Nhỏ Bình thường Lớn

Ai đồng minh, ai đối thủ?

Hành trình của ông chủ Nhà Trắng tới châu Âu trong tháng Bảy này đánh dấu chuyển biến lớn trong quan hệ của Washington với NATO, London và Moscow.
TIN LIÊN QUAN
tin nhap 20180713094213 Mỹ - Canada thảo luận cứu NAFTA bên lề thượng đỉnh NATO
tin nhap 20180713094213 Ông Trump coi nhà lãnh đạo Nga V.Putin là "đối thủ cạnh tranh"

Từ ngày 11 – 16/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự thượng đỉnh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, thăm chính thức London và Edinburgh trước khi tới Helsinki - địa điểm được lựa chọn cho cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đối thủ truyền thống đang có nhiều “biến hóa”.

Thời gian gần đây, ông Trump và lãnh đạo EU thường xuyên “lời qua tiếng lại” về vấn đề đóng góp ngân sách quốc phòng cho NATO. Quan hệ giữa London và Washington không còn thân thiết như dưới thời cựu Thủ tướng Tony Blair – Tổng thống George W. Bush; chuyến thăm Anh của ông Trump thậm chí đối mặt với sự phản đối dữ dội của người dân xứ sở sương mù.

Hành trình nghỉ ngơi, đánh golf và thăm “quê ngoại” của ông chủ Nhà Trắng tại Scotland cũng khó lòng yên ả, khi hàng chục nghìn người sẽ biểu tình tại Aberdeen, Glasgow và Edinburgh. Bởi vậy, không khó để giải thích tại sao ông Trump đánh giá cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 16/7 là “dễ dàng nhất”, bởi tuy Moscow tiếp tục là “đối thủ cạnh tranh”, hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhiều điểm tương đồng và có thể hợp tác giải quyết trong vấn đề còn tồn tại.

tin nhap 20180713094213
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Time)

Đơn độc ở Brussels

Trước thềm chuyến thăm, ông Trump vẫn tiếp tục chỉ trích NATO “lợi dụng” Mỹ khi Washington đóng góp tới 70% ngân sách của NATO, trong khi các quốc gia châu Âu vẫn lần lữa với nghĩa vụ 2% của mình, song lợi ích chủ yếu lại đổ về phía nước EU. Đáng ngại hơn, tháng 5/2017, ông chủ Nhà Trắng từng từ chối tuân thủ Điều 5 trong Hiến chương NATO, về việc các nước đồng lòng đáp trả mọi hành động công kích nhắm vào bất kỳ một quốc gia NATO nào.

Đáp lại, ngày 10/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nhắn nhủ ông Trump rằng “Mỹ đã và sẽ không có một đồng minh nào tốt hơn châu Âu. Tiền rất quan trọng, nhưng sự đoàn kết, gắn bó một cách chân thành còn quan trọng hơn”. Chủ tịch Donald Tusk cũng mong rằng người đứng đầu Washington sẽ cân nhắc tới mối quan hệ song phương “khăng khít” giữa Mỹ và châu Âu khi Tổng thống Mỹ gặp gỡ người đồng cấp Nga tại Helsinki ngày 16/7.

Song những lời của ông Tusk dường như đã không được ông Trump lắng nghe. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có bữa sáng chẳng mấy làm ngon miệng khi nghe Tổng thống Mỹ chỉ trích Đức “lệ thuộc” vào Nga vì nhập khẩu dầu và khí đốt từ quốc gia này. Ông Trump cho rẳng sẽ là vô lý khi Mỹ chi hàng tỷ USD để bảo vệ Đức khỏi Nga, trong khi Berlin lại ủng hộ một thỏa thuận dầu khí với Moscow.

Diễn biến này sẽ ít nhiều phủ bóng đen lên cuộc họp chính thức, vốn sẽ sớm diễn ra. Đây là sự kiện trọng tâm trong hoạt động của NATO nói chung và Mỹ nói riêng, bàn thảo về hoạt động của khối, trải dài từ duy trì hiện diện quân sự tại Afghanistan, bảo vệ quốc gia biên giới với Nga, tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố tại châu Âu hay tiếp nhận thêm thành viên mới, xây dựng tuyên bố chung thể hiện sự đoàn kết và nhất trí cao giữa các nước.

Song với ông Trump, điều gì cũng có thể xảy ra, nhất là khi ông đã từng “đơn thương độc mã” chỉ trích sáu nước còn lại trong Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada tháng Sáu vừa qua. Julie Smith, chuyên gia về An ninh châu Âu, người từng đảm nhiệm vị trí Phó Cố vấn an ninh Quốc gia của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, bi quan rằng ông Trump có thể sớm rời thượng đỉnh NATO và cử Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hoặc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thế chỗ. Nếu thành hiện thực, kịch bản này sẽ kéo quan hệ Mỹ - NATO xuống một “tầm thấp” mới. 

London ngày mưa gió

Rời Brussels, hành trình tới thủ đô nước Anh của Tổng thống Mỹ chẳng dễ dàng hơn là mấy. Bản thân ông Trump cũng nhận định rằng chuyến thăm London diễn ra trong bối cảnh Anh đang ở “tâm bão”, với nhiều rắc rối xung quanh nội các của Thủ tướng Theresa May.

Gần đây nhất, ngày 9/7, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người được ông chủ Nhà Trắng đánh giá là “thân thiện và nhiệt tình”, đã từ chức sau cuộc họp với bà May tại Chequers ngày 7/7 về Brexit. Ông khẳng định mình không thể ủng hộ tiến hành một kế hoạch Brexit biến nước Anh thành “thuộc địa” của châu Âu và giấc mơ Brexit của London đang “chết dần”. Song đáp lại những lời “tâm huyết” của ông Johnson, lời lẽ trong bức thư của bà May lại có phần lạnh nhạt khi cho rằng đây là điều đúng đắn. Ngay trước đó, một thành viên then chốt khác trong kế hoạch Brexit là Bộ trưởng Brexit David Davis cũng tuyên bố từ chức, cho rằng đất nước cần một người “tin tưởng hơn vào cách tiếp cận của Thủ tướng, thay vì một người chỉ miễn cưỡng nghe theo” như ông.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Theresa May khó có thể toàn tâm toàn ý đón tiếp vị khách đến từ Mỹ, dù theo lời bà, hai nước vẫn tiếp tục gìn giữ và phát huy “quan hệ đối tác lâu dài và sâu sắc nhất” mà Anh từng có với bất kỳ một quốc gia nào, đặc biệt là trong vấn đề an ninh. Bà cũng sẽ đề cập với ông chủ Nhà Trắng về tranh chấp giữa Washington và Brussels liên quan đến thuế nhập khẩu tại hội đàm sắp tới. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã xây dựng một “mối quan hệ tốt” với Thủ tướng Anh và mong rằng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ.

Tuy nhiên, một số tiền đề khác cho chuyến thăm Anh và Scotland của ông Trump có vẻ không thuận lợi như vậy. Dự kiến, hàng chục nghìn người sẽ xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn, trải dài từ London đến Edinburgh nhằm phản đối chuyến công du và chính sách người nhập cư của nhà lãnh đạo Mỹ. Ước tính 4.000 – 6.000 cảnh sát sẽ được huy động để chuẩn bị đối phó với diễn biến xấu nhất. Công dân Mỹ đã được Đại sứ quán tại London khuyến cáo không đi đến những nơi tụ tập đông người để tránh tình trạng bạo động xảy ra. Ngay cả trong chuyến về “quê ngoại” Scotland, ông Trump cũng chỉ nhận được sự phản đối, cùng thái độ lạnh nhạt của chính quyền Scotland, với Thủ hiến Nicolas Sturgeon “lấp lửng” về khả năng diễn ra một cuộc hội đàm.

“Hàn huyên” giữa Helsinki

Chính vì những khó khăn nêu trên mà trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận định ông có lẽ sẽ cảm thấy thoải mái nhất tại Helsinki (Phần Lan) khi gặp gỡ và trao đổi với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông cũng cho rằng ở thời điểm hiện tại, Nga vừa là “đối thủ cạnh tranh”, vừa là “bạn” của Mỹ. Song, chính xác mà nói, Mỹ hiện tiếp tục “cạnh tranh” với Nga, còn ông Trump lại đang muốn làm “bạn” với ông Putin.

Ngay từ trước khi đắc cử, ông Donald Trump đã dành nhiều lời khen cho Tổng thống Putin và công khai chúc mừng nhà lãnh đạo Nga khi tái đắc cử vị trí chủ nhân điện Kremlin hồi tháng Ba vừa qua, phá vỡ thông lệ truyền thống của các nước phương Tây. Ông cũng mong muốn Nga trở lại G7, thậm chí là lên tiếng ủng hộ chủ quyền của Moscow ở Crimea, trước khi buộc phải thay đổi giọng điệu dưới áp lực trong nước.

Quan trọng hơn, thông qua cuộc gặp lần này, ông Trump có lẽ đang hướng tới “tái khởi động” quan hệ giữa Nhà Trắng và Kremlin. Thú vị thay, điểm giống nhau hiếm hoi giữa ông và người tiền nhiệm Barack Obama lại nằm ở chỗ cả hai đều muốn xây dựng quan hệ tốt với “đối thủ” của Mỹ dựa trên “lợi ích và sự tôn trọng lẫn nhau”. Họ đều cho rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết dễ dàng hơn với sự tham gia của Nga và Trung Quốc, thay vì rơi vào thế đối đầu.

Tuy nhiên, khác với người tiền nhiệm, ông Trump dường như tỏ ra quá tự tin với khả năng thương thuyết của mình khi ông cho rằng có thể thuyết phục ông Putin “rút khỏi Syria, từ bỏ Ukraine” chỉ sau một bữa tối. Ở hai lần hội ngộ trước, một ở Thượng đỉnh G20 ở Hamburg (Đức) tháng 5/2017 và một ở Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, cả hai đã không có nhiều thời gian để trò chuyện. Do đó, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để ông Trump và ông Putin có thể trao đổi và tìm hiểu lẫn nhau, qua đó xây dựng một mối quan hệ cá nhân, tạo tiền đề cho hợp tác thời gian tới.

Nhưng ngay cả khi đó, một “bữa tối” thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo vẫn khó có thể lật trang sử mới cho quan hệ hai nước, khi giữa họ còn nhiều vấn đề cần giải quyết, từ chấm dứt chạy đua vũ khí hạt nhân, thương thuyết gỡ bỏ cấm vận cho Nga, tìm kiếm thỏa thuận Syria, ngừng ngoại giao “ăn miếng trả miếng” tới xác định lập trường của Mỹ trong vấn đề Crimea và Ukraine. Ông Marwan Bishara, chuyên gia về Trung Đông, Giáo sư tại Đại học Mỹ ở Paris nhận định không loại trừ khả năng hai bên sẽ “đổi chác”, với Nga kiềm chế Syria và Iran, trong khi Mỹ “dỗ dành” Israel và Saudi Arabia. Tuy nhiên, trong mối quan hệ phức tạp này, lý thuyết không phải lúc nào cũng song hành cùng thực tiễn và kết quả cuộc gặp Trump – Putin vẫn tiếp tục là một ẩn số khó đoán định.

tin nhap 20180713094213
Tổng thống Mỹ tiếp tục chỉ trích các nước NATO về đóng góp quốc phòng

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/7 cho rằng những nỗ lực của ông đã thúc đẩy các thành viên khác trong Tổ chức Hiệp ...

tin nhap 20180713094213
Thượng đỉnh Helsinki

Sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Trump giờ đây chuyển hướng sang Tổng thống Nga ...

tin nhap 20180713094213
Đồng minh Mỹ lo ông Trump muốn có quan hệ tốt với Nga

Truyền thông sở tại đưa tin, các nước đồng minh của Mỹ đã bày tỏ quan ngại về những ý định của Tổng thống Mỹ ...

Minh Quân