Nhóm bạn trẻ Hàn Quốc tham gia “salon xã hội” munto. (Nguồn: Korea Times) |
Cuốn sách có tựa đề “Xu hướng của Hàn Quốc năm 2019” được viết bởi Giáo sư Kim Nan-do (Đại học Quốc gia Seoul) chuyên nghiên cứu về xu hướng của người tiêu dùng mới đây nhận định: “Người dân Hàn Quốc sẽ ngày càng chi nhiều tiền hơn để trải nghiệm cuộc sống và tiếp tục đến những salon văn hoá để khám phá và định hình bản thân”.
Cụm từ văn hóa “salon” hay các “salon” văn hóa đang ngày càng phổ biến trên các mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng của Hàn Quốc. Vậy thế nào là văn hóa “salon”?
Thay đổi trong quan niệm
Không giống với từ “salon” của tiếng Pháp trong những cụm từ như “tiệm làm tóc” hay “salon làm đầu”, “văn hóa salon” tại Hàn Quốc lại được dùng để chỉ những địa điểm mà giới trí thức và nghệ sĩ thường tụ họp giao lưu, mở rộng mạng lưới và chia sẻ kiến thức.
Cho đến nay, hầu hết salon văn hóa tại xứ Hàn được vận hành theo quy mô một nhóm hoặc lớp học nhỏ. Khác với những lớp học truyền thống, nơi chỉ có một giáo viên giảng bài và những người còn lại lắng nghe, hoạt động trao đổi thông tin tại đây vô cùng linh hoạt, giúp cho các thành viên thỏa mãn nhu cầu được thể hiện bản thân và học hỏi thêm những lĩnh vực yêu thích. Ngoài ra, những buổi họp tại salon văn hoá còn cho phép cá nhân tự lên kế hoạch, tự tổ chức và thực hiện các kế hoạch đó.
Xu thế này ra đời trong bối cảnh người dân Hàn Quốc ngày càng nhận ra tầm quan trọng của đời sống cá nhân, bên ngoài nơi làm việc. Nếu như trước kia, người dân tại quốc gia Đông Bắc Á này mong muốn được hòa mình vào tập thể và cống hiến hết mình trong công việc, thì trong cuộc sống hiện đại, người dân xứ sở kim chi, đặc biệt là giới trẻ độ tuổi từ 20 đến 30, nhận ra rằng, việc khám phá và tìm hiểu cái tôi cá nhân cũng quan trọng không kém.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong môi trường làm việc đã thúc đẩy nhiều người lao động tại Hàn Quốc tìm kiếm các hoạt động và địa điểm để đầu tư, phát triển mối quan tâm của bản thân.
“Trước kia, hầu hết người dân Hàn Quốc không biết sở thích của bản thân là gì, và chỉ có một mối quan tâm duy nhất, đó là làm việc thật chăm chỉ và tiết kiệm được nhiều tiền. Tuy nhiên, xu thế đầu tư vào bản thân gần đây đang trở thành động lực quan trọng hơn, khi ngày càng nhiều salon văn hoá mọc lên để đáp ứng nhu cầu này,” một học viên tên Jung Hae-myoung chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở mong mỏi phát triển bản thân, không ít thành viên của các salon văn hoá tham gia lớp học là nhằm tìm lại sở thích khi xưa hoặc những sở thích đã mất đi sau khi đi làm. Cũng có người mong muốn học hỏi kiến thức chuyên môn của một lĩnh vực, ngành nghề khác.
Chia sẻ trên tờ The Korea Times, luật sư Park Yong-ill cho biết: “Thật khó để gặp mặt những người đang công tác tại các chuyên ngành khác, và càng khó hơn khi tìm được người có chung mối quan tâm và có thể chia sẻ được”.
Cơ hội khám phá bản thân
Một số người lao động tại Hàn Quốc cho hay, kể từ khi chính sách làm việc 52 tiếng/tuần chính thức được áp dụng, các công ty đã cho phép nhân viên về sớm và tan ca đúng giờ hơn. Điều này khiến cho không ít nhân viên văn phòng đã tìm đến và tham gia các salon văn hóa, trở thành một trong những hoạt động hiệu quả để tận dụng thời gian rảnh rỗi sau khi tan sở.
Hiện nay, rất nhiều mô hình được xây dựng trên nền tảng của salon văn hoá tại Hàn Quốc, với một vài cái tên nổi bật như 2gyosi, munto,… Trong khi người dân xứ Hàn luôn quan niệm rằng họ đang sống trong một xã hội vô cùng gò bó và luôn muốn thoát ra khỏi cái mác “ổn định”, văn hóa salon sẽ cho phép người trẻ Hàn Quốc chia sẻ đam mê và được sống đúng với bản thân mình.
Là một trong những cái tên đi đầu trong xu hướng gợi lại văn hoá salon, cộng đồng 2gyosi được cho là đã đem lại các buổi hẹn chia sẻ sở thích cá nhân dành cho nhân viên văn phòng, với các chủ đề tùy theo nhu cầu của từng thành viên, từ câu lạc bộ sách, thử rượu, board game cho đến leo núi, viết nhật ký,… Bên cạnh đó còn có cộng đồng munto, loại hình “salon xã hội” tập trung vào các sở thích cá nhân. Những chủ đề của câu lạc bộ này bao gồm “Hướng dẫn cho bản thân”. “Salon Rượu”, “Công thức Phim ảnh”, “Câu lạc bộ Nhạc Jazz Thứ 6”,…
Trong một xã hội có quá nhiều thông tin như hiện nay, việc chắt lọc để chọn ra những thông tin chân thực, đa dạng, cũng như được chia sẻ niềm vui, sở thích với những người khác là vô cùng quan trọng. “Salon văn hóa” tuy không có mục tiêu cụ thể, không có lớp học cố định và không có bài kiểm tra định kỳ, song hình thức kết nối mới này đã đem lại hiệu quả không nhỏ cho việc khẳng định bản thân của thế hệ tương lai tại đất nước Hàn Quốc.