📞

Hành trình tìm lại “vali Mexico”

07:00 | 16/04/2017
Sau thời gian dài tìm kiếm trong tuyệt vọng, năm 1995, hàng nghìn bức ảnh âm bản của phóng viên chiến trường lừng lẫy Robert Capa bất ngờ xuất hiện.

Sự tồn tại của những âm bản này gắn liền với hành trình gần 70 năm của “vali Mexico”. Trong các kho báu văn hóa hiện đại bị thất lạc, “vali Mexico” được bao quanh bởi những câu chuyện tưởng tượng, thêu dệt, giống như chuyện về các bản thảo đầu của nhà văn đoạt giải Nobel Ernest Hemingway bị mất ở nhà ga xe lửa năm 1922. Chuyện kể rằng người ta đã đào cả một khu vườn khi có tin đồn những âm bản được cất giấu ở đây.

Bức ảnh The Falling Soldier. (Nguồn: Rarehistoricalphotos)

Chiếc vali - thực ra gồm ba hộp nhỏ bằng bìa các-tông màu nâu có chứa hàng nghìn âm bản ảnh của Robert Capa, một trong những người tiên phong về nhiếp ảnh chiến tranh hiện đại đã tham gia cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha trước khi rời châu Âu đến Mỹ vào năm 1939. Cho tới khi qua đời năm 1954, Capa vẫn nghĩ rằng ảnh của ông bị mất trong các cuộc xâm lược của Đức Quốc xã. Đến năm 1995, bắt đầu lan truyền tin những âm bản vẫn tồn tại, sau khi chúng thực hiện chuyến phiêu lưu lôi cuốn như trong các tiểu thuyết tình báo của nhà văn Anh John le Carré.

Nổi tiếng và gây tranh cãi

“Nước lạnh, rất lạnh, chỉ còn cách mấy trăm mét là cập bờ. Những viên đạn đen ngòm chọc toang làn nước quanh tôi”, Capa mô tả một lần ông tác nghiệp trong cuốn sách Slightly Out of Focus. Gần 20 năm lăn lộn khắp các chiến trường (1936-1954), Capa không thể đếm hết bao nhiêu lần đối diện với cái chết. Nhiếp ảnh gia đã kinh qua 5 cuộc chiến: nội chiến Tây Ban Nha, chiến tranh Trung – Nhật lần thứ hai, chiến tranh Thế giới thứ Hai, chiến tranh Arab-Israel 1948 và chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

Tên tuổi của Capa gắn liền với chùm ảnh sự kiện D-Day (6/6/1944) - ngày quân đội Đồng Minh tiến vào vùng Normandy (Pháp) nhằm giải phóng Tây Âu khỏi sự kiểm soát của Đức Quốc xã. Ông là phóng viên ảnh duy nhất cùng Trung đoàn Bộ binh thứ 16 của Mỹ đổ bộ lên bãi biển Omaha. Dưới làn đạn, Capa chụp tiệm cận những người lính bộ binh anh dũng chiếm lĩnh từng phân vuông bờ biển với bức tường lửa trước mặt.

Bằng sự can đảm khiến ngay cả những người lính cũng phải thán phục, Capa đã chụp được 106 bức ảnh D-Day. Trong đó có hình ảnh người lính Mỹ đang vật lộn bên bờ biển Omaha dậy sóng. Đây là minh chứng hoàn hảo về sự tàn khốc của chiến tranh, cũng như sự chiến đấu anh dũng của quân đồng minh chống lại cuộc xâm lược của Đức quốc xã. Đáng tiếc là gần như tất cả số ảnh này đã bị hủy hoại trong một sự cố. Mười một bức còn sót lại được tập hợp thành bộ sưu tập The Magnificent Eleven và trở thành tài liệu ảnh vô giá về bước ngoặt của Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Những hình ảnh về thời khắc lịch sử này đã minh họa cho lời phát biểu xuyên suốt sự nghiệp của Robert Capa: “Nếu bức ảnh của bạn chưa đạt, đó là do bạn đứng chưa đủ gần chủ thể”.

The Falling Soldier là bức nổi tiếng nhất của Capa và cũng là một trong những bức ảnh chiến tranh gây chú ý nhất. Trong ảnh, người lính Cộng hòa Tây Ban Nha lảo đảo, ngã ngửa ra phía sau giống như do trúng đạn ở ngực hoặc đầu trên một sườn đồi gần Cordoba (Tây Ban Nha) năm 1936. Khi bức ảnh xuất hiện trên tạp chí Vu (Pháp), nó khiến độc giả xúc động mạnh và dấy lên làn sóng ủng hộ nền cộng hòa. Mặc dù Richard Whelan - người viết tiểu sử cho Capa - cố gắng thuyết phục nhưng người ta vẫn nghi ngờ bức ảnh là giả mạo, một phần do chưa tìm thấy âm bản của nó. Người thì cho rằng đây là khoảnh khắc dàn dựng, một số khác kết tội Capa gián tiếp gây ra cái chết của người lính khi mời anh chụp ảnh, trong lúc mất chú ý, người lính bị tay bắn tỉa tấn công. Lại có người kết luận qua phân tích vi tính đây là tác phẩm của Gerda Taro và nhân vật trong ảnh không chết mà chỉ bị mất thăng bằng trong một cuộc tập trận. Lúc này, người ta hy vọng việc tìm lại những âm bản thất lạc của Capa có thể xóa tan hoài nghi.

Phóng viên chiến trường lừng lẫy Robert Capa.
Endre Friedmann vì muốn gây dựng danh tiếng đã đổi tên thành Robert Capa. Trong khi bạn gái Gerda Taro (tên thật là Gerta Pohorylle) quảng bá tên tuổi cho Capa, giới thiệu ông là “nhiếp ảnh gia người Mỹ nổi tiếng”. Sau đó, bằng tài năng, tâm huyết và lòng quả cảm, Capa đã biến điều đó thành sự thật. Năm 1938, khi mới 25 tuổi, tạp chí Picture Post (Anh) vinh danh Capa là “phóng viên ảnh chiến trường vĩ đại nhất thế giới”.

Chiếc vali trở về

Mexico City 1995, tại triển lãm ảnh về nội chiến Tây Ban Nha, một người đàn ông tiếp cận Giáo sư nghệ thuật Jerald R. Green và nói rằng ông có hàng nghìn âm bản của nhiếp ảnh gia Robert Capa - người thiệt mạng vì dẫm phải mìn trong khi tác nghiệp ở Thái Bình (Việt Nam), hơn 40 năm trước.

Trong nhiều thập kỷ, em trai của Robert Capa là Cornell Capa, bằng nhiều cách, đã tìm kiếm  những âm bản bị mất của anh trai, từ đăng tin trên tạp chí Pháp tới theo đuổi các manh mối ở Nam Mỹ, nhưng vô vọng. Bỗng nhiên một ngày xuất hiện Benjamin Tarver bí ẩn ở Mexico City, tuyên bố rằng ông có những âm bản của Capa. Các phần của câu chuyện được sắp xếp lại. Vào năm 1939 hoặc 1940, nhiếp ảnh gia đề nghị người bạn Hungary Imre Weisz cứu những âm bản khi ông ở New York và lo lắng các tác phẩm của mình sẽ bị phá hủy. Weisz đã mang những âm bản đến Marseille, nhưng bị bắt và đưa tới một trại tị nạn ở Algiers (Algeria). Năm 1941 hoặc 1942, âm bản rơi vào tay Đại sứ Mexico tại Pháp - Tướng Francisco Aguilar Gonzalez - người đưa chúng về nhà rồi để mặc trong quên lãng suốt nửa thế kỷ. Sau khi ông Gonzalez và vợ qua đời, con gái của họ là Graciela Aguilar de Ona đã cho Tarver - bạn thân của gia đình - xem chiếc hộp được bọc trong túi nhựa và hỏi cô nên làm gì. Ông Tarver nhận thấy tầm quan trọng của kho ảnh nên nói chuyện với GS. Green.

Đến lúc này, Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế (ICP), do Cornell thành lập năm 1974, đã liên lạc với Tarver và đề nghị được nhận lại các âm bản. Tuy nhiên, những lá thư và các cuộc nói chuyện qua điện thoại kết thúc mà không có bất kỳ cam kết nào. Các chuyên gia của ICP tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của ông Tarver. Cuộc gặp được lên kế hoạch, nhưng ông Tarver không xuất hiện. Những nỗ lực thiết lập lại liên lạc tiếp tục được thực hiện, song bất thành. Đến tháng 9/2007, khi ICP tổ chức chương trình giới thiệu các tác phẩm của Capa và Taro, họ quyết định thử liên hệ với Tarver lần nữa với hy vọng những bức ảnh từ âm bản đầu tay của Capa có thể được ra mắt lần này. "Ông ấy không cần tiền bạc”, Brian Wallis, người quản lý chính của ICP nói về Tarver. “Ông ấy thực sự muốn bảo đảm rằng những âm bản sẽ đến đúng nơi”.

Cuối cùng, ICP nhận được sự giúp đỡ của Trisha Ziff, nhà làm phim tài liệu sống ở Mexico City. Tại quán cà phê, ông Tarver đã cho cô Ziff thấy ba bản in mẫu thu nhỏ những âm bản. Cô sửng sốt. “Không phải là ông ấy không thể từ bỏ những âm bản”, Ziff cho biết. Ông Tarver lo lắng rằng người dân Mexico có thể chỉ trích việc đưa những âm bản này đến Mỹ bởi vì chúng là một phần của lịch sử đất nước họ. Trong suốt cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, Mexico đã hỗ trợ Cộng hòa Tây Ban Nha, gửi đạn dược và các vật dụng khác. “Chúng ta phải đánh giá cao và tôn trọng sự tiến thoái lưỡng nan của ông ấy”, cô Ziff nói.

Cuối cùng, tháng 12/2007, Ziff thuyết phục được Tarver giao những âm bản cho ICP, và bảo đảm lời hứa từ ICP cho phép ông sử dụng chúng trong phim tài liệu về cuộc hành trình đến Mexico và vai trò của gia đình ông trong việc gìn giữ chúng. Thật kỳ diệu, nhờ thời tiết ôn hòa của Mexico, các âm bản vẫn hoàn hảo dù được cất giữ trong những chiếc hộp chẳng khác nào hộp bánh kẹo. Một cách chậm rãi, với đôi găng tay trắng, các chuyên gia của ICP xem xét kỹ lưỡng các âm bản. Chúng chính xác là của Robert Capa. Những người phụ trách của ICP không thể tin vào may mắn của họ. Chỉ vài tháng trước khi qua đời, Cornell có thể chạm vào bộ phim gốc mà anh trai ông đã chụp ở châu Âu và Tây Ban Nha.

Vậy là 4.500 bức ảnh trong “vali Mexico” đã trở về với gia đình Capa, nhưng không có phim của The Falling Soldier. Những hình ảnh bị mất giống như Capa và nhiều nhiếp ảnh gia khác băng qua các đại dương và châu lục, làm chứng cho các sự kiện quan trọng mà thế giới đã trải qua. Jay Allen, nhà báo Mỹ từng viết: qua những bức ảnh của Capa, người ta có thể hình dung về sự tàn khốc của chiến tranh và phấn đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn.

(tổng hợp)