📞

Hành trình định vị Halal Việt Nam

Hà Phương 08:30 | 07/12/2024
Dẫu còn không ít khó khăn nhưng với quyết tâm và tiềm năng lớn trong thị trường nghìn tỷ USD – Halal, Việt Nam sẽ sớm trở thành một ngôi sao mới trong bản đồ toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Hội nghị phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam, ngày 22/10. (Ảnh: Tuấn Anh)

Chia sẻ với TG&VN, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Áo, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi Nguyễn Trung Kiên; PGS. TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi và Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh đã cùng mổ xẻ những rào cản, thách thức của ngành công nghiệp Halal Việt Nam, từ đó định vị ngành Halal Việt Nam đang ở đâu và cần làm gì để bứt phá.

Gian nan từ khi vừa “chớm nở”

PGS. TS Đinh Công Hoàng khẳng định, Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh khi tham gia thị trường Halal và không muộn. Tuy nhiên, Việt Nam đang vấp phải không ít thách thức.

Thứ nhất, nhận thức của người dân và doanh nghiệp Việt Nam về Halal còn tương đối hạn chế. Người dân, doanh nghiệp, kể cả cơ quan quản lý nhà nước chưa có hiểu biết sâu về Halal. Doanh nghiệp rất cần sự tư vấn, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn trong việc tìm hiểu về yêu cầu của thị trường này.

Thứ hai, quá trình chứng nhận Halal của Việt Nam còn tương đối phức tạp, chưa hài hòa với quốc tế, chưa có được khuôn khổ pháp lý vững chắc để phát triển ngành công nghiệp Halal mới vừa “chớm nở”.

Thứ ba, chi phí để phát triển ngành công nghiệp Halal cũng là bài toán khó đối với không ít doanh nghiệp, không chỉ là chi phí để được cấp giấy chứng nhận mà còn cả chi phí đầu tư vào cơ sở vật chất, dây chuyền chuyên biệt và nguyên liệu an toàn cho Halal.

Thứ tư, Việt Nam chưa có được hệ sinh thái Halal đầy đủ, trong đó bao gồm hệ sinh thái về sản xuất, dịch vụ, hạ tầng cơ sở. Quan trọng hơn, không có nguồn nhân lực Halal thì cũng không thể có ngành công nghiệp Halal, vì vậy, đây cũng là yếu tố cốt lõi không thể xem nhẹ.

Cuối cùng, trong cuộc đua về Halal hiện nay có nhiều “người chơi” giàu kinh nghiệm với lộ trình phát triển hàng thập kỷ, nhiều quốc gia đã đạt được những thành tựu nhất định, do đó, Việt Nam sẽ không dễ dàng có thể cạnh tranh với các nước này trong giai đoạn sắp tới.

Các diễn giả tham gia chương trình talkshow về ngành công nghiệp Halal do Báo Thế giới và Việt Nam thực hiện. (Ảnh chụp màn hình)

Phải “xắn tay” vào làm

Từ góc độ của Cơ quan đại diện, ông Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh thách thức lớn nhất để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal ở sở tại chính là nguồn lực hạn chế, trong bối cảnh phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ đối ngoại khác. Việc phải đặt lên bàn cân để lựa chọn ưu tiên là tất yếu.

Tuy nhiên, theo ông Kiên, ở mỗi địa bàn khác nhau đều có thể “góp một tay” vào chiến dịch Halal. Ví dụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia có thể làm cầu nối giữa trung tâm chứng chỉ Halal, cơ quan phát triển thị trường Halal Việt Nam với các cơ quan tương ứng của Malaysia.

Hay Đại sứ quán Viêt Nam tại Áo có thể giúp doanh nghiệp và các trung tâm chuyên môn về Halal của Việt Nam tiếp cận với thị trường châu Âu, các cơ quan quản lý chất lượng, hệ sinh thái của châu Âu hoặc một số cơ quan Liên hợp quốc đặt trụ sở tại Vienna như Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), qua đó tạo điều kiện để Việt Nam hài hòa hóa các hệ thống quy chuẩn, các trung tâm chứng chỉ Halal của Việt Nam nâng cao năng lực điều phối.

“Đối với Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, lúc này, nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là kể câu chuyện về mong muốn phát triển Halal mà cần đi vào hành động cụ thể, phải ‘xắn tay vào làm’, kéo các tổ chức tham gia, đàm phán với họ để hai bên cùng có lợi. Nhiệm vụ ngoại giao kinh tế của chúng ta hiện nay rất đa dạng, rất cấp bách. Do đó cần chọn việc, chọn thời điểm và đối tác để đạt hiệu quả cao nhất”, ông Kiên cho hay.

Mạnh dạn đổi mới

Từ “thực địa” Malaysia, quốc gia được coi là có tiêu chuẩn Halal cao hàng đầu thế giới, Đại sứ Đinh Ngọc Linh “thấm thía” hơn cả những khó khăn mà ngành công nghiệp Halal Việt Nam đang phải đối mặt.

Đại sứ Đinh Ngọc Linh cho rằng, mặc dù Việt Nam đã đẩy rất nhanh quá trình thành lập khung pháp lý Halal nhưng vẫn đi sau nhiều nước trên thế giới, đồng thời chưa có hệ sinh thái Halal để doanh nghiệp tìm hiểu và tiếp cận thị trường. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, theo Đại sứ Đinh Ngọc Linh, cùng với sự đồng hành của nhiều bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương, cần nỗ lực đảm bảo tính thống nhất trong việc tiếp cận, thúc đẩy ngành công nghiệp Halal của Việt Nam.

“Từ địa bàn, để tháo gỡ thế khó, tôi mạnh dạn nêu một đề xuất để chúng ta cùng thảo luận - đó là xây dựng hệ sinh thái Halal. Hệ sinh thái này cần lấy số hóa là trọng tâm, áp dụng công nghệ cao trong các quy trình Halal như kiểm tra chất lượng sản phẩm (có thể sử dụng AI) để xây dựng hệ sinh thái hiện đại, thay thế một số khâu tiêu chuẩn truyền thống, phù hợp với hướng tiếp cận của Việt Nam là kinh tế số, kinh tế xanh”, Đại sứ Đinh Ngọc Linh nhấn mạnh.

Đối với riêng địa bàn Malaysia, Đại sứ Đinh Ngọc Linh nêu bật việc thúc đẩy lợi ích của chính doanh nghiệp Malaysia trong lĩnh vực Halal. Malaysia mong muốn trở thành trung tâm kết nối để chuyển hóa các sản phẩm đầy tiềm năng của Việt Nam thành sản phẩm Halal và tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm này sang các nước khác.

“Doanh nghiệp Malaysia rất hồ hởi khi Việt Nam đề xuất hợp tác, bản thân họ muốn trở thành đầu mối trung chuyển. Do vậy, thúc đẩy lợi ích của chính doanh nghiệp Malaysia khi tham gia vào phát triển công nghiệp Halal Việt Nam cũng là hướng đi khả thi nên được tập trung trong thời gian tới”, Đại sứ Đinh Ngọc Linh chia sẻ.

Malaysia là một trong những quốc gia nổi bật trong lĩnh vực Halal. (Nguồn: Halal Malaysia)

Top 5 quốc gia xuất khẩu

Hiện nay, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có nền ngoại thương lớn nhất thế giới, phấn đấu nằm trong top 30 quốc gia có GDP hàng đầu thế giới vào những năm tới. Tuy nhiên, trong bản đồ Halal thế giới, Việt Nam không nằm trong top 20 hay 30 quốc gia xuất khẩu hàng đầu của thị trường. Mặc dù vậy, PGS. TS Đinh Công Hoàng tin tưởng với quyết tâm và lợi thế lớn, trong khoảng 5-10 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể nằm trong “câu lạc bộ” năm quốc gia xuất khẩu hàng đầu vào thị trường này.

Theo PGS. TS Đinh Công Hoàng, để đạt được điều đó, Bộ Ngoại giao đóng vai trò xung kích trong việc thúc đẩy những “bánh xe thị trường” Halal, trên cơ sở cụ thể hóa đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thúc đẩy một chiến lược quốc gia trong việc phát triển ngành Halal một cách bài bản, chuyên nghiệp, quy tụ các nguồn lực xã hội để phát triển Halal tổng lực; xác định rõ thị trường mục tiêu cũng như mặt hàng mục tiêu, giống như Australia đã tạo ra thương hiệu riêng với mặt hàng thịt cừu và thịt bò, Hàn Quốc lựa chọn sản phẩm thời trang, mỹ phẩm còn Thái Lan ưu tiên sản phẩm du lịch Hồi giáo. Việt Nam cũng cần tìm hướng đi để tối ưu hóa nguồn lực, tiếp cận những thị trường xa xôi bằng công nghệ.

“Với việc xây dựng hệ sinh thái đầy đủ, tôi tin trong vòng năm năm tới Việt Nam hoàn toàn có thể nằm trong top 5 các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực Halal, trở thành ngôi sao mới trên bản đồ Halal thế giới”, PGS Đinh Công Hoàng kỳ vọng.

Ông Nguyễn Trung Kiên cũng có chung sự lạc quan đó. Đồng thời, với ngành Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ông mong sẽ ngày càng có kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa tầm nhìn Halal ở cả cấp độ song phương và đa phương.

Tại Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định Việt Nam coi Halal là “cơ hội vàng”, là định hướng mới trong hoạt động sản xuất, là “nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới”. Như vậy, không phủ nhận những gian nan trên hành trình vươn xa của “con tàu” Halal Việt Nam, nhưng với sự đồng lòng và quyết tâm, quyết liệt, định hướng rõ ràng, bài bản, “con tàu” chắc chắn sẽ cán đích như kỳ vọng.


Mời bạn đọc xem thêm các bài viết về ngành công nghiệp Halal trên Báo Thế giới và Việt Nam tại đây.