📞

Hãy là một phụ huynh "low-tech”

11:00 | 11/02/2016
Trong kỷ nguyên công nghệ số, không ai có thể phủ nhận rằng mọi công việc đều trở nên nhanh, gọn và tiện lợi hơn, kể cả việc giáo dục con cái. Tuy nhiên, những người làm cha mẹ ở thời đại mới cũng có khó khăn riêng vì tiện ích công nghệ giống như một con dao hai lưỡi.

Nhìn quanh môi trường sống của con trẻ hiện nay, có thể thấy rõ sự "bao vây" của loạt thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, tivi, máy tính, đồ chơi điện tử... Nếu không biết kiểm soát ảnh hưởng của chúng tới con trẻ một cách khéo léo thì vô tình các bậc phụ huynh sẽ đẩy con mình trở thành nạn nhân của máy móc.

 

Sướng quá hóa... khổ

Theo cuộc khảo sát các bậc phụ huynh trên toàn nước Mỹ do trường Đại học Templeton Honors thực hiện gần đây, 67% người tham gia cho rằng công nghệ thông tin là một thách thức lớn trong quá trình nuôi dạy trẻ và nhắc đến nhiều tác hại hơn là thuận lợi.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, công nghệ đang len lỏi một cách không giới hạn vào cuộc sống của gia đình họ. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát, gây ảnh hưởng tới con cái, trong khi lại tăng tác động xấu từ nhiều thứ họ không mong muốn, chẳng hạn như các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng với lối sống không mấy lành mạnh.

"Con bé nhà tôi rất hâm mộ Miley Cyrus. Tôi không biết làm cách nào để bảo cô ca sỹ đó chọn trang phục kín đáo hơn thay cho những bộ cánh thiếu vải khi xuất hiện hàng ngày trên Internet. Điều đó có thể ảnh hưởng tới thói quen ăn mặc của con tôi", chị Christina bày tỏ.

Cũng có "mối hiềm khích" với công nghệ nhưng theo một cách khác, Alison - một người mẹ có con kết hôn khi còn ở tuổi vị thành niên, cho rằng các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter khiến trẻ con tiếp xúc với rất nhiều "thứ tệ hại" như bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy, ngôn ngữ tục tĩu… Và cho đến khi các bậc cha mẹ nhận ra điều đó thì có thể mọi việc đã đi quá xa. Như trường hợp của chính con cô: Phải cưới chồng khi mới ở tuổi vị thành niên vì dính bầu.

Điều đáng lo ngại là những trường hợp như con của Christina hay Alison không phải là số ít. Trong thời đại số hóa hiện nay, các nhà nghiên cứu tâm lý và sức khỏe đã bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực từ các thiết bị công nghệ đối với nhiều trẻ em. Trên trang Magforwomen, các nhà khoa học nêu rõ năm lý do cha mẹ không nên cho trẻ nhỏ dùng thiết bị thông minh là: lười hoạt động thể chất, không còn hứng thú đọc sách in, làm giảm giá trị của những mối quan hệ, "giết chết" năng lực tập trung và làm nghèo nàn trí tưởng tượng cũng như khả năng sáng tạo.

Tuy nhiên, mặc dù luôn than thở về những mặt trái của công nghệ, nhưng nhà của những người được phỏng vấn (như Alison và Christina) vẫn có đủ Iphone, Macbook, Wii, Ipod...

Bài học từ các "đại gia" công nghệ

Có một sự thật khó tin là huyền thoại Steve Jobs (1955-2011) rất hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ ở trong nhà. Điều này khác xa với những gì mọi người vẫn tưởng tượng về căn hộ của Steve Jobs như một thiên đường công nghệ với những bức tường là màn hình cảm ứng khổng lồ và chiếc bàn ăn được làm giống như một chiếc iPad khổ lớn hay bất kỳ những gì đại loại thế.

Trong một cuộc phỏng vấn do New York Times thực hiện, khi được hỏi: "Chắc hẳn con ông rất say mê iPad?", Steve Jobs trả lời: "Bọn trẻ nhà tôi không được sử dụng Ipad. Ở nhà, chúng tôi giới hạn việc cho phép con sử dụng công nghệ".

Không chỉ Steve Jobs, một số nhân vật có “máu mặt” trong làng công nghệ đều có tư tưởng hạn chế con cái cắm mặt vào màn hình. Họ thường chỉ cho trẻ dùng hạn chế thiết bị công nghệ vào cuối tuần. Điều đó hoàn toàn trái ngược với phần lớn phụ huynh ngày nay thường cho trẻ "bơi" trong thế giới của máy tính bảng, smartphone cả ngày lẫn đêm.

Chris Anderson, cựu biên tập viên của Wired, hiện là giám đốc điều hành của 3D Robotics, cũng thường xuyên áp đặt các quy định hạn chế sử dụng các tiện ích công nghệ đối với các thành viên trong gia đình. Ông lý giải: "Tôi làm thế bởi bản thân tôi đã chứng kiến những mối nguy hại của việc quá say mê công nghệ. Tôi không muốn thấy điều đó xảy ra với con tôi".

Steve Jobs hay Chris Anderson đều làm việc trong môi trường công nghệ cao hàng đầu nhưng trong việc giáo dục con họ lại hoàn toàn theo chủ trương "low-tech" bởi vì họ nhận thức được mức độ ảnh hưởng của thiết bị công nghệ này đối với sự phát triển tự nhiên của trẻ.

Đặt máy xuống để thực sự bên con

Nếu không có đồ chơi công nghệ, những đứa trẻ đó sẽ giải trí như thế nào? Walter Isaacson, người viết tiểu sử của Steve Jobs, cho hay: "Mỗi bữa ăn tối, Steve đều thảo luận với các con về những cuốn sách, lịch sử và nhiều thứ khác. Tuyệt nhiên không ai sử dụng đến iPad hay iPhone".

Rõ ràng, với xu hướng "số hóa tuổi thơ" hiện nay, trẻ em đang dần mất đi những trải nghiệm cuộc sống quý giá. Bởi vậy, cha mẹ phải luôn là những người đồng hành, theo sát và định hướng cho quá trình phát triển của trẻ. Để làm được như vậy, trước hết các bậc phụ huynh phải làm gương bằng cách tự hạn chế việc sử dụng máy tính, điện thoại hay tivi để dành thời gian chơi với con, cùng con tham gia các hoạt động thể chất, các hoạt động xã hội, khuyến khích con đọc sách, chơi đàn, vẽ tranh...

Đối với nhu cầu giải trí bằng đồ chơi, đồ dùng công nghệ, cha mẹ cần có sự hạn chế tối đa, kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sử dụng Internet của trẻ. Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến cáo, cha mẹ chỉ nên cho phép trẻ tiếp xúc với màn hình máy tính, tivi, điện thoại không quá hai tiếng mỗi ngày, quản lý nội dung các phương tiện truyền thông mà trẻ tiếp cận, loại bỏ các thiết bị công nghệ giải trí ra khỏi phòng ngủ của trẻ, đồng thời có hành vi gương mẫu như hạn chế sử dụng điện thoại trước mặt con cái.

Trong cuốn Cha mẹ thời đại kỹ thuật số, Tiến sĩ giáo dục Hàn Quốc Shin Yee Jin đưa ra lời khuyên rằng: "Cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm đến con. Hãy trò chuyện tâm sự nhiều với con. Hãy cho con chạy nhảy và vận động thật nhiều. Đừng phó mặc con với điện thoại hay tivi, đừng biến các thiết bị công nghệ kỹ thuật số trở thành bảo mẫu bất đắc dĩ của con".