TIN LIÊN QUAN | |
Nhật Bản rối trí khi Mỹ rút khỏi TPP | |
TPP không thành, có gì đáng tiếc? |
"Chúng ta vừa làm được một việc lớn cho người lao động Mỹ", Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố như vậy sau khi ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 23/1.
Quyết định trên là biện pháp thực hiện lời hứa đầu tiên mà ông Donald Trump áp dụng tại Nhà Trắng và đặt dấu chấm hết cho sự tham gia của Mỹ vào một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng, một phần thiết yếu của "chuyển hướng chiến lược sang châu Á", được tạo ra và vun đắp qua 7 năm liên tiếp bởi chính phủ của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Trước ngày Mỹ ra đi, TPP có 12 quốc gia tham dự, gồm Mỹ, Canada và 3 nước Mỹ Latin là Mexico, Peru và Chile; cùng 7 quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương là Australia, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Brunei, Singapore và New Zealand.
TPP là một thị trường rộng lớn gồm 800 triệu dân và chiếm khoảng 40% GDP của thế giới. Việc Mỹ rút khỏi TPP tác động như thế nào đến các nước thành viên khác và triển vọng của thỏa thuận này sẽ ra sao?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP. (Nguồn: Getty Images) |
Một tương lai không chắc chắn
Việc Mỹ rút khỏi TPP đã tạo ra một tương lai không chắc chắn cho số phận của thỏa thuận này.
"Hiện vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra trên thế giới. Một vài trong số 11 thành viên còn lại như Nhật Bản và New Zealand, những nước đã phê chuẩn TPP, có ý định tiếp tục hiệp định với việc lập ra những thỏa thuận giữa họ với nhau", ông Peter A. Petri, Giáo sư Khoa Tài chính của Trường Đại học Kinh doanh Quốc tế Brandeis cho biết.
Nhưng để thay đổi thỏa thuận cũ sẽ rất khó vì tối thiểu phải được phê chuẩn bởi 6 quốc gia, đại diện cho 85% GDP của tất cả các nước thành viên, mà chỉ riêng một mình Mỹ đã chiếm 57% GDP của các quốc gia thuộc TPP.
Hiệp định TPP gồm 12 quốc gia tham dự, được sáng lập bởi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: Getty Images) |
Người thua thiệt và kẻ mừng vui
Các chuyên gia cho rằng không có nước thành viên nào được hưởng lợi khi Mỹ từ bỏ TPP. Sự hấp dẫn chính của TPP đối với hầu hết 11 thành viên còn lại là cơ hội kinh doanh mở đối với thị trường Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giờ đây, rất khó để xác định nước nào có thể hưởng lợi lớn nhất nếu thỏa thuận TPP được tiếp tục với 11 thành viên. "Nhưng sẽ có một vài chủ thể, đơn cử như các công ty ô tô của Nhật sẽ hưởng lợi nếu vào được thị trường Malaysia hoặc hàng may mặc của Việt Nam có thể xuất khẩu sang Nhật Bản," ông Petri cho biết.
Bàn về những nước bị thua thiệt, ông Petri cho rằng Nhật Bản và Việt Nam "có lẽ là hai quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất vì họ có quan hệ thương mại rất mạnh với Mỹ qua thỏa thuận TPP".
Hiệp định TPP đứng trước một tương lai không chắc chắn. (Nguồn: AFP) |
Thiệt hại là điều có thể nhìn thấy rõ ràng khi TPP không được thông qua. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về TPP, được công bố vào tháng 1/2016 cho biết Việt Nam và Malaysia là những nước được hưởng lợi từ thỏa thuận TPP, với GDP tăng trưởng tương ứng hàng năm 10% và 8% cho tới năm 2030.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng lợi ích của thỏa thuận TPP đối với các nước như Canada và Mexico, những nước trước đây đã có trao đổi rộng rãi vào thị trường Mỹ, cũng sẽ bị thu hẹp. Đặc biệt trong trường hợp của Mexico thì lợi ích còn bị giảm hơn nữa do việc Mỹ giảm thuế hải quan cho các thành viên TPP khác để tăng cường cạnh tranh.
Tuy nhiên, biên tập viên của BBC Carrie Gracie, chuyên gia theo dõi về Trung Quốc, khẳng định rằng không nghi ngờ gì "việc Trung Quốc biểu lộ vui mừng ra mặt sau khi ông Trump ký quyết định rút khỏi TPP, một thỏa thuận mà Bắc Kinh không tham gia”. Trên thực tế, trong nhiều năm qua, Trung Quốc cho rằng thỏa thuận của chính phủ Barack Obama là một cách chính thức hóa sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á.
Việc TPP lung lay khiến Bắc Kinh có thêm lý do để khuyến khích các chính phủ châu Á so sánh độ tin cậy giữa Trung Quốc và Mỹ. Bà Gracie khẳng định rằng khi đó, Bắc Kinh sẽ nói: “Mỹ là một cường quốc ở châu Á khi họ muốn, nhưng Trung Quốc sẽ là cường quốc vĩnh cửu”.
Theo các nhà phân tích, mặc dù TPP được thiết lập như là một phần thuộc chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama để đối mặt với những thách thức của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng giờ đây nó có thể biến thành một công cụ để củng cố sự hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực.
Trung Quốc biểu lộ vui mừng nhất sau khi Mỹ rút khỏi TPP. (Nguồn: Getty Images) |
TPP dưới các hình thức khác
Những thành viên khác của TPP không cam chịu để mất thành quả sau 7 năm đàm phán. Theo ông Peter A. Petri, ngoài ưu tiên lớn nhất là tiếp cận với thị trường Mỹ, TPP còn vài ý nghĩa khác như tạo ra sự tiếp cận tốt hơn để các nền kinh tế châu Á tăng cường trao đổi với nhau hoặc để Nhật Bản bán sản phẩm cho Mexico và ngược lại. Vì vậy, giờ đây các nước thành viên còn lại của TPP cần thảo luận khả năng tiếp tục thỏa thuận mà không có Mỹ tham gia.
Ông Petri cũng cho thấy khả năng tập hợp các quy chế được thỏa thuận trong TPP để đổi thành những điều khoản thương mại song phương giữa các nước tham gia đàm phán. "Cho tới nay, không có thỏa thuận nào phức tạp, tinh tế như TPP. Tôi tin chắc rằng nội dung và các quy chế đã thống nhất sẽ được các quốc gia sử dụng để thực hiện các thỏa thuận song phương. Nó có ý nghĩa đối với các nước châu Á và một số nước Mỹ Latin nhằm hỗ trợ cho họ hội nhập kinh tế", ông Peter A. Petri bày tỏ.
Hội nhập kinh tế rõ ràng là con đường mà đến nay ba nước Mỹ Latin, thành viên của TPP, đã lựa chọn. Cũng trong ngày 23/1, Tổng thống Enrique Peña Nieto cho biết Mexico sẽ tìm cách ký ngay lập tức thỏa thuận song phương với các thành viên khác của TPP.
Một quyết định tương tự được Chile thực hiện với tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Heraldo Munoz rằng Chile đã lên lịch trình đàm phán với các thành viên khác của TPP, cũng như với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại thương Peru Eduardo Ferreyros đã tiên đoán rằng nước ông sẽ tìm đến công thức đàm phán các hiệp định song phương trong trường hợp TPP không có khả năng tiến triển.
Công thức “TPP 12 trừ 1”
Chính phủ các nước Australia và New Zealand công bố mong muốn thúc đẩy một thỏa thuận với các quốc gia khác. Australia đã đề xuất công thức "TPP 12 trừ 1", tức là TPP không có Mỹ, nhưng để ngỏ cho những nước khác tham gia.
Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo cho biết nước ông không nghĩ đến việc từ bỏ hiệp định vì chỉ cần một chút nỗ lực là có thể duy trì nó tiếp tục tồn tại. "Tôi biết rằng Indonesia bày tỏ sự quan tâm tới thỏa thuận và sẽ có chỗ cho Trung Quốc nếu chúng ta xem xét lập ra một thỏa hiệp TPP 12 trừ 1, cho phép các nước như Indonesia, Trung Quốc hoặc các nước khác tham gia nhằm thu được lợi ích đến từ thỏa thuận đó", ông Ciobo cho biết thêm rằng quy định ban đầu của TPP là cho phép các nước khác có thể gia nhập thêm.
Ông Trump muốn ký các thỏa thuận song phương thay cho TPP Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ý muốn trên ngày 26/1. |
Chile và Peru quan ngại về việc Mỹ rút khỏi TPP Ngày 24/1, Chile và Peru, hai nước Mỹ Latin tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã bày tỏ quan ngại ... |
Mỹ rút khỏi TPP: Việt Nam vẫn rộng cửa hội nhập quốc tế Dù không có TPP thì Việt Nam vẫn rộng cửa hội nhập quốc tế qua các hiệp định khác, trong đó có các đối tác ... |