Nhớ lại cảm giác khi được trao HCV IPhO 2008, Nguyễn Tất Nghĩa cười: “Em thấy nhẹ nhõm vì hoàn thành nhiệm vụ. Tham dự kỳ thi này em bị một số áp lực, vì cả hai lần trước đều đã giành HCV, vì mình là nước chủ nhà... Có thời gian dài học ở trường và hướng dẫn của thầy giáo chủ nhiệm và các thầy cô giáo trong trường nên bản thân em rất tự tin. Đặc biệt, các cuộc thi quốc tế là cơ hội để em học hỏi, thử thách sức mình và trau dồi thêm được kinh nghiệm giao tiếp bằng tiếng Anh”.
Sinh ra và lớn lên ở xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, Nghĩa là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em, bố là thương binh về mất sức, từng là bộ đội tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Lào. Với mức lương tháng của thương binh cộng với tiền lương công nhân chưa đến 1 triệu đồng/tháng, nhưng bố mẹ em đã lần lượt cho hai người con đầu vào đại học. Chị cả vừa tốt nghiệp ĐH Vinh, anh thứ 2 đang du học tại LB Nga theo học bổng của trường ĐH Kỹ thuật Quân sự.
Từ năm 12 tuổi, Nghĩa đã phải xa nhà, lên trường huyện học lớp 6. Học lớp 10 ở trường THPT Phan Bội Châu, Nghĩa lại tiếp tục đi ở trọ, tự nấu ăn, đi chợ, giặt quần áo... với tiền học bổng ít ỏi cùng 500.000 đ/tháng. Nhiều hôm, bất kể mưa nắng hay vết thương trên cơ thể hành hạ, bố em vẫn lặn lội từ Đô Lương xuống Vinh thăm và động viên em.
Được tuyển thẳng vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Điện tử - Viễn thông nhưng Nghĩa lại phấn đấu đi du học tại Mỹ chuyên ngành Vật lý ứng dụng. “Đoàn Việt Nam được bạn bè đánh giá cao không phải chỉ riêng phần lý thuyết mà ngay cả phần thực hành vốn xưa nay không được coi là thế mạnh. Điều em muốn nói tới, để thành công, phải có niềm đam mê trước đã” - Nghĩa chia sẻ.
Tuấn Thanh