📞

Hai mẩu chuyện văn hóa

13:35 | 01/04/2018
Mỗi người có cảm nhận riêng sau khi đọc một cuốn sách, xem một bộ phim hoặc trải nghiệm một miền đất mới. Sự khác biệt thôi thúc người ta tìm hiểu, khám phá.

Việt Nam là nước nông nghiệp nhiệt đới nên giờ làm việc bắt đầu sớm, nghỉ trưa dài để tránh nắng. Canada lạnh nên đi làm muộn, nghỉ trưa rất ngắn và không có khái niệm ngủ trưa.

Chiếu phim Bắc Hà ở Saint John

Trong một buổi trưa như thế, tôi mở laptop xem lại một vài hình ảnh quê hương. Mấy bạn cùng lớp chưa đến Việt Nam bao giờ nên rất thích xem video của tôi. Khi xem phim phóng sự “Người Bắc Hà như chén rượu nồng say”, họ đặc biệt thích thú về sắc màu của chợ phiên khác biệt này. Sau đó, một bạn đã kể cho bạn bè tại Trung tâm dữ liệu đa văn hóa Saint John. Giám đốc Trung tâm Nathan White bảo tôi, ở Saint John có Trung tâm nghệ thuật Saint John Arts Centre là điểm chiếu phim ở trung tâm thành phố, chuyên giới thiệu văn hóa của các nước. Mỗi tháng Saint John Arts Centre chiếu 2 buổi, mỗi buổi bắt đầu từ 6 rưỡi chiều đến 9 rưỡi đêm. Nathan White bảo tôi làm phụ đề, anh sẽ giới thiệu với Trung tâm nghệ thuật thành phố để trình chiếu phim của tôi.

Chợ phiên Bắc Hà.

Sau khi phim được chiếu, bạn bè đã vỗ tay giòn giã khiến tôi rất vui. Tiếp đó, Trung tâm mời tác giả lên giao lưu chia sẻ với người xem. Một bạn hỏi, vì sao phụ nữ Mông mặc trang phục truyền thống đẹp như thế mà nam giới lại không được mặc đẹp. Đúng là, xem hình ảnh trong phim, chợ Bắc Hà không chỉ là nơi mua bán đơn thuần mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu văn hóa. Phụ nữ Mông hoa chọn cho mình những bộ áo váy sặc sỡ nhất để xuống núi chơi chợ. Trái lại, trai bản ở Bắc Hà chỉ mặc quần áo tối màu, không có gì nổi bật. Nhưng đó vẫn là trang phục truyền thống của nam giới. Trước đó, khi làm phim, đúng là tôi đã không để ý chi tiết này. Gặp câu hỏi của bạn, tôi đành trả lời, nam giới không cần mặc đẹp vì phụ nữ đẹp trong mắt họ là quá đủ rồi. Một tràng pháo tay vang lên cho câu trả lời vui của tôi. Rồi một bạn khác hỏi, vì sao cánh đàn ông được uống rượu chợ bên nồi thắng cố nghi ngút khói mà phụ nữ thì không. Tôi bảo, các bạn cùng nhớ lại hình ảnh trong phim, không uống rượu nhưng chị nào chị ấy nét mặt đều rất tươi tắn khi nhìn chồng hoặc bạn trai đang vui cùng chúng bạn. Không phải là không được uống, mà với phụ nữ Mông, hạnh phúc của chồng con chính là niềm vui và lẽ sống của đời họ. Lại một tràng pháo tay nữa vang lên. Tôi cảm ơn mọi người đã xem phim và động viên. Tôi biết trong câu trả lời vui của mình còn một khoảng trống. Đó là chỗ để bạn bè quốc tế có dịp đến Bắc Hà sẽ tự tìm hiểu tiếp về nét khác biệt của chợ huyện độc đáo này. Không khí giao lưu văn hóa ở chợ phiên vùng biên ải Việt Nam đã tràn ngập trong phòng chiếu phim Canada bên bờ Đại Tây Dương. 20 năm làm truyền hình, tôi không nhớ mình có bao nhiêu tác phẩm được phát sóng. Nhưng chưa từng có cái nào đáng nhớ như phim Bắc Hà chiếu ở Saint John.

 Chuyện đóng dấu ở Canada

Nếu miền bắc Việt Nam có những điểm đến đáng nhớ với bạn bè quốc tế như Bắc Hà, Sapa, Hạ Long, Đền Hùng... thì miền đông Canada nổi tiếng với Hopewell Rocks, nơi thủy triều cao nhất thế giới và Niagara Fall, thác nước hùng vĩ nhất Bắc Mỹ, có thể đóng băng trong những ngày đông giá. Từ nơi học tập ở thành phố Saint John, chúng tôi lên Toronto để đi thăm thác Niagara Fall. Trong nhiều kỷ niệm đẹp, tôi không quên một câu chuyện nhỏ ngày đầu đến khách sạn Village Inn nằm ở trung tâm Toronto.

Tác giả giao lưu với bạn bè quốc tế tại Trung tâm Nghệ thuật Saint John.

Sau khi nộp tiền, tôi bảo anh chàng ở quầy lễ tân đưa biên lai. Anh ấy bảo không cần đâu, tiền đã nhập vào máy tính rồi. Vốn tính “ăn chắc mặc bền”, chúng tôi bảo nhau đề nghị anh ấy vẫn in ra. Anh chàng vui vẻ in ra một tờ giấy, không khác chi một tờ giấy trắng thông thường nếu trên đó không ghi số tiền. Tôi bảo không thấy có chữ kí trên tờ giấy. Anh ấy lại bảo không cần đâu, mọi thủ tục đã có trong hệ thống rồi. Nhưng theo ý chúng tôi, anh ấy lại vui vẻ kí tên. Tôi lại đề nghị đóng dấu. Lần này anh ấy lắc đầu. Tôi thuyết phục, rằng nếu không có đóng dấu, mai ngày về nước, chúng tôi sẽ không được thanh toán khoản tiền này. Lúc đầu tưởng chúng tôi đùa, nhưng sau thấy vẻ mặt rất chi là nghiêm túc của tôi, anh ấy đành lấy ra một cái búa giống như búa bưu chính bên ta, đóng dấu mực đen vào tờ giấy làm biên nhận cho chúng tôi. Nhún vai cười, trao tờ giấy cho tôi, anh ấy bảo: “Tôi đã làm ở đây 20 năm. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đóng dấu như thế này”.

Trong thời gian học tập tại Canada, tôi đã cố tìm và không thấy có văn bản nào được đóng dấu. Từ thư mời nhập học của Hiệu trưởng Trường Đại học New Brunswick University, bằng xác nhận kết quả học tập đến công văn, các văn bản hành chính… không thấy chỗ nào có đóng dấu. Hiện nay trong số thư từ, công văn của cơ quan, tổ chức các nước mà chúng tôi vẫn nhận hàng ngày, rất nhiều văn bản cũng không có đóng dấu.

Tác giả chụp ảnh với các thiếu nữ Mông hoa tại chợ Bắc Hà.

Phù hợp thì tồn tại

Trước đây tôi không hình dung một văn bản của cơ quan, tổ chức ban hành mà không có đóng dấu. Nhưng bây giờ, không đóng dấu có hề chi. Một thời ở ta, sổ gạo là vật bất li thân. Ai đó buồn chán, người ta bảo nom cái mặt như mất sổ gạo. Rồi đến lúc xã hội xóa bao cấp, không cần sổ gạo nữa mà có hề chi, mặt trời mỗi ngày vẫn mọc đằng đông. Sổ hộ khẩu rồi cũng sẽ đi theo sổ gạo vào trong bảo tàng kí ức.

Chỉ cần kí tên hay kí tên rồi vẫn phải đóng dấu, đó có thể là thói quen của từng nước, của từng nền văn hóa. Có những nơi, đóng dấu bây giờ không mang tính pháp lí, chỉ đơn thuần là giúp du khách lưu lại kỷ niệm về một miền đất họ đã trải qua. Vả lại, khi thiết bị điện tử ngày càng được ứng dụng rộng rãi thì các phương thức vận hành, quản trị truyền thống cũng phải thay đổi dần cho phù hợp. Hiện nay hơn một nửa số nước trên thế giới đã dùng hộ chiếu điện tử. Trong khu vực ASEAN chỉ còn Việt Nam và Myanmar đang dùng hộ chiếu truyền thống nên việc đổi hộ chiếu chắc sẽ nhanh chóng được triển khai.

Trong tiến trình hội nhập và phát triển, cái gì phù hợp thì tồn tại. Cái bình thường với người này có khi lại khác lạ với người kia, phổ biến ở nơi này lại hi hữu ở chỗ khác. Nhưng cái có giá trị thì luôn có mẫu số chung, đó là sự tán thành, ghi nhận của đa số. Sự khác biệt có thể là kì quặc, nhưng sự khác biệt có khi lại độc đáo. Khác biệt mà kích thích khám phá, đem lại tiềm năng du lịch như ở chợ phiên Bắc Hà thì rất cần gìn giữ và phát huy. Không ai vui khi thấy chợ tình Sapa không còn nguyên bản, chợ phiên Bắc Hà lạt phai sắc màu. Giữ gìn bản sắc là điều cốt yếu để các phố núi nên thơ này khác biệt so với những phố thị ồn ã miền xuôi. Sự khác biệt ấy là độc đáo vì nó tạo ra giá trị. Với tôi, khác biệt là một phần của văn hóa.

Dư Hồng Quảng

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Thọ