TIN LIÊN QUAN | |
Vượt thác ghềnh, ra biển lớn | |
Phát huy vai trò kết nối |
Một chuyến đi với nhiều trải nghiệm ý nghĩa, ấm áp và in dấu mãi trong tôi!
Năm 2015, Nepal - đất nước nhỏ bé bên sườn dãy Himalaya hùng vĩ đã trải qua một thảm họa thiên nhiên khủng khiếp. Từ một đất nước yên bình, xinh đẹp, mang chút cổ kính, Nepal trở thành một đất nước với nhiều công trình kiến trúc bị phá hủy hoàn toàn. Khi nhận được thông tin có người Việt mắc kẹt trong trận động đất bất ngờ đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal, dưới sự chỉ đạo của Đại sứ Tôn Sinh Thành, đã gấp rút chuẩn bị phương án sang Nepal làm công tác giải cứu công dân.
Vượt qua nỗi sợ và cái chết cận kề
Đại sứ quán tổ chức hai nhóm cứu hộ tới Nepal. Một nhóm khẩn trương di chuyển bằng đường hàng không để phối hợp với các cơ quan chức năng của Nepal nắm tình hình và yêu cầu sự hỗ trợ từ chính quyền sở tại cũng như Đại sứ quán Ấn Độ tại Nepal. Nhóm đường bộ của chúng tôi gồm một cán bộ Phòng Tuỳ viên Quốc phòng cùng một cán bộ thuộc cơ quan Thương vụ.
Nhận chỉ thị vào khoảng 10 giờ đêm, chúng tôi gấp rút chuẩn bị để có thể xuất phát vào sáng sớm hôm sau. Vì thời gian quá gấp gáp, chúng tôi xác định sẽ mua một số thực phẩm cần thiết như gạo, nước, đồ khô, hoa quả… trên đường đi để tiếp tế cho công dân mình.
Cộng đồng người Việt và cán bộ Đại sứ quán làm từ thiện cho người dân Nepal. |
Bình thường, con đường từ New Delhi sang thủ đô Kathmandu của Nepal không quá khó đi, nhưng trong tình cảnh vừa xảy ra động đất mạnh và dư chấn của nó vẫn còn tiếp diễn, hành trình này quả thật nguy hiểm. Trên các cung đường, đặc biệt khi đến gần biên giới hai nước và đi sâu vào Nepal, đất đá vẫn liên tục rơi, mặt đường xuất hiện nhiều khe nứt, một số đoạn, mép đường vẫn tiếp tục sụt lở. Khi xe ô tô đi qua, cảm giác mặt đường sắp tụt xuống, mà ngay dưới đó là vực sâu.
Nhiều khi chúng tôi không dám nhìn xuống, bởi cái cảm giác hoảng sợ, rủi ro luôn cận kề, thường trực.
Nhưng rồi cảm giác đó cũng nhanh chóng qua đi, thay bằng sự lo lắng cho những người Việt hiện đang mắc kẹt trong đống đổ nát tại Nepal. Trên đường đi, chúng tôi luôn cập nhật tình hình và xin chỉ đạo từ Đại sứ quán để có các phương án tối ưu nhất.
Sau nguy nan, đọng lại tình người
Thành phố Kathmandu đón chúng tôi bằng hình ảnh đổ nát, hoang tàn. Nỗi lo âu, hoảng sợ vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt người dân nơi đây. Tuy nhiên, người dân khá trật tự, không có cảnh tượng nhốn nháo, mọi người tập trung tìm kiếm, giải cứu những nạn nhân còn đang mắc kẹt trong đống đổ nát.
Chúng tôi đã liên hệ và đến nhà chị Út, một người gốc Việt và là chủ nhà hàng Việt PHỞ 99 tại đây. Trước biến cố quá bất ngờ, chị đã gác lại công việc kinh doanh, dồn công sức ứng cứu các nạn nhân của trận động đất, không chỉ là người Việt mà cả những người dân đang phải chịu thảm họa bất ngờ này.
Với sự giúp đỡ nhiệt tình của chị và những người trong gia đình, chúng tôi quyết định chọn nhà chị làm nơi tập kết công dân Việt. Tuy nhiên, điều khó khăn là liên lạc và tìm kiếm người Việt ở Nepal. Khách du lịch sang đây nhiều, nhưng thông tin lại không cập nhật. Thảm họa đã phá hủy mạng lưới viễn thông, khiến việc gọi điện và kết nối bị gián đoạn.
Chúng tôi chia thành các nhóm nhỏ, cố gắng tiếp cận các nhóm người Việt trong khung cảnh đổ nát. Mọi thông tin đều được cập nhật và chia sẻ một cách nhanh nhất. Lương thực, thực phẩm và thuốc men luôn sẵn sàng. Nhờ mạng xã hội facebook, chính quyền địa phương, mạng lưới cộng đồng cùng với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán ta ở Ấn Độ, chúng tôi đã dần tiếp cận được với tất cả thành viên người Việt đang có mặt tại Nepal.
Thật may, ở những khu vực nguy hiểm nhất không có người Việt sinh sống, do vậy, số lượng người bị kẹt không nhiều như dự tính. Sau khi được liên lạc, các công dân Việt đã tập trung tại nhà hàng của chị Út. Khi có đủ thông tin khẳng định sự an toàn của các nhóm người Việt, chúng tôi đưa ra phương án giúp họ quay trở về Việt Nam bằng cách qua New Delhi, vì sân bay tại Nepal bị phá hủy một phần và các hãng hàng không đang quá tải.
Thật xúc động khi mọi người đều muốn ở lại mảnh đất nguy hiểm này thêm vài ngày nữa để giúp đỡ người dân địa phương và sau đó sẽ tự về theo cách của mình. Vậy là, chúng tôi cùng bắt tay vào công việc cứu giúp người dân Nepal. Số thực phẩm chúng tôi mang theo được đưa đến tay những người đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Trong cảnh tan hoang sau thảm họa, con người đồng cảm, xích lại gần nhau hơn. Không chỉ là cứu giúp đồng bào mình, mà còn là sự hỗ trợ, chia sẻ giữa những con người của hai đất nước, hai dân tộc.
Chuyến đi đã để lại những ấn tượng sâu sắc. Chúng tôi hiểu rằng đối phó với những thảm họa bất ngờ xảy ra, điều tiên quyết là sự phối kết hợp kịp thời của các cơ quan, Bộ/ngành có liên quan trong nước và tại địa bàn. Quan trọng là khi chúng ta mang cái “tâm” thiện nguyện đi đến những nơi cần sự trợ giúp, mọi việc sẽ có cách giải quyết.
Khi những khó khăn qua đi, chúng tôi càng thấy trân trọng những phút giây yên bình. Trải qua những năm tháng công tác tại Ấn Độ, giữa điều kiện thời tiết khắc nghiệt, những khó khăn trong công việc và cuộc sống, điều đọng lại trong chúng tôi mỗi khi nghĩ về thời gian đó đều thấy ấm lòng, đó là tình người.
Ba bài báo không bao giờ quên Nhờ sự động viên của Ban biên tập báo TG&VN, tôi đã viết một số bài báo, trong đó có các câu chuyện ngoại giao ... |
Chuyện ngoại giao liên quan đến Phật giáo Nhiều người cho rằng, tôn giáo chi phối, ảnh hưởng đến chính trị và chính sách ngoại giao là chuyện của thời trung cổ hay ... |
Câu chuyện ngoại giao 40 năm trước (Kỳ 1) Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Đây là thắng lợi vĩ ... |