Điểm đến hấp dẫn
Hậu Giang là tỉnh nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - nơi sở hữu vùng nguyên liệu nông, thủy sản lớn nhất của cả nước. Bên cạnh đó, Hậu Giang là trung tâm kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại, dịch vụ, logistics của vùng Nam Sông Hậu thông qua các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 61, Quốc lộ 61B, Quốc lộ 61C, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn, hệ thống đường tỉnh lộ kết nối vào hệ thống đường quốc lộ, cùng với hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện (qua địa bàn tỉnh có tuyến Sông Hậu.
Đây là tuyến vận tải thủy quốc tế và quốc gia, là nhánh chính của sông Mekong; tuyến Kênh Xà No, Kênh Quản lộ - Phụng Hiệp, Sông Cái Tư... nằm trên tuyến vận tải thủy quốc gia TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau, góp phần kết nối giao thông thông suốt. Những lợi thế đặc trưng nói trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp.
Hậu Giang hiện có hai khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích 1.269 ha, Trong đó, hai Khu công nghiệp đã được lấp đầy khoảng 80%, tám cụm công nghiệp còn lại có tỷ lệ lấp đầy trên 60%.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã đến đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh tại Hậu Giang, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội cũng như khởi sắc miền Tây. Một số doanh nghiệp có thể kể đến như Tập đoàn chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Phú, Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát, Masan Group, Vingroup, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu...
Không để dịch bệnh “đóng băng” hoạt động
Năm 2021 là năm hết sức khó khăn của cả nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng, chúng ta vừa phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống đại dịch, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhưng tình hình phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư đạt được kết quá rất đáng trân trọng, cụ thể là: số thành lập mới tăng 9% so với cùng kỳ, thu hút đầu tư tăng 35% so cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 tại Hậu Giang. |
Để đạt được kết quả này, bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, là sự nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo địa phương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Hậu Giang. Mặc dù là địa phương mới chia tách, xuất phát điểm thấp, song Hậu Giang lại nằm ở vị trí trung tâm vùng, có thế mạnh về nguồn nguyên liệu nông thuỷ sản, cùng với đó là điều kiện thuận lợi về giao thông, sân bay, cảng biển và lực lượng lao động dồi dào.
Hậu Giang có mức ưu đãi đầu tư có thể nói là cao nhất trong vùng, do Hậu Giang có 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, 1 đơn vị có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ngoài ra, để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, như miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế suất, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật… Đồng thời, thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp để huy động, thu hút nguồn lực đầu tư.
Quan trọng hơn, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng như các cấp, các ngành đã thay đổi kiểu tư duy “quản lý” sang tư duy “hỗ trợ”, thay đổi phương thức làm việc và tiếp cận doanh nghiệp, nhà đầu tư để có giải pháp hiệu quả nhất. Theo đó, bốn nỗ lực chính Hậu Giang đã thực hiện gồm:
Thứ nhất là, tập trung tổ chức rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thành lập trung tâm phục vụ hành chính công, áp dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; công khai, minh bạch danh mục các dự án thu hút đầu tư; tiếp cận đất đai rất dễ dàng...
Thứ hai là, Hậu Giang là một trong các tỉnh trong vùng đi đầu trong việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị, thành phố (DDCI); lập các tổ chuyên môn giải quyết và hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa...
Thứ ba là, đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư với đãi ngộ theo hướng: nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.
Thứ tư là, tổ chức các buổi đối thoại doanh nghiệp để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, từ đó có hướng giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.
Hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 tại Hậu Giang. |
Ba nhiệm vụ đột phá
Trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang quyết tâm thực hiện ba nhiệm vụ đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Một là, xây dựng hoàn thành và thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch; phát triển hạ tầng giao thông thủy bộ quan trọng kết nối các địa phương với tỉnh Hậu Giang.
Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án đã có chủ trương đầu tư như: Đường tỉnh 931 đoạn từ thị trấn Vĩnh Viễn đến cầu Xẻo Vẹt, Đường tỉnh 926B tỉnh Hậu Giang kết nối tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp với tỉnh Sóc Trăng, Đường nối thị trấn Ngã Sáu đến Nam Sông Hậu 3B, Đường tỉnh 927 đoạn từ xã Phương Bình đến thị trấn Cây Dương...
Đồng thời, Hậu Giang có kế hoạch đầu tư 10 công trình trọng điểm về đường bộ, với tổng kinh phí hơn 10.700 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, kêu gọi đầu tư PPP các dự án giao thông đi qua đô thị, có khả năng khai thác quỹ đất, với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Hai là, tập trung công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của địa phương, đặc biệt là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh, dễ tiếp cận, chi phí thấp.
Ba là, thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội; cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
| Đối ngoại địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại cả nước Nhân dip Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng trả lời phỏng vấn về những kết ... |
| Press Corner Đại sứ với Doanh nghiệp: Xây dựng một nền ngoại giao kinh tế lấy địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ Triển khai chủ đề "Hoạt động Ngoại giao phục vụ phát triển, lấy doanh nghiệp là trung tâm trong phục hồi và tăng trưởng kinh ... |