Nhỏ Bình thường Lớn

Hàng triệu người muốn bỏ thuốc lá vì lo ngại mắc Covid-19 và đối mặt nguy cơ tử vong

Các loại thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, đều dẫn đến những tổn thương phổi khó hồi phục. Do đó, người hút thuốc mắc Covid-19 có nguy cơ tử vong cao.

Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc Covid-19

Mới đây, PGS.TS. Vũ Văn Giáp - Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai đã đăng tải bài viết về nguy hiểm của khói thuốc lá trong đại dịch Covid-19.

Trong bài viết, PGS.TS. Vũ Văn Giáp cho biết, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm virus, vi khuẩn đường hô hấp.

Người hút thuốc lá có nguy cơ nhiễm virus cúm cao gấp năm lần và có nguy cơ bị viêm phổi cao gấp hai lần so với những người không hút thuốc lá và virus SARS-COV-2 gây đại dịch Covid-19 toàn cầu cũng không phải ngoại lệ.

Thuốc lá tàn phá tim và phổi của bạn.
Thuốc lá tàn phá tim và phổi của bạn. (Nguồn: SK&ĐS)

Các bằng chứng hiện tại cho thấy SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào, nhân lên, phát tán tại đường hô hấp. Virus xâm nhập vào các tế bào qua thụ thể ACE-2 có nhiều trong các mô phế nang tại phổi.

Các nhà khoa học xác nhận rằng protein S được biến đổi của SARS-CoV-2 có ái lực với thụ thể ACE-2 cao hơn từ 10 đến 20 lần so với SARS-CoV-2, dẫn đến sự lây lan nhanh hơn của virus.

Khói thuốc lá làm gia tăng biểu hiện của ACE-2 trong các phế bào 2 và đại thực bào phế nang trong phổi.

Người hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động) có nguy cơ cao mắc Covid-19, làm tăng nguy cơ lây truyền và làm tăng mức độ nặng của nhiễm trùng đường hô hấp.

Khói thuốc làm tê liệt và thậm chí tiêu diệt các vi nhung mao (tế bào lông chuyển) trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc rất nhạy cảm với Covid-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhấn mạnh, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền SARS-CoV-2 từ tay lên miệng.

Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như: Thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền virus trong cộng đồng.

Tại Việt Nam đã có báo cáo ghi nhận một số ca lây nhiễm SARS-CoV-2 lây truyền qua ống điếu cày hút chung, gây lây nhiễm Covid-19.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19

Các nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp đã đưa ra kết luận người hút thuốc lá càng nhiều, tỉ lệ tử vong và nhập viện do Covid-19 càng lớn.

Katherine E. Lowe cùng các cộng sự tại Đại học Case Western Reserve, Ohio, Mỹ, đã tiến hành nghiên cứu so sánh mức độ nặng của Covid-19 trên các nhóm bệnh nhân chưa bao giờ hút thuốc lá, và nhóm hút thuốc lá ở các mức độ khác nhau.

Kết quả cho thấy ở nhóm bệnh nhân hút thuốc lá trên 30 bao/năm, tỉ lệ nhập viện cao hơn 2,25 lần so với nhóm không hút thuốc lá. Những người nghiện thuốc lá nặng có nguy cơ tử vong cao hơn 1,89 lần sau khi nhiễm Covid-19 so với những người không bao giờ hút thuốc.

Tại Anh, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Nicholas S. Hopkinson tại Bệnh viện Hoàng Gia Brompton, London, thực hiện khảo sát qua ứng dụng triệu chứng Covid-19 trên hơn 2 triệu người từ tháng 3-4/2020.

Kết quả công bố cho thấy nhóm bệnh nhân đang hút thuốc lá có tỉ lệ xuất hiện triệu chứng của Covid-19 và tỉ lệ nhập viện do Covid-19 cao hơn so với nhóm không hút thuốc lá.

Hàng triệu người muốn bỏ thuốc lá vì lo ngại mắc Covid-19 và đối mặt nguy cơ tử vong

Các nghiên cứu dịch tễ học khác cũng cho thấy, những người hút thuốc khi nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ tiến triển nặng, phải đặt nội khí quản, thở máy và tử vong cao gấp 2,4 lần bình thường.

Một nghiên cứu xem xét kết quả lâm sàng từ 1.099 bệnh nhân mắc Covid-19 được xác nhận trong phòng thí nghiệm từ 535 bệnh viện trên khắp Trung Quốc cho thấy: 12,4% những người hút thuốc tử vong do mắc Covid-19 cần đưa vào những đơn vị chăm sóc đặc biệt hoặc phải thở máy. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ 4,7% ở những người không hút thuốc.

Tại Việt Nam cho tới thời điểm này có 6.908 ca nhiễm và 47 ca tử vong do Covid-19. Những bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong có liên quan các bệnh đồng mắc ở người hút thuốc lá như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư, đái tháo đường…

Hàng triệu người muốn bỏ thuốc lá vì lo ngại mắc Covid-19

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho hay, theo WHO, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của 1.400 bệnh viện trên cả nước, có tới 70-75% bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, tim mạch,…). Rõ ràng, thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh không lây nhiễm.

Theo điều tra toàn quốc năm 2020, tỷ lệ thanh niên trưởng thành hút thuốc đã giảm, nhất là trong nhóm công nhân, viên chức. Hàng chục ngàn công nhân, viên chức đã bỏ thuốc lá.

Các bộ, ban, ngành cũng đã triển khai nhiều hoạt động để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới.

Bà Phan Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, kể từ khi mở tổng đài cai nghiện thuốc lá, 8.000 người đã sử dụng dịch vụ cai nghiện thuốc lá tại đây và đã có 1.500 người dừng hút thuốc lá từ 1 năm trở lên.

Sức khoẻ là vốn quý giá nhất, hãy "Cam kết bỏ thuốc lá"

Năm 2021, WHO chọn chủ đề "Cam kết bỏ thuốc lá" cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 nhằm giảm tỉ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Thông tin tại buổi gặp mặt báo chí do Bộ Y tế tổ chức về sự kiện trên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: “Cam kết bỏ thuốc lá” là chiến lược quan trọng để giúp các thành viên, cá nhân trong cộng đồng để những ai chưa hút thuốc lá thì cam kết không hút thuốc, những ai đã hút thuốc thì cam kết bỏ thuốc.

Mặc dù việc bỏ hút thuốc hết sức khó khăn nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong đại dịch Covid-19, sức khoẻ là vốn quý giá nhất đối với mỗi con người. Vì thế, phòng chống tác hại thuốc lá sẽ giúp mỗi người có được cuộc sống khoẻ mạnh, chống lại dịch bệnh".

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - cán bộ của WHO tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh đại dịch vẫn còn phức tạp, người hút thuốc mắc Covid-19 sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nặng. Không những thế, hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc và trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ tử vong cao hơn.

Mục tiêu chính của chiến dịch ngày Thế giới không thuốc lá năm 2021 là “Cam kết bỏ thuốc lá”, hướng tới đạt được 100 triệu người cam kết và bắt đầu nỗ lực bỏ thuốc lá. Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc lá tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyên cáo của WHO.

Việc bỏ và không hút thuốc lá là một trong những điều tốt nhất mà mọi người có thể làm cho sức khỏe của chính mình và người thân, đặc biệt trong thời điểm đại dịch như hiện nay.

TIN LIÊN QUAN
Covid-19: Hà Nội thêm 27 F1 dương tính với SARS-CoV-2
Tại sao người trẻ, khỏe mạnh cần tiêm vaccine ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt?
TP. Hồ Chí Minh: Dừng tất cả các kỳ thi do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Ảnh ấn tượng tuần 24-30/5: Màn trời chiếu đất ở Dải Gaza, nụ cười của ông Putin với Tổng thống Belarus và diễn biến mới ở Myanmar
Covid-19 ở Việt Nam sáng 31/5: Thêm 61 ca mắc mới, riêng Hà Nội 15 ca

(tổng hợp)