📞

Hàn Quốc - ASEAN: Mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn

PHAN THANH 09:38 | 24/11/2019
TGVN. Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) ký năm 2006 là bước tiến quan trọng đánh dấu vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xu hướng khu vực hóa trong chính sách thương mại hướng ngoại của ASEAN kể từ cuối những năm 1990.
AKFTA đem lại những lợi ích đáng kể cho các nền kinh tế ASEAN và không ít thuận lợi đối với Hàn Quốc. (Nguồn: Businesskorea.co.kr)

Chính sách thương mại hướng ngoại

Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai mà ASEAN đàm phán Hiệp định thương mại tự do (sau Trung Quốc). Tiến trình này được bắt đầu vào năm 2004 khi các nhà Lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc ký Tuyên bố chung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện, khẳng định mong muốn thiết lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc bao gồm các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư.

Năm 2005, ASEAN và Hàn Quốc ký Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện và sau đó là các hiệp định cụ thể trong từng lĩnh vực, tạo nền tảng pháp lý hình thành Khu vực thương mại tự do. Các thỏa thuận tạo nên AKFTA có kết cấu pháp lý khá đơn giản một Thỏa thuận khung, các Thỏa thuận về từng lĩnh vực thuộc phạm vi của AKFTA (hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư) và một Thỏa thuận về cơ chế giải quyết tranh chấp áp dụng cho từng lĩnh vực nêu trên.

Theo đánh giá chung, AKFTA đã đem lại những lợi ích đáng kể cho các nền kinh tế ASEAN và không ít thuận lợi đối với phía Hàn Quốc.

Theo Businesskorea, trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN tăng trung bình hàng năm là 5,7% trong giai đoạn 10 năm (2007–2016). Giai đoạn này, thị phần của hàng hóa Hàn Quốc trong khu vực ASEAN đã tăng lên 7%; thặng dư thương mại của Hàn Quốc với khu vực cũng đã tăng vọt từ 5,64 tỷ USD lên 30,2 tỷ USD; thương mại dịch vụ tăng hơn gấp đôi từ 20,13 tỷ USD lên 42,99 tỷ USD.

Sâu sắc hơn với ASEAN

Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đang đối mặt với những trở ngại trong xuất khẩu do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng thương mại với Nhật Bản, cũng như sự không chắc chắn trong nền kinh tế thế giới kéo dài. Giai đoạn xuất khẩu giảm sút đã bước sang tháng thứ 11, chủ yếu do lĩnh vực sản xuất chip yếu và một loạt bất đồng thương mại trên toàn cầu.

Nhằm giảm sự phụ thuộc vào các thị trường lớn, cũng như thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, Hàn Quốc đang nỗ lực mở rộng mạng lưới thương mại trên toàn cầu, đặc biệt là gia tăng sự hiện diện tại các thị trường mới nổi, tìm kiếm các mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với các thành viên của khối Đông Nam Á.

Theo đó, ngoài AKFTA, nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế đang phát triển với khu vực, Hàn Quốc đang xem xét khả năng thúc đẩy các FTA riêng với nhiều nước thành viên ASEAN hơn. Được biết, Seoul đang xem xét khả năng thúc đẩy FTA với một số thành viên trong năm quốc gia Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Tháng trước, Hàn Quốc đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ với Indonesia về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện trước khi hoàn tất thỏa thuận cuối cùng trong tháng này. Hàn Quốc hy vọng có thể chính thức ký kết hiệp định trên với Indonesia vào đầu năm 2020. Nước này cũng đang thúc đẩy ký kết các FTA với Malaysia và Philippines trước cuối năm nay. Trong khi đó, các FTA của Hàn Quốc với Singapore và Việt Nam đã bắt đầu có hiệu lực vào năm 2006 và 2015.

Nếu tất cả các cuộc đàm phán đang diễn ra thành công, Hàn Quốc sẽ có FTA với cả năm đối tác thương mại lớn nhất của nước này ở ASEAN.

Trở thành đối tác quan trọng hàng đầu

Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng cường hợp tác thương mại thông qua AKFTA từ năm 2007. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia, Việt Nam–Hàn Quốc tiếp tục ký kết hiệp định thương mại tự do song phương (VKFTA) và thực thi từ tháng 12/2015.

VKFTA trở thành một trong những hiệp định thương mại tự do song phương mang tính chiến lược của cả Việt Nam và Hàn Quốc. VKFTA đã góp phần nâng cao hiệu quả của khuôn khổ pháp lý và thực thi chính sách thương mại, cải thiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của hai nền kinh tế, tạo động lực mới góp phần thực hiện các mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020 và hướng tới sự cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Đến nay, theo số liệu thống kê, Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký tính đến tháng 9/2019 đạt 65,7 tỷ USD với 8.190 dự án. Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư số 1 giữ vai trò tích cực trong một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Các dự án đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam rất đa dạng, trải rộng từ công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, năng lượng đến phát triển hạ tầng giao thông, logistics, bất động sản, dịch vụ, du lịch…

Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 4 của Hàn Quốc sau Mỹ, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc). Hiện hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như: Samsung, Hyundai, LG, POSCO, SK, Lotte, Kumho-Asiana... đã có mặt tại Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng là những đối tác chiến lược của những tập đoàn hàng đầu Việt Nam như Kebhanabank sở hữu 15% cổ phần BIDV, SK sở hữu 6% cổ phần của Vingroup... Đây không chỉ là những dự án hợp tác để tiếp cận thị trường Việt Nam mà còn mở ra một chương mới, khi doanh nghiệp hai nước cùng hướng đến thị trường khu vực và thế giới.

Cùng với các hoạt động đầu tư, quy mô thương mại giữa hai nước cũng không ngừng gia tăng. Tám tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch song phương Việt Nam-Hàn Quốc đạt 44 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2018. Hai nước là đối tác thương mại rất quan trọng của nhau, với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hàn Quốc cung cấp nguồn linh kiện, máy móc, thiết bị thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam. Việt Nam là điểm tựa để các tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu.