TIN LIÊN QUAN | |
Thổ Nhĩ Kỳ chia rẽ sâu sắc sau trưng cầu ý dân | |
Đức muốn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là thành viên NATO |
Mặc dù có được rất nhiều lợi thế, chiến dịch ủng hộ sửa đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã không giành được chiến thắng áp đảo như ông Erdogan từng kỳ vọng. Việc thay đổi chế độ, từ hệ thống Nghị viện sang chế độ Tổng thống, cần sự đồng thuận cao của đất nước. Tỷ lệ 49% người dân không ủng hộ các đề xuất sửa đổi Hiến pháp chính là lời phủ nhận rõ ràng nhất với những tham vọng của ông Erdogan.
Chiến thắng đã không diễn ra thuận lợi như ông Erdogan mong muốn, nhưng nó cũng đủ để ông đạt được mục tiêu của mình. Những sửa đổi Hiến pháp đã được thông qua và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức có một chế độ Tổng thống không có hệ thống kiểm tra và cân bằng (check and balance). Không chỉ vậy, ông Erdogan sẽ có thể tiếp tục nắm quyền đến năm 2029, đồng thời có thẩm quyền để lựa chọn các thẩm phán và Bộ trưởng. Ông cũng sẽ trực tiếp chỉ định người đứng đầu cơ quan quân sự và tình báo, hiệu trưởng các trường đại học cũng như các quan chức cao cấp, ban hành các đạo luật mà ít chịu sự kiểm soát.
Những người ủng hộ Tổng thống Erdogan ăn mừng chiến thắng của phe mình. (Nguồn: AFP) |
Vậy ông Erdogan sẽ làm gì với quyền lực gần như tuyệt đối của mình? Liệu ông sẽ cố gắng hàn gắn những vết nứt trong quan hệ giữa các tầng lớp trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, hay ông sẽ làm nó sâu sắc hơn và tiếp tục quan điểm chống phương Tây mạnh mẽ?
Nối lại đàm phán với người Kurd
Sau khi đảng của ông không còn chiếm đa số trong Quốc hội vào tháng 6/2015, ông Erdogan đã tìm cách bỏ tù những lãnh đạo người Kurd và thực hiện chính sách quân sự nhắm vào phong trào này. Điều này đã giúp ông giành được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ bài người Kurd.
Tuy nhiên, các đồng minh theo chủ nghĩa dân tộc của ông Erdogan dường như đã làm ông thất vọng trong cuộc trưng cầu ý dân, khi hầu hết đã bỏ phiếu chống lại các sửa đổi Hiến pháp. May mắn thay, ông đã nhận được sự ủng hộ nhiều hơn mong đợi của cử tri người Kurd, trong số đó nhiều người bảo thủ tin rằng ông Erdogan là chính trị gia duy nhất có thể đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình. Nếu tình hình khả quan, các cuộc đàm phán với người Kurd có thể được nối lại trước năm 2019.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. (Nguồn: The Guardian) |
Bên cạnh đó, hòa bình với người Kurd cũng đồng nghĩa với việc ổn định nền kinh tế vốn đang chao đảo của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, những rủi ro về chính trị và bất ổn đã kìm hãm sự phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến các nhà đầu tư và khách hàng mất niềm tin. Ngành du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng các cuộc tấn công khủng bố. Việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại mức tăng trưởng như trước cũng là ưu tiên mà ông Erdogan cần thực hiện nếu muốn tiếp tục nắm quyền.
Giành lại sự ủng hộ
Ông Erdogan cần giành lại những sự ủng hộ đã mất trong cuộc bầu cử vừa qua, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn, bao gồm Istanbul, nơi ông chưa bao giờ thua một cuộc tranh cử nào kể từ khi chạy đua vào vị trí thị trưởng năm 1994. Ông Erdogan và đảng Công lý và Phát triển của mình (AKP) cần một chiến lược mới nhằm giành lại sự ủng hộ những người dân thành thị, có học thức từng ủng hộ ông nhưng cho đến khi thực hiện các chính sách mang tính tập trung quyền lực của mình.
Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng khi trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông Erdogan thường chỉ nhận được sự ủng hộ từ một phía. Sau khi đảng của ông bị mất đa số trong nghị viện tháng 6/2015, ông đã cố gắng củng cố quyền lực bằng cách đổ lỗi cho người Kurd và phương Tây.
Do đó, sau cuộc trưng cầu ý dân không thành công như mong muốn này, để có thể vận hành một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc, ông Erdogan cần có một lập trường trung dung hơn, ít phân cực hơn và cố gắng thuyết phục 49% cử tri còn lại của đất nước. Chỉ có vậy mới có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ dần hồi phục sau những khủng hoảng chính trị sâu sắc.
EU hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm sự đồng thuận nội bộ Liên minh châu Âu (EU) đã hối thúc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm một thỏa thuận sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ... |
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố xem xét lại quan hệ với EU Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ cân nhắc họp các quan chức cao cấp của chính phủ để xem xét lại ... |
Thổ Nhĩ Kỳ: Phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp giành chiến thắng Ngày 16/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp đã giành được 51,5% số phiếu ủng ... |