Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng chủ trì buổi tiếp và làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Công ty Sri Avantika Contractor Limited của Ấn Độ và Công ty CP Tập đoàn phát triển Khu công nghiệp - Đô thị Đại An, tháng 1/2022. |
Thông tin về việc khảo sát, nghiên cứu Công viên Dược phẩm quốc tế, giữa Tập đoàn phát triển Khu công nghiệp (KCN) - Đô thị Đại An và Công ty Sri Avantika Contractor Limited - doanh nghiệp hàng đầu Ấn Độ về lĩnh vực phát triển hạ tầng công viên dược và khu công nghiệp công nghệ cao, như “làn gió mới”, sự khởi đầu tốt đẹp cho xu hướng thu hút đầu tư FDI tại Hải Dương năm 2022.
“Làn gió mới” về đầu tư
Nếu được triển khai, đây sẽ là một dự án tiêu biểu, có tầm khu vực và thế giới, mục tiêu của dự án Công viên dược phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu dược phẩm tại thị trường Việt Nam, Đông Nam Á, mà còn hướng tới xuất khẩu tại các thị trường tiêu chuẩn cao, như Mỹ, EU… Dự án phù hợp với chiến lược chuyển hướng thu hút đầu tư FDI của Hải Dương, được định hướng nằm trong khu kinh tế chuyên biệt, sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi và ngành nghề (dược) được đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Tỉnh đã chính thức đề nghị các nhà đầu tư triển khai dự án theo tinh thần xây dựng khu công nghiệp chuyên biệt. Hải Dương cũng đang đề nghị Chính phủ áp dụng các chính sách ưu đãi với dự án này tương tự như với Tập đoàn Samsung ở Bắc Ninh. Hải Dương cam kết hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư giải quyết thủ tục nhanh nhất, thành lập khu công nghiệp này song hành với việc thành lập khu kinh tế chuyên biệt.
Các nhà đầu tư cho biết, sở dĩ họ chọn Hải Dương làm bến đỗ cho các kế hoạch lâu dài bởi vị trí dự án không quá xa với cảng biển, sân bay, thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm. Thật vậy, những đặc điểm về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đã tạo nên một số ưu thế riêng về môi trường đầu tư.
Hải Dương nằm ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có độ ẩm cao, cho phép phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Trên địa bàn tỉnh có trữ lượng khá lớn một số khoáng sản phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Có nhiều khu di tích lịch sử văn hoá gắn với du lịch tâm linh và du lịch sinh thái.
Dân số Hải Dương hiện nay trên 1,9 triệu người, trong đó, trên 60% trong độ tuổi lao động, là nguồn nhân lực quan trọng để cung cấp cho các dự án đầu tư. Lực lượng lao động của tỉnh thuộc loại trẻ, cơ cấu lao động trong các khu vực chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Quy mô và chất lượng đào tạo đã và đang được chú trọng nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%. Toàn tỉnh hiện có khoảng 20 đơn vị đang trực tiếp dạy nghề các cấp trình độ (sơ, trung cấp, cao đẳng nghề).
Tình hình chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn ổn định. Các công trình kinh tế trọng điểm, các cơ sở kinh tế hợp tác đầu tư với nước ngoài, các khu, cụm công nghiệp được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Môi trường đầu tư ổn định, lành mạnh, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Mạng lưới giao thông của tỉnh tương đối thuận lợi và đồng bộ, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường sông...; gần hai sân bay quốc tế Hà Nội; sân bay Cát Bi - Hải Phòng và nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Quảng Ninh.
Những năm gần đây, ngoài các tuyến đường Quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh được Trung ương đầu tư (Quốc lộ 5, 37,18, đường Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng), Hải Dương đã và đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, các tuyến đường kết nối liên vùng với các tỉnh, thành phố tiếp giáp với tỉnh... và một số tuyến đường quan trọng khác, tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và lưu thông vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp, thuận lợi cho việc thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.
Sẵn sàng đón các nhà đầu tư
Tỉnh Hải Dương được Chính phủ phê duyệt danh mục Quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 gồm 18 KCN với tổng diện tích 3.517,19 ha.
Đến nay, có 11 KCN đã đi vào hoạt động và thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng diện tích theo quy hoạch chi tiết là 1.732,13 ha; diện tích thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng KCN là 1.470,21 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đạt gần 83% trên diện tích đất công nghiệp được bàn giao, theo quy hoạch xây dựng.
KCN Đại An là một trong những KCN đầu tiên tại tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính Phủ cho phép thành lập ngày 24/3/2003. KCN nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế miền Bắc (Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh). |
Các KCN đã đi vào hoạt động đều có hạ tầng tốt, đồng bộ, bao gồm mặt bằng đã san lấp, hệ thống đường nội bộ, hệ thống điện, cấp thoát nước, có hệ thống xử lý nước thải tập trung được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu 24/24 giờ tới Sở Tài nguyên và Môi trường; các KCN đều kết nối giao thông với các tuyến đường thuận lợi như Quốc lộ, tỉnh lộ…, tuân thủ đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Đầu năm 2021, tỉnh Hải Dương tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư bốn dự án hạ tầng KCN, với diện tích quy hoạch gần 760 ha; tiếp tục triển khai hai dự án KCN đã thành lập với diện tích quy hoạch gần 340 ha; nâng tổng diện tích quy hoạch chi tiết KCN trên địa bàn là 2.567 ha.
Các KCN mới thành lập và mở rộng đều có kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng trong năm 2021 và hoàn thành cơ bản việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật (theo phân kỳ giai đoạn) trong năm 2022, chuẩn bị sẵn sàng đón các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh đang quy hoạch phát triển vùng công nghiệp động lực tại huyện Bình Giang và Thanh Miện, với tổng diện tích khoảng 9.230 ha, trong đó đất KCN/KKT khoảng trên 5.000 ha nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch…, có vai trò dẫn dắt định hướng, gồm các phân khu chính như: KCN chuyên biệt công nghệ cao, KCN đô thị - dịch vụ, với lõi là Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, KCN sinh thái, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Hồng, góp phần phát triển kinh tế cả nước.
Phát triển song song, Hải Dương định hướng quy hoạch hệ thống giao thông, đô thị, logistic đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả cho phát triển công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và tại vùng công nghiệp động lực nói riêng.
Ngoài ra, tỉnh có 53 cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập với tổng diện tích 2.683 ha tại các tuyến đường tỉnh đã đầu tư xây dựng (trong đó 40 CCN đang hoạt động tỷ lệ lấp đầy đạt trên 70%, 13 CCN mới được thành lập năm 2021). Hiện nay tỉnh tiếp tục kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển hạ tầng KCN, CCN để thu hút các dự án tốt.
Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cấp linh phụ kiện các loại cho công nghiệp ô tô, xe máy, điện tử gia dụng… phục vụ nhu cầu chế tạo, sản xuất trong nước và hướng đến xuất khẩu. Do đó, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quy hoạch phát triển CNHT tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Các sản phẩm CNHT trên địa bàn góp phần hỗ trợ cho sản xuất của các ngành công nghiệp trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung; tạo mối liên kết sản xuất giữa các thành phần kinh tế, giữa cơ sở sản xuất trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, liên kết giữa vệ tinh CNHT và các doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
Đến nay, Hải Dương đã phát triển thành công một số ngành CNHT thuộc ba lĩnh vực chủ yếu là cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may - da giày. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ba ngành này giai đoạn 2016-2020 đạt trên 15,4%/năm. Tính chung, trên địa bàn có khoảng 130 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT.
Hải Dương đề ra mục tiêu cụ thể trong phát triển CNHT với giá trị sản xuất CNHT 132.317 tỷ đồng vào năm 2030; tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất CNHT giai đoạn 2021 – 2030 đạt 12,9%.
| Việt Nam-LHQ ký Văn kiện khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững giai đoạn 2022-2026 Văn kiện khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững là tài liệu chiến lược chủ chốt hướng dẫn và định hướng sự hợp ... |
| Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ thông qua các cơ chế hợp tác kinh tế để giải quyết vấn đề phát sinh Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 11/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng ... |