📞

Hậu bầu cử Mỹ 2020: Với ông Biden, Mỹ sẽ trở lại làm bá chủ 'thân thiện’?

Hoài Sa 19:00 | 24/11/2020
TGVN. Nếu trở thành Tổng thống Mỹ, chính quyền ông Biden có thể sẽ tiếp nối truyền thống bá quyền vì lợi ích chung, nhưng phải đối mặt với sự suy yếu quyền lực chưa từng có.
Nếu trở thành Tổng tống Mỹ, chính quyền ông Joe Biden sẽ cố gắng tiếp nối truyền thống bá quyền? (Nguồn: The Times)

Một thực tế trong chính sách đối ngoại của Mỹ là khi Mỹ chỉ hành động vì bản thân, quyền lực của họ sẽ bị suy giảm. Trong khi đảng Cộng hòa nhìn nhận thực tế này là thách thức thì đảng Dân chủ lại xem đây là cơ hội.

Khái niệm về bá chủ và quyền lực

"Đứng số một trong những người đồng cấp", nước Mỹ đã từng bước trở thành bá chủ trong giai đoạn giữa Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai.

Mốc đầu tiên là việc thành lập Hội Quốc liên (SDN) vào năm 1919 và việc ký kết Hiệp ước Versailles trước sự chứng kiến ​​của Tổng thống Mỹ Wilson. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ tham gia một cuộc chiến trên đất châu Âu và nhắc nhở chúng ta rằng trong quan hệ quốc tế, người thắng sẽ là người viết các quy tắc hòa bình.

Mốc thứ hai là việc các chủ ngân hàng Mỹ đàm phán lại các khoản bồi thường của Đức do Pháp áp đặt. Đây được coi là một trong những tác nhân gây ra khủng hoảng kinh tế ở Đức và sau đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa Quốc xã. Hệ quả là vào 1931, đồng Bảng Anh mất vị thế là đồng tiền dự trữ có thể chuyển đổi thành vàng để nhường chỗ cho đồng Đô la Mỹ.

Mốc thứ ba là Thế chiến thứ hai. Việc Bộ Ngoại giao Mỹ soạn thảo Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) là một biểu tượng chiến thắng của Mỹ. Một lần nữa, bên chiến thắng lại là người viết ra các quy tắc của trật tự quốc tế.

Trong cuốn “Thế giới trong giai đoạn suy thoái 1929-1939”, nhà kinh tế học Charles Kindleberger cho rằng khủng hoảng những năm 1930 đã trở nên trầm trọng hơn do thiếu vắng một cường quốc “bá chủ thân thiện” có khả năng duy trì hệ thống tài chính và thương mại thế giới vì lợi ích của tất cả các nước tham gia. Người bá chủ là người hành động trước khi khủng hoảng diễn ra nhưng làm điều đó vì lợi ích tập thể, và Mỹ dường như đã trực tiếp bị ảnh hưởng khi thoái lui khỏi vai trò bá chủ trong chính hệ thống mình tạo ra.

Mặt khác, lực của một quốc gia được tạo thành từ hai yếu tố. Thứ nhất, sức mạnh cứng bao gồm tất cả mọi thứ có thể tính toán được như GDP, cán cân thương mại, thanh khoản, vốn hóa thị trường, nguồn tiền, mức sống, tiềm lực quân sự, tài nguyên thiên nhiên,... Thứ hai, sức mạnh mềm bao gồm các tài sản phi vật chất như nghệ thuật, văn hóa, giá trị, hệ tư tưởng, biểu tượng, thương hiệu, truyền thông, giáo dục, điện ảnh (đối với Mỹ), ngành công nghiệp xa xỉ và di sản (đối với Pháp),...

Do đó, lực bao gồm sức mạnh có thể đong đếm và sức mạnh mềm. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Đế chế La Mã nhắc nhở chúng ta rằng lực không phải là yếu tố chính của quyền lực.

Trong cuốn sách “Nghệ thuật quyền lực: quản lý nhà nước và ngoại giao”, nhà ngoại giao Mỹ Chas W. Freeman đã định nghĩa quyền lực, bao gồm 3 yếu tố là lực, tiềm năng và ý chí, được thúc đẩy bởi một nhà lãnh đạo.

Về tiềm năng, ông nêu tính bền vững của sức mạnh quốc gia, tính thích ứng của nó, tính quy mô, tác động của một quốc gia khi quốc gia đó hành động trong hệ thống quốc tế, và tính không thể cưỡng lại của hành động đó.

Ý chí có lẽ là yếu tố quan trọng nhất và hay bị lãng quên nhất của sức mạnh quốc gia. Theo ông Freeman, ý chí bao gồm khả năng chấp nhận hy sinh, chấp nhận rủi ro của quốc gia, lòng dũng cảm và quyết tâm của họ khi đối mặt với nghịch cảnh. Đặc biệt, ông Freeman nhấn mạnh, danh tiếng của giới lãnh đạo về khả năng ra quyết định được nhìn nhận đánh giá bởi các cường quốc khác ra sao?

Theo ông Freeman, giới lãnh đạo có vai trò biến ý chí thành hiện thực. Ý chí được ví với một cánh cửa, để vào, bạn phải vặn tay nắm. Người lãnh đạo là người có khả năng đưa quốc gia vận hành thông qua đòn bẩy để thúc đẩy ý chí quốc gia.

"Đứng số một trong những người đồng cấp", nước Mỹ đã từng bước trở thành bá chủ trong giai đoạn giữa Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai. (Nguồn: Vox)

Sự suy thoái quyền lực của Mỹ

Kể từ 2001, sự thoái lui của Mỹ được thể hiện dưới hai hình thức.

Thứ nhất, cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 không những không phục vụ lợi ích toàn cầu mà còn không phục vụ lợi ích riêng của nước Mỹ. Để phục vụ cho chiến tranh, nợ của Mỹ ngày càng tăng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính 2007-2008 bắt đầu manh nha.

Thứ hai, tuyên bố tranh cử của ông Donald Trump với khẩu hiệu "Nước Mỹ là trên hết" dường như đã đi ngược lại một cách trực diện với sứ mệnh bá chủ của Mỹ là "hành động vì bản thân trong khi hành động vì mọi người".

Sự suy giảm sức mạnh quốc tế của Mỹ thể hiện trước hết ở việc rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, tiếp theo là tình trạng nguội lạnh trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), việc đình chỉ Thỏa thuận hạt nhân Iran và cuối cùng là xung đột thương mại với Trung Quốc.

Ngay cả khi khoảng cách về GDP giữa Mỹ và Trung Quốc dần thu hẹp, không thể phủ nhận rằng cho đến nay Mỹ vẫn giữ được ưu thế về sức mạnh. Tuy nhiên, sức mạnh mềm của Mỹ dựa trên các giá trị tự do đã liên tiếp bị tấn công kể từ 2001.

Ở trong nước, tình trạng sử dụng vũ khí cá nhân gia tăng tại Mỹ, bạo lực vì phân biệt sắc tộc, sự chia rẽ đảng phái, đại dịch bùng phát,... những tia sáng của "ngọn hải đăng" Mỹ giờ đang biến thành các khoảng tối.

Với bên ngoài, tiềm lực sức mạnh của Mỹ cũng bị phân tán. Tuy xét về quy mô Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong nhiều lĩnh vực, nhưng sự tác động và tính không thể cưỡng lại của quyền lực Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã bị thu hẹp nhiều. Mặt khác, xung đột thương mại với Trung Quốc đã không cản trở được sự trỗi dậy của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, ý chí người Mỹ dường như bị gục ngã và ngày càng bị phân cực, chia rẽ. Trong bối cảnh Tổng thống Trump phản đối kết quả bầu cử, sự chia rẽ này có nguy cơ gây ra tình trạng hỗn loạn trên quy mô lớn.

Cơ hội từ thách thức

Hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama từng đem lại hy vọng và hiện thực sau nhiều giai đoạn khủng hoảng. Giống như ông Obama, nếu đắc cử, ông Joe Biden sẽ bước vào Nhà Trắng trong bối cảnh khủng hoảng quốc gia và toàn cầu, đặc biệt về y tế và khí hậu.

Sự kết hợp cả hai cuộc khủng hoảng này có thể chính là cơ hội đưa Mỹ trở lại vị trí trung tâm trong các hoạt động đa phương. Hiện ông Biden đã thành lập một ê-kíp cố vấn để giải quyết đại dịch Covid-19 và cho biết ông sẽ nêu ý tưởng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ các nước để tái khởi động các chương trình vì khí hậu toàn cầu. Riêng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vấn đề không chỉ nằm ở việc Mỹ sẽ quay lại mà cần phải làm tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn.

Khủng hoảng kép cũng sẽ cho phép nối lại đối thoại với Trung Quốc với điều kiện ông Biden được công nhận chiến thắng. Thay vì bắt đầu nhiệm kỳ với những hồ sơ gây chia rẽ, ông Biden có thể sẽ đi theo hướng ngược lại. Bằng cách đặt Trung Quốc trước trách nhiệm hành động chung trong các vấn đề liên quan đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Biden sẽ buộc Trung Quốc phải hành xử như một cường quốc.

Ông Biden từng nhấn mạnh trong bài diễn văn của mình rằng tập hợp và thống nhất sẽ là mối ưu tiên hàng đầu. Đây cũng chính là định hướng bá quyền truyền thống cho nước Mỹ. Theo đường lối mà ông Barack Obama từng hoạch định, ông Biden sẽ giúp Mỹ lấy lại vị trí trung tâm của thế giới.

Tuy nhiên, Mỹ đang trở lại trên tâm thế đã bị suy yếu bởi nhiều rạn nứt trong lòng nước Mỹ. Trong bối cảnh mới, Mỹ sẽ đối diện với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang trên đà thịnh vượng, có khả năng tự tổ chức và tin tưởng vào tương lai của mình.

(theo Asialyst)