Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara ngày 26/10/2023, tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ thăm chính thức Thái Lan và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam-Thái Lan từ ngày 10-12/4.
Trước thềm sự kiện quan trọng này, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan Bùi Thị Huệ đã chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam về ý nghĩa chuyến thăm và những nỗ lực của Đại sứ quán nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực.
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan Bùi Thị Huệ. (Nguồn: ĐSQ VN tại Thái Lan) |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan từng chọn Việt Nam là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, điều đó thể hiện sự coi trọng đặc biệt của nước bạn với Việt Nam. Vậy chuyến thăm Thái Lan sắp tới của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Thái Lan?
Chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đến Thái Lan và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 5 của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Thái Lan (JCBC-5) có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy và củng cố quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước nói chung và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao nói riêng, tạo tiền đề vững chắc nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm cao mới vì sự phát triển, thịnh vượng của mỗi nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023) với nhiều hoạt động kỷ niệm thiết thực. Trong đó có chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 12/2023.
Trong những năm vừa qua, quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã được củng cố, phát triển nhanh chóng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Có thể đánh giá mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan hiện đang ở giai đoạn đặc biệt tốt đẹp với niềm tin chính trị sâu sắc, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư và an ninh-quốc phòng là những điểm sáng. Những thành tựu này đã tạo nền tảng vững chắc để lãnh đạo hai nước có thể nhất trí nâng tầm quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Dự kiến những nội dung chính mà hai bên sẽ trao đổi trong kỳ họp lần thứ 5 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam-Thái Lan là gì? Bà kỳ vọng thế nào về kết quả của kỳ họp lần này và những kết quả đó tác động như thế nào đến quan hệ hai nước?
Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 5 của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Thái Lan (JCBC-5), hai bên sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư và an ninh-quốc phòng trên cơ sở Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027.
Đồng thời, hai bên dự kiến sẽ trao đổi việc triển khai cụ thể sáng kiến "Ba kết nối" trên cơ sở bảo đảm lợi ích và cùng có lợi, tập trung vào các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Cuộc họp cũng sẽ bàn về các nội dung để chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin và đồng chủ trì kỳ họp Nội các chung lần thứ 4 Việt Nam-Thái Lan trong thời gian sắp tới.
Những kết quả mà hai bên đạt được trong cuộc họp sẽ góp phần làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực then chốt, chuẩn bị đưa quan hệ Việt Nam-Thái Lan lên tầm cao mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự lễ khai trương Phố Việt Nam (Vietnam Town) tại thành phố Udon Thani, tháng 12/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Việt Nam và Thái Lan vừa kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược và đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với những hoạt động lĩnh vực hợp tác rất phong phú như giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch, dạy tiếng Việt.... Bà có thể cho biết thêm về hoạt động của Đại sứ quán (ĐSQ) để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này?
Cùng với sự phát triển của quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ngày càng trở nên gần gũi, hiện diện nhiều hơn trong đời sống văn hoá - xã hội Thái Lan.
Trong bối cảnh thuận lợi đó, ĐSQ tiếp tục triển khai các nội dung của Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030; tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến công chúng Thái Lan và du khách đến Thái Lan thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các sự kiện văn hoá - nghệ thuật, giao lưu do Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá Thái Lan và Ngoại giao đoàn tổ chức; vận động, khuyến khích cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan duy trì và phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng của cộng đồng Việt Nam tại Thái Lan như Chùa Việt Nam, các lớp/trường dạy tiếng Việt miễn phí cho con em kiều bào.
Đồng thời, ĐSQ cũng thường xuyên hỗ trợ cộng đồng và chính quyền sở tại phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục của các khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan. Đặc biệt, ĐSQ đã có nhiều đổi mới trong triển khai Đề án tôn vinh chủ tịch Hồ Chí Minh như: giúp trí thức Việt kiều kết nối, xin miễn phí bản quyền dịch tác phẩm “Bác Hồ tại Thái Lan”; giới thiệu nghệ nhân tạc tượng Thái Lan làm việc với Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu, tìm hiểu phục vụ sáng tác; hỗ trợ VTV4 làm phim tài liệu về Bác Hồ tại Thái Lan.
Các hoạt động giao lưu nhân dân được triển khai tích cực, hiệu quả, đặc biệt là giao lưu văn hóa, ẩm thực, âm nhạc và các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn trong năm như Quốc khánh 2/9, kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19/5, Tết Nguyên đán. Trong đó, cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan đóng vai trò là cầu nối quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.
Dưới sự quan tâm và hỗ trợ của ĐSQ, “Phố Việt Nam” đã đi vào hoạt động và trở thành điểm sáng du lịch- văn hóa của thành phố Udon Thani, thu hút khách du lịch nội địa Thái Lan đến thăm quan, tìm hiểu về cộng đồng người Thái gốc Việt tại đây.
Giao lưu nhân dân cũng được đẩy mạnh qua các hoạt động hợp tác địa phương, hợp tác giáo dục như trao đổi sinh viên, đưa tiếng Việt và ngành Việt Nam học vào hệ thống giáo dục tại một số trường đại học Thái Lan.
Tháng 11/2023, Đại học Udon Thani đã cho ra mắt Trung tâm Việt Nam học đầu tiên tại Thái Lan và đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm nhân dịp chuyến thăm chính thức Thái Lan tháng 12/2023. Đây là nguồn cổ vũ, động viên cho nhà trường và học sinh, sinh viên Thái Lan yêu tiếng Việt và văn hoá Việt.
Ở chiều ngược lại, ĐSQ cũng đã chủ trì sự kiện giới thiệu về tiềm năng hợp tác giáo dục Việt Nam-Thái Lan vào ngày 21/2 vừa qua và thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với sinh viên các trường đại học trong nước đi thực tế tại Thái Lan đến thăm và làm việc với ĐSQ.
Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sinrindhorn trình diễn tác phẩm 'Việt Nam an lòng' ngày 26/3 tại Bangkok. (Nguồn: ĐSQ VN tại Thái Lan) |
Xin bà chia sẻ những câu chuyện ấn tượng của Đại sứ quán cũng như của riêng mình trong quá trình triển khai nhiệm vụ, thúc đẩy hợp tác hai nước trên các lĩnh vực đề cập ở trên tại Đại sứ quán?
Ngày 26/3 vừa qua, tôi được mời tham dự một chương trình nghệ thuật rất đặc biệt khi “Việt Nam” là chủ đề chính của một tác phẩm âm nhạc do đích thân Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sinrindhorn tham gia sáng tác và trình diễn.
Tác phẩm âm nhạc có tên Việt Nam an lòng được dựa trên bài thơ cùng tên của Công chúa Sirindhorn kể về những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trước phong cảnh, đất nước con người Việt Nam trong những chuyến công du đến nước ta. Tác phẩm mang âm hưởng âm nhạc truyền thống của cả Việt Nam và Thái Lan, kéo dài gần một giờ đồng hồ, kết hợp nhiều hình thức như hợp xướng, hoà tấu, múa...
Trước gần 150 nghệ sĩ Thái Lan trong trong phục áo dài, đích thân công chúa cũng mặc áo dài và trình diễn các giai điệu quen thuộc của Việt Nam bằng nhạc cụ truyền thống Thái Lan, tôi đã rất xúc động và tràn đầy tự hào.
Xúc động bởi tình cảm chân thành, quý báu của một nhân vật quan trọng trong Hoàng gia Thái Lan dành cho đất nước và nhân dân ta. Tình cảm đó được viết thành thơ, hoạ thành nhạc và được trình diễn trong không gian trang trọng của khán phòng trường Đại học Chulalongkorn danh giá, trước sự đón nhận nồng nhiệt của hơn 1.500 khán giả là nhân sĩ, trí thức, quan chức Thái Lan và ngoại giao đoàn tại Bangkok.
Tự hào khi chất liệu văn hoá Việt Nam được tái hiện trên sân khấu bởi các hoạt cảnh được dàn dựng công phu và bởi các hình ảnh minh hoạ cho phần lời bài hát được trình chiếu trên màn hình lớn của sân khấu.
Trước sự kiện, Đại học Chulalongkorn đã liên hệ ĐSQ nhờ tư vấn, giới thiệu các hình ảnh đẹp về đất nước-con người Việt Nam để phục vụ chương trình. Cuối buổi diễn, thay mặt ĐSQ, tôi đã gửi tặng Công chúa Sirindhorn khăn lụa thêu của Việt Nam-một trong những sản phẩm nghề thủ công được nhắc đến trong bài thơ.
Tôi tin rằng tình cảm của nhân dân Thái Lan khắp các giới, các tầng lớp dành cho Việt Nam là điều kiện thuận lợi, là bệ phóng để chúng ta tiếp tục phát huy công tác ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân, lan tỏa giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến công chúng Thái Lan.
Xin cảm ơn bà!