Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (phải) và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo gặp gỡ ngày 15/11 tại Seoul. (Nguồn: Getty Images) |
GSOMIA, viết tắt của Hiệp định bảo vệ tình báo quân sự, Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết năm 2016. Theo đó, nó yêu cầu Tokyo và Seoul trực tiếp chia sẻ các bí mật quân sự, đặc biệt là về khả năng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Rạn nứt, khủng hoảng và tan vỡ
Trong bối cảnh Mỹ nỗ lực thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa tại Đông Bắc Á, hiệp ước này có vai trò đặc biệt quan trọng với Washington và đã ít nhiều giúp ích cho Tổng thống Donald Trump xây dựng mối quan hệ với Chủ tịch Kim Jong-un. Tuy nhiên, rạn nứt và khủng hoảng quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã đe dọa tới sự tồn tại của GSOMIA. Ngày 22/8, Phó Giám đốc của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Hàn Quốc Kim You-Geun đã tuyên bố sẽ không tiếp tục gia hạn GSOMIA hết hạn vào ngày 24/8.
Ngay việc chọn Hàn Quốc làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Á lần thứ hai của nhiệm kỳ, gặp gỡ người đồng cấp nước chủ nhà Jeong Kyeong-doo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 14/11 và 15/11 vừa qua cũng không hiệu quả. Một ngày sau đó, Người Phát ngôn Tổng thống Hàn Quốc Ko Min-jung khẳng định: “Quyết định hủy bỏ GSOMIA là không thể tránh khỏi.” Đáng chú ý, trong cuộc họp báo giữa nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Moon Jae-in, Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong cho biết nước này có thể xem xét lại quyết định chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản (GSOMIA) nếu quan hệ song phương được bình thường hóa. Tuy nhiên, mọi chuyện gần như đã an bài sau phát biểu ngày 15/11 vừa qua.
Hàn Quốc cương quyết, tại sao?
Yếu tố đầu tiên chính là căng thẳng Hàn - Nhật. Người Phát ngôn Tổng thống Hàn Quốc Ko Min-jung tuyên bố: “Nếu chúng tôi đơn phương rút lại quyết định mà không có sự thay đổi trong chính sách hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản hay quan hệ song phương, điều đó sẽ chỉ chứng tỏ rằng quyết định ban đầu của chúng tôi là không sáng suốt.” Căng thẳng trong quan hệ, từ lĩnh vực thương mại, đã lan sang chính trị, kinh tế và quân sự: Việc Hàn Quốc xóa Nhật Bản khỏi danh sách trắng thương mại hay hủy GSOMIA nhằm thể hiện sự cứng rắn cần thiết, ngay cả khi lãnh đạo hai bên đã có tiếp xúc ngắn tại Bangkok bên lề Thượng đỉnh ASEAN.
Yếu tố thứ hai là quan hệ của Hàn Quốc với Mỹ. Seoul nhận thức rõ rằng vai trò của GSOMIA trong chính sách Triều Tiên của Washington. Thêm vào đó, Hàn Quốc khó có thể hài lòng khi bị đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper yêu cầu tăng gấp 4 lần chi phí quân sự cho hoạt động của quân đội Mỹ tại lãnh thổ Hàn Quốc. Như vậy, việc Seoul kiên quyết không gia hạn lại GSOMIA có thể là cách Tổng thống Moon Jae-in gửi thông điệp tới ông Donald Trump rằng Hàn Quốc không phải là “quả hồng mềm” ai muốn bóp thì bóp.
Yếu tố cuối cùng chính là Triều Tiên. Sau ba cuộc Thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in, Bình Nhưỡng đang đóng vai trò ngày một quan trọng trong chính sách đối ngoại của Seoul. Gia hạn GSOMIA có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ Hàn – Triều đang ấm dần lên và đàm phán Mỹ – Triều đang bế tắc. Việc Mỹ và Hàn Quốc hủy tập trận ngay cả khi Triều Tiên tập trận không quân 2 lần trong 3 ngày cũng nhằm tránh tác động xấu tới quan hệ với Triều Tiên.
Khi ấy, việc Hàn Quốc cương quyết hủy bỏ GSOMIA không phải là hành động bộc phát nhất thời nhằm thể hiện thái độ cứng rắn với Nhật Bản, mà còn đi kèm những tính toán nhất định, gửi thông điệp tới Mỹ và tránh tác động tiêu cực tới quan hệ Hàn – Triều.