TIN LIÊN QUAN | |
Ông Trump muốn ký các thỏa thuận song phương thay cho TPP | |
Nhiều khả năng về một "phương án B" cho TPP |
Trật tự thương mại mới “trật bản lề”
Nhiều người cho rằng, Hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất thế giới đã “chết lâm sàng”. Việc Washington rút khỏi TPP không bất ngờ, nhưng vẫn được xem là cú sốc lớn đối với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực, bởi Hiệp định này từng được coi như bản lề cho một trật tự thương mại mới, sau khi các định chế như WTO tỏ rõ sự bế tắc sau nhiều vòng đàm phán.
Ngày 24/1, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi TPP. (Nguồn: Reuters) |
TPP cũng từng ấp ủ tham vọng về một bộ tiêu chuẩn mới cho các hiệp định tự do thương mại, dám đi vào những vấn đề gai góc nhất mà các hiệp định từ trước đến nay chưa từng đề cập. Thay vì tập trung vào cắt giảm thuế quan hiện đang ở mức rất thấp trong nhóm các nước phát triển như các hiệp định truyền thống, TPP đã đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động, các quy định bảo vệ môi trường. Lần đầu tiên trong lịch sử, có một hiệp định thương mại đưa ra các biện pháp hạn chế sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp nhà nước.
12 thành viên TPP đều là các quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương, trong đó có những nền kinh tế lớn, hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Canada. Nếu thành hiện thực, TPP được kỳ vọng bao phủ khoảng 40% GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, TPP là một thỏa thuận tồi tệ, là “thảm họa tiềm tàng đe dọa nước Mỹ". Đó là lý do chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã gửi thư đến các thành viên khác của TPP thông báo chính thức việc rút khỏi Hiệp định.
Động thái này dọn đường cho chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương được cho là có lợi cho người lao động và nền sản xuất Mỹ, phù hợp với tuyên bố "từ ngày hôm nay, sẽ chỉ có ưu tiên cao nhất là nước Mỹ, nước Mỹ là trên hết" mà ông Trump đã đề cập trong diễn văn nhậm chức.
Trong khi đó, những người ủng hộ TPP lại cho rằng, đây là một bước tiến lớn so với các hiệp định đang được thực thi trên thế giới và nó sẽ đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho nước Mỹ. Nhưng TPP có thật sự mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ hay không là điều chưa ai dám khẳng định. Bởi dự đoán ảnh hưởng của một hiệp định thương mại đa phương là vấn đề chưa bao giờ dễ dàng. Đối với TPP – một hiệp định chưa đi vào hoạt động thì càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, hai nhận định khá trái chiều dưới đây của giới nghiên cứu cho thấy rằng, lợi ích của Mỹ trong TPP cũng mới chỉ được dự đoán là 50 - 50.
Thứ nhất, TPP sẽ giúp các nước thành viên tăng trưởng. Nhiều nghiên cứu độc lập cho thấy Mỹ sẽ là một trong những quốc gia thu lợi nhiều nhất nếu tính toán giá trị theo USD. Những thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất nếu đặt lợi ích trong mối tương quan về quy mô nền kinh tế.
Thứ hai, trong khi các hiệp định thương mại tự do thường là công cụ hữu hiệu giúp các nước giàu có hơn, thì một số ngành và khu vực địa lý lại chịu những ảnh hưởng tiêu cực không hề nhỏ. Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, những tác động tiêu cực thường kéo dài lâu hơn so với những nhận định lạc quan. Như vậy, có thể hiểu rằng, kỳ vọng về TPP có thể giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng là có, nhưng những người nghĩ rằng đây là một hiệp định tồi tệ cũng không phải không có lý.
TPP "vô nghĩa” nếu thiếu Mỹ?
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ nhìn vào những tác động của TPP lên GDP là cái nhìn quá hạn hẹp, bởi hiệp định này mang tầm nhìn chiến lược. Mỹ và các nước từ Australia đến Singapore hi vọng rằng, TPP sẽ là một trong những phương tiện để định hình cấu trúc thương mại quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bởi vậy, vấn đề của TPP đang tạo ra một khoảng trống lớn ở châu Á. Mục tiêu của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi thúc đẩy TPP là xoay trục sang châu Á, nâng tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực quan trọng này. Tuy nhiên, ước nguyện ấy đã không thành và nhanh chóng bị gạt bỏ bởi chủ nghĩa bảo hộ mà ông Donald Trump đặt mục tiêu theo đuổi.
11 thành viên còn lại có thể tự mình xây dựng một TPP khác mà không có Mỹ. (Nguồn: The Diplomat) |
Về lý thuyết, 11 thành viên còn lại có thể tự mình xây dựng một TPP khác mà không có Mỹ. Và trên thực tế, họ dường như đều đã thể hiện một quyết tâm theo đuổi hiệp định này đến cùng, nhưng sẽ lại phải tốn không ít thời gian nữa và dẫu sao khoảng trống mà Mỹ để lại không chỉ quá lớn mà còn rất khó để lấp đầy. Như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nói, TPP sẽ vô nghĩa nếu thiếu Mỹ.
Giới quan sát dự đoán, Trung Quốc có thể sẽ chớp lấy cơ hội này để giành lấy vai trò dẫn dắt kinh tế châu Á. Tuy nhiên, quyền lực được cho là không dễ dàng dịch chuyển về phía Trung Quốc. Nhiều nước hiện lo ngại thế mạnh xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trở thành điểm khởi đầu tệ hại khi các nước bước vào bàn đàm phán.
Trung Quốc bị đánh giá là có thái độ bảo thủ hơn hẳn so với Mỹ, đặc biệt là khi chạm đến khía cạnh luật lệ quản lý và các vấn đề nhạy cảm - là những yếu tố quan trọng nhất của TPP.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do mang tên Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Hiệp định này bắt đầu đàm phán từ năm 2013 và đang trong giai đoạn chuẩn bị hoàn tất.
Đa dạng hóa thương mại tự do để tự cải cách TPP thành hiện thực hay không cũng chỉ là một trong nhiều hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết, để thể hiện nỗ lực ... |
Mỹ rút khỏi TPP: Việt Nam vẫn rộng cửa hội nhập quốc tế Dù không có TPP thì Việt Nam vẫn rộng cửa hội nhập quốc tế qua các hiệp định khác, trong đó có các đối tác ... |