TIN LIÊN QUAN | |
Phú Thọ “đầu tư” làm đối ngoại | |
Quyền tiếp cận thông tin: Người dân biết để "đòi" chứ không phải "xin" |
Chúng ta đều biết, người nông dân tư duy trên luống cày của họ. Truyền thông chính sách về hội nhập, phát triển chỉ thuyết phục nông dân khi có những câu chuyện, mô hình cụ thể và thiết thực. Mở chuyên mục “Ô cửa hội nhập” vì vậy, không chỉ đơn thuần là câu chuyện báo chí, mà còn là một nỗ lực góp phần nâng cao năng lực tiếp nhận cho người dân trung du, miền núi về hội nhập và phát triển.
Chuyện về cây ngoại nhập
Giống lúa Nhật Bản J02 sau khi được gieo trồng thí điểm thành công tại Phú Thọ, nay đã vươn ra 40 tỉnh thành trong cả nước. Qua 8 mùa vụ, bà con nông dân nhận thấy, lúa J02 chịu rét, kháng sâu bệnh, năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha. Tại các huyện vùng cao như Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) và Mường Lò (tỉnh Yên Bái), năng suất có nơi đạt tới 9 tấn/ha. Thực tế đã cho câu trả lời chính xác, việc đưa giống lúa J02 vào sản xuất đại trà không phải do một ai “quyết” được mà quyền là ở từng hộ nông dân. Họ thấy năng suất, chất lượng cao thì đưa vào sản xuất, hay nói cách khác, chính bản thân giống lúa J02 tự quyết định sự gắn bó của nó trên đồng ruộng Việt Nam.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (ngoài cùng, bên phải) tại Hội báo xuân Đất Tổ 2017. |
Giống lúa Nhật Bản chỉ là một ví dụ gần đây. Ngược dòng lịch sử, từ cuối thế kỷ 16, người Tây Ban Nha du nhập cây khoai tây từ Nam Mỹ vào châu Âu. Đến nay, gần 1/3 sản lượng khoai tây toàn thế giới lại được thu hoạch ở Ấn Độ và Trung Quốc. Cây cà phê bắt nguồn từ vùng nhiệt đới châu Phi, năm 1888, đồn điền cà phê đầu tiên của người Pháp được lập ở Việt Nam. Cây cao su ban đầu chỉ mọc tại khu vực rừng mưa Amazon, năm 1897 mới xuất hiện ở Việt Nam. Bây giờ, khoai tây, cà phê, cao su... trở nên quen thuộc với người Việt đến mức ít ai để ý chúng là những cây ngoại nhập. Gần đây, sachi - “vua của các loại hạt”- có nguồn gốc từ Nam Mỹ, bắt đầu được trồng tại các tỉnh Hòa Bình, Thái Bình, Thái Nguyên, Sơn La... đạt kết quả khả quan. Có thể nói, trong tiến trình hội nhập toàn cầu, các loài cây ngoại nhập đã “tham gia” từ rất sớm.
“Ô cửa mới” trên các mặt báo
Trong quá trình hội nhập, tư duy là yếu tố cần phải đổi mới trước hết. Chúng ta đều biết, chỉ có cái gì gần nhất về không gian, gần nhất về thời gian và gần nhất với nhu cầu của người nông dân mới khiến họ quan tâm nhất.
Là tác phẩm về thông tin đối ngoại nhưng không giống như phong cách khuôn mẫu thường thấy trong lĩnh vực ngoại giao, “Ô cửa hội nhập” được thể hiện dưới hình thức phóng sự ghi chép, có chi tiết thực tiễn sinh động của đời sống để thu hút sự quan tâm của người xem. Mỗi chuyên mục đề cập chuyên sâu một vấn đề, hoặc kể các câu chuyện thuyết phục về tầm nhìn nhận thức, nỗ lực hợp tác, các giải pháp đổi mới tư duy, quyết tâm hành động đáp ứng yêu cầu hội nhập của các cơ quan, doanh nghiệp trong nước, hoặc kể về các mô hình tân tiến, cách làm đặc sắc của các nước và vùng lãnh thổ, của người Việt Nam ở nước ngoài.
Những tác phẩm có chất lượng cao, có tầm ảnh hưởng vượt khỏi phạm vi địa phương còn được gửi đăng trên báo Thế Giới & Việt Nam (Bộ Ngoại giao), báo Đại biểu Nhân dân (Quốc hội) và một số báo, tạp chí Trung ương. Trong thời đại mạng xã hội kết nối toàn cầu hiện nay, thói quen tiếp nhận thông tin của từng người dân cũng đang thay đổi. Đáp ứng nhu cầu mới này, hầu hết các bài đăng báo in đều có thêm bản mềm trên báo điện tử và chia sẻ trên các mạng xã hội Facebook, Zalo để tăng lượng người xem. Sau hơn một năm triển khai cách làm mới này, “Ô cửa hội nhập” đã được công nhận là sáng kiến khoa học cấp tỉnh tại Phú Thọ và được các Sở Ngoại vụ thuộc Cụm thi đua số 2 của Bộ Ngoại giao ghi nhận là một cách truyền thông có hiệu quả, từng bước góp phần nâng cao năng lực tiếp nhận cho người dân trung du về hội nhập và phát triển.
Có bột mới gột nên hồ
Người Việt Nam thường nói, có bột mới gột nên hồ. Sức thuyết phục của báo chí phụ thuộc vào sức sống của sự kiện, vấn đề trong mối quan tâm của công chúng. Bài báo về giống lúa Nhật sẽ có sức thuyết phục khi người dân Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang tin dùng giống lúa J02. Phong trào Nông thôn mới Seamaul Undong của Hàn Quốc có sức thu hút vì người dân Tây Bắc Việt Nam cảm nhận được những thành quả rõ rệt mà nó đem lại thông qua chương trình “Hạnh phúc Lào Cai” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Chính phủ Hàn Quốc (KOICA) tài trợ. KOICA cũng đang phối hợp với tỉnh Tuyên Quang triển khai chương trình “Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” được người dân tích cực hưởng ứng.
Cùng với sự giúp đỡ của các nước đối tác, các tổ chức quốc tế, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực vào cuộc hơn để khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Gần đây, tại Hội nghị “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội. Tầm nhìn và mục tiêu ngành nông nghiệp trong thời đại 4.0 là Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nhau chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về hàng nông sản. Với tinh thần Nhà nước kiến tạo, trao quyền cho thị trường quyết định, trong các giải pháp thực hiện, Chính phủ nhấn mạnh, cần khẩn trương nghiên cứu cơ chế thí điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất lớn, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Cùng với nông dân cả nước, những tín hiệu tích cực trên đây đem lại niềm vui cho người dân khu vực trung du miền núi vốn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thực tế sản xuất không chỉ là chất liệu sinh động để đẩy mạnh đổi mới truyền thông chính sách, mà còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy người dân Tây Bắc vươn lên, để khu vực khó khăn này không tụt hậu trong công cuộc hội nhập và phát triển.
Dư Hồng Quảng
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Thọ
Chìa khóa để doanh nghiệp không lỡ chuyến tàu CMCN 4.0 Doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo muốn trụ được trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 thì vấn đề cốt lõi chính là nền tảng ... |
Cách mạng Công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp cần chủ động và hiểu rõ mình Với CMCN 4.0, cơ hội có nhưng không tự đến để dễ dàng hiện thực, thách thức có nhưng không có nghĩa sẽ dễ dàng ... |
Ngoại giao đoàn hỗ trợ Yên Bái trong hội nhập quốc tế Chiều ngày 5/9, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã tiếp Đoàn Ngoại giao do ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý ... |