Tại nhiều nước ở Nam Sahara, công nghệ số hóa, các dòng vốn đầu tư mạnh mẽ và các rạp phim hiện đại đang kéo người xem đến rạp chiếu bóng, chấm dứt nhiều năm liền trong tình trạng ảm đạm.
Trong những năm 1980, tình trạng đóng cửa các rạp chiếu phim bắt đầu xảy ra khắp châu lục. Nhiều rạp chiếu phim đã bị biến thành cửa hàng sửa chữa ô tô, siêu thị, nhà hàng hay thậm chí nhà thờ. Chỉ một số rạp tư nhân và các rạp nằm trong các trung tâm văn hóa quốc tế còn chống chọi được.
Ngày nay, các chủ sở hữu rạp phim cho biết lĩnh vực điện ảnh đang trở lại. Công nghệ số đã cho phép chiếu phim với chi phí thấp hơn và nhanh hơn so với kiểu chiếu phim bằng cuộn nhựa. Nhu cầu của người dân đối với điện ảnh tăng lên cũng góp phần thúc đẩy sự hồi sinh của các rạp chiếu bóng.
Rạp chiếu phim đang hồi sinh ở châu Phi. |
Chuỗi rạp Majestic đã khai trương 3 rạp chiếu phim ở thủ đô thương mại Abidjan của Cote d'Ivoire (Bờ Biển Ngà) trong 2 năm qua. Dự kiến vào năm 2018, Majestic sẽ mở thêm 3 rạp khác ở quận Yopougon của thành phố duyên hải này.
Vốn là một nhà quản lý cấp cao trong ngành công nghiệp dầu lửa, Giám đốc điều hành Majestic, ông Jean-Marc Bejani đã chuyển sang kinh doanh phim ảnh khi phát hiện ra rằng không có rạp chiếu phim nào ở Cote d'Ivoire.
Thành công của Majestic đã đến rất nhanh, với 75.000 vé được bán trong năm 2015 chỉ với một rạp. Con số này đã tăng lên 175.000 vé trong năm 2016 khi toàn bộ 3 rạp được đưa vào sử dụng.
Bejani cho biết tham vọng của ông là cung cấp hình ảnh với độ phân giải cao, phim 3D, chỗ ngồi tiện nghi và các phim được chiếu cùng thời điểm khi chúng được ra mắt các rạp ở châu Âu.
Tại một số nước khác, các rạp chiếu phim cũ đang được nâng cấp và mở cửa trở lại, trong đó có 6 rạp ở thủ đô Luanda của Angola, rạp CineKin ở thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ Congo, rạp Normandie ở thủ đô N'Djamena của Cộng hòa Chad.
Tại Burkina Faso, nước Tây Phi nghèo nhất vừa đăng cai Liên hoan Điện ảnh và truyền hình toàn châu Phi (FESPACO) diễn ra 2 năm/lần, rạp Guimbi cũng sẽ sớm được "tái sinh" thành một trung tâm văn hóa chính thức ở thành phố lớn thứ hai Bobo Dioulasso.
Tại thủ đô Dakar của Senegal, tổ hợp 3 rạp chiếu phim tư nhân đặt theo tên nhà làm phim nổi tiếng của nước này Ousmane Sembene cũng sắp mở cửa. Một quan chức Bộ văn hóa Senegal phụ trách về phim ảnh cho biết chính quyền nước này sẽ tài trợ cho 4 dự án làm mới các rạp chiếu trên cả nước bằng công nghệ kỹ thuật số.
Trong khi đó, ở cực Đông châu Phi, tại Kenya, các rạp phim bắt đầu được tái sinh trong 10 năm trở lại đây. Đến nay, nước này đã có 10 rạp chiếu phim hiện đại, thường nằm trong các khu thương mại đông đúc, thay vì trên những con phố nhỏ như xưa.
Nam Phi và Nigeria - nơi ngành công nghiệp "Nollywood" đã làm ra vở kịch lãng mạn Tiệc cưới năm 2016 - là một ngoại lệ. Sự phát triển nhanh chóng của ngành sản xuất phim trong 15 năm qua ở Nigeria đã dẫn tới sự ra đời của các rạp chiếu phim hiện đại.
Doanh thu phòng vé của 130 rạp ở Nigeria đã đạt 95 triệu USD vào năm 2015, trong khi con số này của các rạp ở Nam Phi là 76 triệu USD.
Tuy nhiên, tin tức tốt lành nêu trên đối với những người yêu thích điện ảnh lại đến cùng với một nỗi lo khác, đó là việc các tổ hợp rạp chiếu phim mới có xu hướng ưu tiên các phim "bom tấn" của Hollywood hơn là các bộ phim do các đạo diễn châu Phi sản xuất.
Tại hầu hết các nước, những phim "bom tấn" của Mỹ vẫn chế ngự các suất chiếu vì đáp ứng nhu cầu người xem và giúp thu về bội tiền dù không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Trong khi đó, hầu hết phim do các đạo diễn châu Phi làm chỉ được chiếu ở các liên hoan hoặc ở nước ngoài.