Hàng trăm người biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở trung tâm thủ đô Baghdad, phóng hỏa để phản đối kế hoạch biểu tình và đốt kinh Koran ở Stockholm ngày 20/7. (Nguồn: AP) |
Mới đây nhất ngày 24/7, lực lượng cực hữu, chống Hồi giáo “Danish Patriots” đã khiến cộng đồng Hồi giáo phẫn nộ khi đốt Kinh Quran trước cửa Đại sứ quán Iraq tại Copenhagen, Đan Mạch, lần thứ hai chỉ trong chưa đầy một tuần.
Tại Thụy Điển, ngay trong dịp lễ Eid al-Adha linh thiêng cuối tháng trước, hai vụ việc tương tự đã xảy ra gần Nhà thờ Hồi giáo và Đại sứ quán Iraq ở thủ đô Stockholm.
Ngay lập tức, cộng đồng các nước Hồi giáo chỉ trích mạnh mẽ hành vi xúc phạm này. Gần đây nhất, phản ứng trước vụ việc ở Copenhagen, Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích “đòn tấn công hèn hạ” vào Kinh Quran và kêu gọi Đan Mạch có các biện pháp cần thiết để ngăn chặn “tội ác do thù hận” đối với Hồi giáo.
Ngày 24/7, Algeria đã triệu hồi Đại sứ Đan Mạch và Đại biên lâm thời Thụy Điển để phản đối. Indonesia, Iran, Saudi Arabia và Ai Cập cũng chỉ trích hành vi trên.
Iraq đã trục xuất Đại sứ Thụy Điển sau vụ đốt Kinh Quran lần thứ hai. Nước này kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) “nhanh chóng cân nhắc lại cái gọi là tự do ngôn luận và quyền tuần hành” sau các vụ việc.
Đáng ngại hơn, những vụ việc này đang góp phần kích động tuần hành và bạo lực tại một số nơi. Cuối tháng Sáu, sau vụ đốt Kinh Quran gần Nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm, những người ủng hộ giáo sĩ Muqtada al-Sadr đã xông vào Đại sứ quán Thụy Điển tại Iraq để bày tỏ sự phản đối của mình một cách hòa bình.
Sau vụ đốt Kinh Quran lần thứ hai tại đất nước Đông Âu, đoàn người phản đối đã có hành vi đốt phá cơ quan ngoại giao của Thụy Điển ở thủ đô Baghdad.
Thực tế cho thấy, các lực lượng cực đoan đang tận dụng kẽ hở trong tự do biểu đạt của Bắc Âu, điển hình là Thụy Điển và Đan Mạch, để kích động bạo lực từ cộng đồng người Hồi giáo. Từ đó, họ mong muốn sẽ tác động tới chính sách di cư hiện nay của EU cũng như quan hệ giữa các nước châu Âu này với các nước Hồi giáo.
Đến thời điểm hiện tại, phản ứng từ châu Âu vẫn chưa nhiều. Ngày 25/7, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết ông đã có cuộc đối thoại “mang tính xây dựng” với người đồng cấp Iraq Fuad Hussein về quan hệ song phương và vụ đốt Kinh Quran. Dù chỉ trích “hành động kích động và xấu xa”, song nhà ngoại giao này thừa nhận rằng theo Hiến pháp Đan Mạch, giới chức Copenhagen không có thẩm quyền để ngăn chặn tuần hành phi bạo lực.
Tương tự, trao đổi với người đồng cấp Algeria Ahmed Ataf, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom “lấy làm tiếc” về “hành vi xấu xa”. Ông cho biết, mặc dù Hiến pháp Thụy Điển giới hạn những gì chính phủ có thể làm để giải quyết tình trạng trên, song Bộ Tư pháp sẽ tìm kiếm biện pháp để áp dụng luật bảo đảm trật tự công cộng, biến việc đốt Kinh Quran thành “hành vi không thể chấp nhận”.
Liệu thay đổi này của Stockholm có thể ngăn chặn làn sóng nguy hiểm, gây chia rẽ giữa châu Âu và thế giới Hồi giáo hay không, vẫn là điều khó nói.