Anh hóa" đến mức mất dần dạng tiếng Việt của mình.

Như Liên đoàn bóng đá Việt Nam chẳng hạn, hiện tên gọi này đang bị thay thế bằng dạng viết tắt tiếng Anh là VFF. Tôi đã đọc nhiều trang báo, trong đó cái tên Liên đoàn bóng đá Việt Nam mà dạng viết tắt tiếng Việt là LĐBĐVN hoàn toàn bị lãng quên để nhường chỗ cho dạng viết tắt tiếng Anh là VFF.

Khi đưa các tin tức thể thao, có những nhà báo chỉ sử dụng dạng viết tắt tiếng Anh là VFF và không có một lời chú giải nào về ý nghĩa và cách đọc cái từ viết tắt đó.

Nếu như đây là những tờ báo viết bằng tiếng Anh cho các độc giả người nước ngoài thì việc làm đó được coi là đương nhiên, vì chẳng có mấy người nước ngoài hiểu được tiếng Việt. Nhưng đằng này đây là những tờ báo tiếng Việt và chắc chắn viết cho độc giả người Việt.

Còn nếu có người nước ngoài nào đó mà có đủ trình độ tiếng Việt để đọc được những tờ báo này thì họ cũng được coi là độc giả tiếng Việt. Chính vì vậy, chỉ có thể giải thích hiện tượng này bằng thái độ coi thường tiếng mẹ đẻ, sự cẩu thả và tùy tiện, và có thể có cả sự lẫn lộn về đối tượng phục vụ của các tác giả. Có thể nêu ra đây một vài ví dụ về cách viết này:

- "Hôm qua trao đổi với một thành viên của Ban chấp hành VFF, lại được phỏng vấn ngược lại về quan điểm của thầy ngoại".

- "Cầu thủ này sẽ bị VFF treo giò vĩnh viễn vì tội môi giới, lôi kéo và tổ chức sử dụng doping".

- "Hiện VFF rơi vào thế bị động vì không có đủ tang chứng, vật chứng để luận tội".

- "Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã xác nhận tin này".

- "... VFF đã chọn ông Calisto dưới sức ép của dư luận..."

- "VFF có đặt mục tiêu vô địch AFF Cup 2008...?"

Rõ ràng là cái tên Liên đoàn bóng đá Việt Nam hoàn toàn không được nhắc tới. Nó đã bị lãng quên.

Theo Tri Thức Trẻ