Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và các đại biểu tham dự Hội nghị ngày 28/6. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu tại Hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam”. Sự kiện do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức, chiều 28/6.
Tiềm năng chưa được khai mở
Tại Hội nghị trên, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, từ năm 2020 đến nay, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tổ chức các diễn đàn, tọa đàm đánh giá thực chất tiềm năng, triển vọng thị trường Halal, định vị Việt Nam trên bản đồ Halal thế giới nhằm khai mở thị trường Halal toàn cầu.
Halal có nghĩa là những gì được phép trong đạo Hồi. Thực phẩm Halal được sản xuất, chế biến theo các quy định cụ thể của luật Hồi giáo, tốt, lành mạnh, không bị nhiễm bẩn trong các khâu chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển và nấu nướng. |
Theo báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu 2021, chi tiêu cho thực phẩm Halal sẽ tăng nhanh, từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.
Có thể nói, thị trường Halal toàn cầu rất rộng lớn, giàu tiềm năng và phát triển nhanh, nhu cầu chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal ngày càng tăng. Nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia, Pakistan, Hàn Quốc, Brazil… đều có các chiến lược, chương trình phát triển ngành Halal, nền kinh tế và hệ sinh thái Halal một cách toàn diện. Thêm vào đó, tiêu chuẩn Halal bao quát nhiều dòng sản phẩm và dịch vụ, vì vậy, doanh nghiệp Việt ngày càng có nhiều cơ hội xuất khẩu và đa dạng các sản phẩm Halal tới nhiều thị trường hơn.
Tuy nhiên, các sản phẩm và dịch vụ Halal Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên thị trường Halal toàn cầu. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Quốc Doanh, thực phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông, thủy sản thô và sơ chế với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, gạo, thủy sản, hạt điều, cà phê, hàng rau quả, hạt tiêu và chè. Halal và thị trường Halal còn khá mới ở Việt Nam.
Nguyên nhân được cho là hiện chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng đối với tất cả các nước trên phạm vi thế giới. Các tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal ở mỗi nước cũng có những khác biệt trong quy trình thủ tục cấp chứng nhận, chưa kể tiêu chuẩn Halal có xu hướng ngày càng khắt khe hơn, đa dạng và phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về chứng nhận Halal còn hạn chế. Ngoài ra, khó khăn còn tới từ sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng…
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi nhận định các doanh nghiệp của tỉnh thường gặp khó khăn khi tìm hiểu, tiếp cận thông tin về thị trường Halal. Việc đạt được chứng nhận Halal cũng không dễ dàng, do hiện nay, trong nước, mới chỉ có một số tổ chức tư nhân kiểm định và cấp chứng nhận; các chứng nhận lại không được công nhận ở tất cả các quốc gia cho tất cả mặt hàng.
Còn theo ông Ngô Biên Cương, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bắc Giang , hiện một số nông sản của tỉnh như: dưa bao tử, vải thiều chế biến, đậu tương… xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Đông (như tại Israel, ) và ủy thác (tại UAE, Lebanon), đều chưa được cấp chứng nhận Halal. Đây là một trong những khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh.
Các diễn giả tại Hội nghị ngày 28/06. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
"Chìa khóa vàng"
Hợp tác quốc tế nhằm tạo thêm nguồn lực giúp Việt Nam tham gia sâu rộng và hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Theo ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông-châu Phi, Bộ Ngoại giao, trong bối cảnh tiêu chuẩn Halal vừa phân mảnh, không thống nhất lại có xu hướng thắt chặt như hiện nay, Việt Nam cần có các bước đi thật cụ thể, quyết liệt để hướng dẫn, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đạt chứng nhận Halal. Rộng hơn nữa, để có thể tiếp cận và khai thác thị trường Halal, bên cạnh việc tập trung vào đối thoại chính sách, hướng dẫn quá trình sản xuất, chế biến, thị trường và chứng nhận Halal cho sản phẩm, cần đưa ra được những ý kiến đóng góp về cơ chế, chính sách, thực tiễn triển khai.
Bà Trần Thị Minh Thu, Vụ trưởng Vụ Tín ngưỡng và Các tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Chính phủ và đại diện Bộ Công Thương, bà Phạm Hoài Linh cho rằng, hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành Halal Việt Nam, thúc đẩy sản phẩm Việt Nam thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ Công Thương cũng khuyến nghị một số giải pháp như: khuyến khích các tổ chức cấp chứng nhận Halal tại Việt Nam thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước về chứng nhận Halal của các nước có nhu cầu nhập khẩu thực phẩm Halal lớn như: UAE, Ai Cập, Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia.
Chia sẻ kinh nghiệm khi xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng này, một số doanh nghiệp Việt Nam trong đó có Công ty CP Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO), cho rằng, nên mời các chuyên gia về Halal tư vấn, các quy chuẩn và quy trình, tránh vi phạm dẫn tới thiệt hại tài chính một cách đáng tiếc. Bên cạnh đó, ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BEINCO nhấn mạnh, việc quản lý quy trình sản xuất và đánh giá tiêu chuẩn các nhà cung cấp phải rất rõ ràng, có chứng nhận Halal đầy đủ; cần có các điều khoản chặt chẽ trong vấn đề thanh toán.
Một số nước đi đầu về phát triển ngành Halal như Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia, UAE, Pakistan, Brazil, Hàn Quốc... đã trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ về quá trình xây dựng và phát triển ngành công nghiệp Halal nội địa, trong đó điểm chung là chú trọng chứng nhận Halal, đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất các sản phẩm và dịch vụ Halal, sự quan tâm của Chính phủ nhất là về cơ chế, chính sách và hợp tác Chính phủ-doanh nghiệp trong phát triển ngành Halal bền vững.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc khai mở và giúp doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Thứ trưởng cũng khẳng định, Việt Nam hiện đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện và là mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực và liên khu vực. Với tinh thần ngoại giao tiên phong, phục vụ kinh tế và phát triển, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học Công nghệ, Công Thương, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan liên quan để hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam, nhằm khai mở một thị trường lớn, tiềm năng và tạo thêm sinh lực mới cho sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
| Việt Nam-Anh: Phấn đấu tới năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt trên 10 tỷ USD Tiếp tục chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh, chiều 29/6, tại thủ đô London, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự tọa ... |
| Tìm hướng đi cho thủy sản Việt Nam sang thị trường RCEP Ngày 27/5, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại các nước RCEP tổ chức ... |