Các ông: Trần Tam Giáp, Dương Ngọc Sơn, Cù Văn Chước và Nguyễn Đình Hoan tại buổi Lễ bàn giao bức Tượng Hồ Chủ Tịch tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 2/1/ |
Từ năm 1945, nhất là sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam, nhân dân và lãnh tụ các nước châu Phi đều coi Bác Hồ như một thần tượng của phong trào giải phóng dân tộc, coi Người là tấm gương, là ngọn đuốc soi đường cho họ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Họ biết Bác Hồ từ những ngày Bác còn hoạt động ở Paris với cái tên Nguyễn Ái Quốc và Báo Le Paria do Người làm chủ bút cho đến khi Bác trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bất cứ lúc nào có dịp, nhất là khi gặp người Việt Nam, các bạn châu Phi thường chào hỏi rất hồ hởi và vung tay hô : "Hồ, Hồ Chí Minh", "Giáp, Giáp, Giáp" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) với niềm hân hoan đặc biệt.
Đã có rất nhiều lời ca ngợi chân tình, những ý kiến đánh giá, những mẩu chuyện cảm động nói lên tình cảm sâu nặng của bạn bè châu Phi đối với Bác Hồ, qua nhiều nhân vật lịch sử lãnh tụ của châu Phi. Các học giả và nhân dân châu Phi cũng luôn đề cập đến Bác Hồ với niềm mến phục sâu sắc về đức độ, trình độ chính trị uyên thâm, kiến thức văn hoá nhân văn của Bác.
Năm 1969, được tin Bác Hồ qua đời, Konongo Benoit, một nghệ sĩ người Congo đã bày tỏ tình cảm của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách chọn gỗ quý và ngày đêm tạc tượng Bác. Đầu năm 1970, nhân có đoàn Thương mại Việt Nam thăm Congo, nghệ sĩ Konongo Benoit đã nhờ đoàn chuyển bức tượng Bác về Hà Nội để thể hiện tình cảm quý trọng, tiếc thương của nhân dân châu Phi đối với một vĩ nhân thế giới mà họ hằng kính yêu và vô cũng ngưỡng mộ.
Bức tượng được chuyển từ thành phố Brazaville về Cairo, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên Đoàn Thương mại không thể mang về nước, đành phải gửi lại Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập. Bức tượng được tạc bằng một loại gỗ quý cứng như thép và nặng gần 1 tạ. Hồi đó việc di chuyển Tượng về nước là rất khó khăn nên các nhân viên sứ quán đành giữ lại trưng bày vì đây là một bức tượng rất đặc biệt.
Đã có tổng cộng 10 năm làm việc tại Ai Cập trong các giai đoạn 1972-1975 (Tham tán), 1985-1989 (Bí thư thứ ba) và 1992-1995 (Đại sứ), ông Trần Tam Giáp rất trăn trở về việc đưa bức tượng Bác Hồ về đúng vị trí. Dù sao đây cũng là hiện vật mang đậm tình cảm của châu Phi với Bác Hồ. Nhất là lúc đấy, ở Hà Nội cũng đã có Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đưa bức tượng về trưng bày tại Bảo tàng là mong muốn lớn nhất của ông Giáp.
May sao tháng 12/1995 có Đoàn Thanh tra Nhà nước ta thăm Ai Cập. Đoàn do ông Dương Ngọc Sơn, Phó Tổng Thanh tra dẫn đầu. Ông Giáp đã bày tỏ nguyện vọng với Trưởng đoàn Thanh tra và Đoàn đã ủng hộ và tích cực thu xếp rước tượng Bác về nước. Trước khi rời Ai Cập, anh chị em trong Đại sứ quán Việt Nam tại Cairo với niềm lưu luyến đã tải nước sông Nil linh thiêng về tắm cho tượng, đóng gói hết sức cẩn thận, đặc biệt là bảo quản bộ râu tượng Bác. Bản thân ông Giáp đã lấy chính quần áo mình để bọc kỹ bức tượng tránh để "gãy râu". "Vì bộ râu khá dài, mà nếu bị gãy thì còn gì là ý nghĩa của bức tượng", ông Giáp nói.
Chiều đông ngày 29/12/1995, bức tượng đã rời đất nước Kim Tự tháp với sự hộ tống của Đoàn cán bộ cấp cao Thanh tra Nhà nước bay chặng đường Cairo - Dubai - Hà Nội. Tại sân bay Nội Bài, ông Trần Tam Giáp cũng có mặt đón tượng Bác. Sau đó, ngày 2/1/1996, Lễ bàn giao tượng Bác đã được tổ chức trọng thể tại Bảo tàng Hồ Chí Minh với sự hiện diện của Giám đốc Cù Văn Chước, Phó Giám đốc Nguyễn Đình Hoan, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước Dương Ngọc Sơn, Đại sứ Trần Tam Giáp và đông đảo cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Mười lăm năm đã trôi qua, ông Dương Ngọc Sơn nay là Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Thăng Long Hà Nội và ông Trần Tam Giáp nay là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao. Mỗi lần gặp nhau, hai ông lại cùng nhau nhớ lại câu chuyện rước tượng Bác. Các ông vẫn cảm thấy xúc động, đặc biệt với ông Giáp, một thập kỷ gắn bó với Ai Cập, nếu không đưa được tượng Bác về Hà Nội, có lẽ ông cảm thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ, dù việc rước Tượng không nằm trong danh sách những việc ông phải làm tại Ai Cập.
Kim Chung