📞

Hai thế hệ, một chữ tâm dành cho hồng Đà Lạt

Huyền An-Minh Phương-Diễm Thảo 11:45 | 22/01/2023
Những tình cảm mà biết bao thế hệ người dân Đà Lạt dành cho trái hồng khiến chúng tôi, những vị khách phương xa cảm thấy biết ơn hơn bao giờ hết khi cầm trên tay loại quả này.
Vườn hồng Lễ Vân.

38 năm lan tỏa vị ngọt của hồng Đà Lạt

Vườn hồng Lễ Vân được mệnh danh là vườn hồng trái mùa duy nhất của Đà Lạt. Các sản phẩm về hồng được bày bán tại đây bao gồm hồng sấy và hồng treo gió, trong đó nổi tiếng nhất là hồng treo gió.

Tuy nhiên, hồng treo gió vốn không xuất phát từ Đà Lạt. Năm 2012, theo dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) của chính phủ Nhật Bản, một số chuyên gia Nhật Bản đến Việt Nam và hướng dẫn nông dân Đà Lạt cách làm hồng treo gió. Cô Vân, chủ vườn hồng Lễ Vân, là một trong những người đầu tiên áp dụng thành công và sản xuất ra được hồng treo gió Đà Lạt.

Để làm ra những trái hồng treo gió thơm ngon, nhân viên tại vườn hồng Lễ Vân rất cẩn thận từ khâu chọn hồng đến hái hồng. Đó là lý do khách du lịch khi tới đây sẽ không được tự ý hái hồng. Nếu khách hái hết, sẽ không còn hồng cho người sau hái hay hồng để treo gió. Bản thân khách du lịch cũng không biết cách hái đúng cách, dễ dẫn đến tình trạng cành lá bị hư hại, cây không thể cho ra thêm quả.

Bên cạnh những nguyên tắc nghiêm ngặt trong việc chọn và hái hồng, quy trình làm hồng treo gió cũng gặp nhiều khó khăn. Ít ai biết quy trình này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Muốn hồng treo gió ngon, trời cần nắng và thoáng. Nếu trời mưa, hồng rất dễ hỏng và chảy nước.

Du khách tham quan, chụp ảnh tại vường hồng.

Cô Vân chia sẻ, đã nhiều lần cô treo hồng lên dàn rồi tự tay hủy bỏ hết tất cả công sức của mình chỉ vì thời tiết không như ý. Chẳng vậy mà cô đùa rằng: “Thời tiết đẹp là cô vui, thời tiết xấu là cô buồn”. Mặc dù là câu đùa nhưng chúng tôi đều hiểu ẩn chứa trong đó là nỗi buồn, sự chua xót của nghề nông. Thời tiết là điều người nông dân khó lòng lường trước được.

Vì vậy, tranh thủ những lúc ông trời ủng hộ, cô Vân thường đem hồng ra treo, sau đó trữ trong tủ đông và đem ra bán dần. Điều này khiến lượng hàng hóa không bị dừng đột ngột. Đối với cô Vân, chuyện vui buồn do thời tiết chỉ cần cô biết là đủ, khách mua được hàng tốt mới là điều quan trọng nhất.

Chúng tôi, những vị khách Bắc lần đầu lên Đà Lạt, đã lỡ phải lòng món hồng treo gió tại đây. Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó cô Vân sẽ mở cửa hàng tại Hà Nội, để nhiều người biết đến thức quà này hơn.

Nhân viên treo hồng trong một ngày nắng đẹp.

Tuy nhiên, việc này không nằm trong dự định của cô, ít nhất là trong thời gian tới. Hồng Lễ Vân không có chất bảo quản nên thường sẽ dễ hư hơn. Cô Vân lo rằng đại lý tại các tỉnh thành sẽ khó lòng bảo quản được hồng như cách cô đang làm hiện tại.

Việc mở thêm cửa hàng, nhân rộng mô hình sẽ chỉ được đảm bảo nếu cô thực sự tin tưởng vào cái tâm của những người bán hàng. Chẳng vậy, sự tận tâm của cô Vân trong việc chăm sóc từng quả hồng từ khi chúng còn trên cây cho đến khi chúng đến tay khách hàng, làm sao để vị ngọt được trọn vẹn nhất, đã giúp vườn hồng Lễ Vân ngày một phát triển.

Khi Gen Z bỏ phố, lên rừng hồng

Địa điểm tiếp theo của chuyến hành trình khám phá hồng Đà Lạt là một quán cafe kết hợp vườn hồng mang một cái tên giản dị, quán cafe Phía Chân Đồi.

Quán cafe có hai không gian ngoài trời và trong nhà. Quán nằm trọn trong một khu đất tương đối lớn, bốn bề là vô số cây hồng đang vào mùa lá héo và xơ xác dần. Những trái hồng còn sót lại trên cây mang một màu cam tươi rói, trông như những chiếc đèn lồng nhỏ giữa không gian chiều tối tĩnh lặng.

Bước vào trong quán, các bạn nhân viên niềm nở chào đón khách bằng những nụ cười ấm áp, xua tan đi cái lạnh buốt ngoài kia. Không gian của quán mang phong cách cổ điển với sắc đèn vàng lấp lánh. Những quả hồng chín mọng được treo ngay ngắn trước mái hiên, nhẹ nhàng đung đưa theo làn khói của những ly trà nóng.

Khách còn có cơ hội được tự tay hái những quả hồng chín trên cây, mang đến họ trải nghiệm thú vị khi đặt chân tới quán cafe Phía Chân Đồi.

Trong thoáng chốc, chúng tôi cứ ngỡ như đang ghé thăm một nơi trú ẩn chốn thần tiên. Có lẽ bởi vậy nên nhiều người mới ví Đà Lạt tựa xứ sở mộng mơ, quả không sai chút nào.

Vừa nhâm nhi tách trà nóng, chúng tôi vừa hàn huyên, trò chuyện với Phạm Văn Trường, chủ quán cafe Phía Chân Đồi. Bạn chia sẻ: “Quán chính thức khai trương vào ngày 14/11/2021, tính đến nay đã hoạt động được hơn một năm. Ban đầu, đây là nơi sinh sống của những người dân bản địa. Sau đó, mình tận dụng mảnh đất bị bỏ lại này làm nơi xây dựng quán. Về cách bày trí, mình sử dụng những vật liệu có sẵn trong tự và sáng tạo không theo một thiết kế dập khuôn, máy móc nào cả”.

Trường cùng nhân viên của Phía Chân Đồi cũng chính là những người tự tay vun xới, chăm sóc cây cỏ hàng ngày, từ đó thu hoạch được những quả hồng, quả vải thơm ngon, sạch sẽ, làm thành những tách trà hay quà tặng gửi đến khách của quán.

Phạm Văn Trường, chủ quán cafe Phía Chân Đồi.

Trường chia sẻ, việc lựa chọn mô hình quán cafe kết hợp vườn hồng phục vụ cho mục đích ngắm cảnh và chụp hình của khách du lịch. Những quả hồng chín không được bán, thay vào đó, quán sẽ mời khách thưởng thức như một thức quà đặc biệt của riêng quán.

Ngoài ra, khách còn có cơ hội được tự tay hái những quả hồng chín trên cây, mang đến họ trải nghiệm thú vị khi đặt chân tới quán cafe này.

Kể từ khi khai trương, quán cafe Phía Chân Đồi đã mang lại giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm cho chính đội ngũ quản lý và nhân viên quán. Điều khiến Trường chưa từng muốn rời xa Đà Lạt là bởi tại đây, anh có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với du khách đến từ cả ba miền Bắc, Trung và Nam.

Có thể nói, những gì quý giá nhất mà Phía Chân Đồi mong muốn khách có được sau khi đặt chân đến nơi này chính là không khí trong lành, như Trường luôn mong quán sẽ là không gian để mọi người “hít thở”, và cảm giác yên bình, giúp họ tạm quên đi những áp lực hay bộn bề công việc nơi thành thị.

Tạm kết

Hành trình khám phá hồng Đà Lạt mang lại cho chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc và những câu chuyện thú vị. Chúng tôi được gặp cô Vân, người nông dân trong gần nửa thế kỷ luôn kiên trì và đam mê với công việc vun xới những trái hồng.

Và chúng tôi cũng không quên cuộc trò chuyện với Trường, dù chỉ mới 21 tuổi nhưng quyết định rời bỏ thành phố, về rừng hồng Đà Lạt, mở quán cafe giúp mọi người tìm lại bình yên sau những ồn ào náo nhiệt ngoài kia.

Điểm chung giữa họ là tình yêu vô bờ bến dành cho trái hồng Đà Lạt. Dù là thế hệ nào, người Đà Lạt luôn có những cách riêng để nối dài giá trị của loại quả này.

Nếu bạn chưa biết kỳ nghỉ lễ này nên đi du lịch ở đâu, những mô hình vườn hồng như hai ví dụ trên có thể là gợi ý hay dành cho bạn.

Chúng tôi tin rằng, việc lắng nghe người Đà Lạt chia sẻ về trái hồng cũng sẽ khiến bạn trân trọng và nâng niu loại quả này hơn khi cầm chúng trên tay đấy.