Tuần qua, sự chú ý của thế giới đổ dồn về Haiti, quốc đảo nhỏ vùng Caribbean sau khi Tổng thống nước này, ông Jovenel Moise bị ám sát dã man tại dinh thự riêng ở thủ đô Port-au-Prince ngày 7/7.
Cộng đồng quốc tế lên án vụ tấn công đẫm máu. Truyền thông thế giới phủ sóng các tin tức, bình luận về tình hình Haiti . Song còn đó câu hỏi: Tương lai Haiti hậu Tổng thống Moise sẽ đi về đâu? Đáp án nằm ở ba yếu tố sau.
Thủ tướng lâm thời Claude Joseph tạm quyền phát biểu ngày 11/7. (Nguồn: Getty Images) |
Chia năm xẻ bảy
Đầu tiên, đó là tìm kiếm ổn định chính trị, điều mà quốc gia này thường xuyên thiếu vắng trong chiều dài lịch sử của mình. Bản thân cố Tổng thống Jovenel Moise, người chiến thắng bầu cử năm 2017, chỉ có thể điều hành đất nước bằng sắc lệnh không thông qua Quốc hội do bế tắc chính trị.
Sau khi ông này bị ám sát, cuộc tranh giành quyền lực lại càng gay gắt hơn. Quốc hội Haiti đã giải tán đầu năm 2020, song các nghị sỹ không có người kế nhiệm và hiện chỉ còn 10 Thượng Nghị sỹ, tương đương 1/3 Thượng viện, còn làm việc. Ngày 9/7, nhóm này đã thông qua nghị quyết bổ nhiệm ông Joseph Lambert làm Tổng thống lâm thời.
Trong khi đó, một số đảng phái ở Haiti lại tuyên bố rằng Bộ trưởng Nội vụ, Lao động và Xã hội Ariel Henry, người được ông Moise bổ nhiệm làm Thủ tướng 2 ngày trước vụ ám sát, mới là người đứng đầu chính phủ. Đáp lại, quyền Thủ tướng Haiti Claude Joseph khẳng định sẽ tiếp quản chức vụ của ông Moise và duy trì quyền lực cho tới bầu cử ngày 26/9 tới. Ông Joseph cho rằng nghị quyết của nhóm Thượng Nghị sỹ là không còn hiệu lực khi còn quá nhiều ghế đang bỏ trống.
Tranh giành quyền lực, cùng với nguy cơ từ đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế hay bạo lực băng đảng đẫm máu, có thể đẩy Haiti chìm sâu hơn vào bất ổn. Điều các bên cần làm là thỏa thuận, tìm kiếm một nhân vật có đủ tín nhiệm để lãnh đạo Haiti vượt khó trước cuộc bầu cử vào tháng 9.
Covid-19 và bạo lực
Ổn định chính trị là đặc biệt quan trọng, nhất là là trong bối cảnh Haiti đang đối phó với nhiều thách thức ngày một cam go.
Theo số liệu của Đại học John Hopkins, ngày 7/7, Haiti ghi nhận 65 ca mắc Covid-19 và 5 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 19,172 trường hợp và 467 ca tử vong. Song các chuyên gia y tế đều cho rằng đây mới chỉ là phần nổi và con số chưa được báo cáo là rất lớn. Thực tế cho thấy tỷ lệ nhập viện tại Haiti đang tăng nhanh những ngày gần đây. Theo PAHO, chi nhánh tại châu Mỹ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viện ở Haiti đang thiếu các bình oxy và giường bệnh hơn bao giờ hết.
Haiti cũng là quốc gia hiếm hoi trên thế giới và duy nhất tại châu Mỹ chưa triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19. Quốc gia vùng Carribean chưa nhận bất kỳ một liều nào trong số gần 760.000 liều vaccine Astra Zeneca đã cam kết qua cơ chế COVAX. Theo Bộ trưởng Y tế Haiti Laure Adrien, nước này thiếu năng lực tài chính để mua, cũng như cơ sở hạ tầng để bảo quản vaccine.
Đáng ngại hơn, thách thức từ đại dịch Covid-19 càng trầm trọng hơn trong bối cảnh bạo lực bùng phát chưa từng có trong nhiều năm, khiến ít nhất 278 người thiệt mạng. Tình trạng này đã khiến nhiều người phải sơ tán, tụ tập trong các khu trú ẩn, làm việc khiến virus SARS-CoV-2 dễ dàng lây lan hơn. Bạo lực băng đảng cũng cản trở nỗ lực cứu trợ nhân đạo của các tổ chức quốc tế tại Haiti.
Một trong những ưu tiên đặc biệt cấp bách của chính phủ Haiti ở thời điểm hiện tại nên là nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, trấn áp các băng đảng, lập lại trật tự xã hội, từ đó giải quyết các nhu cầu cấp bách thường ngày từ y tế, việc làm tới giáo dục, từ đó phát triển kinh tế.
Các vụ bạo loạn liên tục nổ ra tại Port-au-Prince sau cái chết của Tổng thống Jovenel Moise. (Nguồn: AP) |
Độc lập tự chủ
Cuối cùng, đó là yếu tố nước ngoài. Ngày 9/7, Bộ trưởng Bầu cử Haiti Mathias Pierre thông báo Haiti đã đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) và Mỹ triển khai binh sỹ đến bảo vệ hải cảng, sân bay và các cơ sở năng lượng. Trong quá khứ, nước này từng bị Tây Ban Nha xâm lược, là thuộc địa Pháp và có giai đoạn do Mỹ kiểm soát. Washington từng hỗ trợ lật đổ chế độ quân sự năm 1994, song không thể duy trì sự ổn định chính trị của quốc gia này.
Do đó, chẳng có gì đảm bảo rằng sự hiện diện của Mỹ có thể mang đến thay đổi cho vấn đề mang tính hệ thống của Haiti. Ngoài ra, điều này có thể gợi nhớ lại ký ức đau thương của người dân Port-au-Prince, đồng thời để lại một số hệ quả với Washington khi kẻ chủ mưu và hai người tham gia chiến dịch ám sát Tổng thống Jovenel Moise có xuất thân từ Mỹ. Do đó, việc Nhà Trắng chỉ cử người hỗ trợ điều tra vụ ám sát và “lấp lửng” trước yêu cầu hỗ trợ quân sự là có thể hiểu được.
Tuy nhiên, sự trợ giúp từ một tổ chức quốc tế đa phương như LHQ sẽ bớt nhạy cảm hơn về chính trị. Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Haiti (MINUSTAH) cũng đã chứng minh hiệu quả trong 13 năm công tác (2004 – 2017).
Ngày 12/7, người phát ngôn LHQ Farhan Haq cho biết Văn phòng hợp nhất Liên hợp quốc tại Haiti (BINUH) phối hợp với cảnh sát Haiti điều tra về cái chết của Tổng thống Jovenel Moise. Trước đó, ngày 9/7, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Haiti, bà Helen Meagher La Lime nhấn mạnh LHQ sẽ tích cực hỗ trợ đất nước và người dân quốc gia này.
Tuy nhiên, hiệu quả của nỗ lực trên sẽ phụ thuộc nhiều vào ý chí và hành động của người dân Haiti nhằm khôi phục ổn định tình hình, vượt qua các thách thức đầy khó khăn ở trước mắt.
Phát biểu tại cuộc họp sáng ngày 8/7 tại HĐBA LHQ về tình hình Haiti, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, bà Nguyễn Phương Trà, đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Tổng thống Jovenel Moise và người dân Haiti trước sự việc Tổng thống bị ám sát, lên án và kêu gọi truy cứu trách nhiệm những kẻ thực hiện hành vi này. Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam mong người dân Haiti đoàn kết và kêu gọi các bên liên quan đặt lợi ích của người dân làm ưu tiên cao nhất trong thời khắc đầy khó khăn này, kiềm chế các hành động làm gia tăng căng thẳng. Các bên cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tổ chức bầu cử đúng hạn cũng như tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh cho đất nước, bảo vệ dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam dành cho người dân Haiti hướng tới hòa bình, ổn định, phát triển, đồng thời kêu gọi LHQ và cộng đồng quốc tế hỗ trợ Haiti tổ chức bầu cử và tăng cường hỗ trợ người dân Haiti trong thời gian tới. |
| Vụ ám sát Tổng thống Haiti: Liên hợp quốc vào cuộc, Mỹ kêu gọi bầu cử tự do, xem xét gửi quân Ngày 12/7, người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Farhan Haq cho biết, Văn phòng hợp nhất LHQ tại Haiti (BINUH) hiện đang phối hợp ... |
| Vụ ám sát Tổng thống Haiti: Nghi phạm chủ mưu sa lưới, nguy cơ nổ ra biểu tình lớn, Mỹ cử đoàn đánh giá tình hình Ngày 11/7, cảnh sát Haiti thông báo đã bắt giữ một công dân nước này với nghi vấn mang động cơ chính trị khi tuyển ... |