Tuy chỉ gói gọn trong vài chục trang với một số điều khoản nhất định nhưng nội dung của bất cứ bản hiến pháp nào cũng đều phản ánh những đặc điểm cơ bản nhất của mỗi quốc gia như thể chế chính trị, các quyền cơ bản nhất của các chủ thể, định hướng phát triển v.v. Xây dựng hiến pháp là một quy trình vừa đòi hỏi trí tuệ của các chuyên gia (khía cạnh kỹ thuật) vừa cần có đóng góp của các giai tầng trong xã hội (khía cạnh nội dung). Chính vì sự khó khăn này mà đã có không ít các quốc gia (tiêu biểu như ở châu Phi) phải thuê các chuyên gia nước ngoài trong quá trình xây dựng hiến pháp. Việc xây dựng những điều khoản liên quan tới lĩnh vực đối ngoại, lĩnh vực luôn có những thay đổi rất nhanh và phức tạp, lại còn khó khăn hơn gấp bội.
Nhìn lại chặng đường phát triển của Việt Nam từ năm 1945 đến nay, chúng ta đã trải qua 4 lần sửa đổi hiến pháp. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu chung lại chủ yếu do hai yếu tố: Định hướng phát triển chiến lược của đất nước (từ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến xây dựng chủ nghĩa xã hội) và bối cảnh cụ thể trong mỗi giai đoạn (các Cương lĩnh phát triển kinh tế - xã hội). Hiện nay chúng ta đang bước vào thời khắc sửa đổi tiếp theo. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, đối với mỗi quốc gia thì việc sửa đổi hiến pháp là cần thiết nhằm thích ứng với những thay đổi của đời sống. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có những cách làm riêng theo định hướng phát triển của nước đó. Thông thường, bất cứ bản hiến pháp của quốc gia nào cũng đều phải đảm bảo được tính ổn định lâu dài (định hướng chiến lược) tránh tình trạng phải chỉnh sửa liên tục.
Riêng trong lĩnh vực đối ngoại, trong 4 lần sửa đổi hiến pháp từ năm 1945 đến nay, thì có tới 3 lần chúng ta sống trong một bối cảnh quốc tế: Chiến tranh lạnh, và vì thế hầu như không có những thay đổi lớn trong những lần sửa đổi này. Được soạn thảo ngay sau thời điểm Chiến tranh lạnh kết thúc, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, do đó những điều khoản liên quan tới đối ngoại của hiến pháp năm 1992 cũng chưa có sự thay đổi lớn. Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới và cả Việt Nam (kết quả của công cuộc Đổi mới) cũng đã có biết bao thay đổi. Đây cũng là cơ sở chính để chúng ta hướng tới những chỉnh sửa các quy định về hoạt động đối ngoại. Có hai sự thay đổi căn bản tác động tới nội dung về đối ngoại trong hiến pháp 1992, cụ thể là:
Thứ nhất, định hướng chiến lược mới của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2020: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước" (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; Nxb. CTQG, Hà nội 2011, tr. 138 - 139). Sự thay đổi trong Định hướng chiến lược này liên quan tới môi trường quan hệ quốc tế của Việt Nam, tới đối tượng quan hệ và tới hình thức tham gia của Việt Nam.
Thứ hai, quá trình toàn cầu hóa đã khiến cho đời sống quốc tế có những thay đổi to lớn trong 20 năm qua. Đơn cử một vài thay đổi cụ thể như: Tình trạng bạn - thù hiện nay rất phức tạp trong quan hệ quốc tế. Lấy ví dụ như trong quan hệ Trung - Mỹ: Do mức độ tùy thuộc lẫn nhau ngày một cao giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này nên quá trình hợp tác hay xung đột giữa chúng rất phức tạp, đan xen. Khó có thể nói đây là mối quan hệ thuần túy là bạn bè hay đối địch; Các tập hợp lực lượng trong quan hệ quốc tế đan xen, chồng chéo theo nhiều tiêu chí khác nhau chứ không đơn thuần như trước kia. Trong nhiều tình huống, để bảo đảm lợi ích quốc gia, nhiều quốc gia có những mục tiêu khác nhau, có thể chế chính trị khác nhau và có những mối quan hệ ở những mức độ thân thiện hay đối địch khác nhau nhưng vẫn có thể liên kết, hợp tác với nhau trong một hay nhiều lĩnh vực; Vai trò của các cơ chế, thiết chế đa phương ngày càng gia tăng do tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, các chủ thể phi nhà nước v.v. trước hết, là các tổ chức tài chính, thương mại.
Căn cứ vào những phân tích trên, tác giả xin đề xuất một số điểm liên quan tới lĩnh vực đối ngoại của Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam cần xem xét bổ sung (trong so sánh với bản hiến pháp 1992), cụ thể là:
1. Điều 14 là nói về chiến lược đối ngoại nói chung, do đó nên tránh ghi cụ thể từng đối tượng để không phải chỉnh sửa nhiều lần mỗi khi tình hình thế giới thay đổi (bài học từ Hiến pháp 1980); Trong bối cảnh hiện nay, chí ít là cho đến năm 2020, môi trường quốc tế cũng như các đối tác quốc tế đã có những thay đổi căn bản, do đó Điều 14 nên chỉnh lại là: "Nước CHXHCN Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế và các lực lượng tiến bộ khác, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, khu vực; tích cực ủng hộ và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, dân chủ và thịnh vượng".
2. Một điểm mới trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời kỳ Đổi mới là sự tham gia của nhiều thành phần, nhiều lực lượng. Từ Điều 45 đến 48, chưa đề cập tới vai trò của các lực lượng vũ trang, công an trong hoạt động đối ngoại. Sự tham gia của các lực lượng này ngày càng gia tăng ví dụ như những hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ (còn gọi là PKO) hoặc phối hợp với INTERPOL. Nên bổ sung: "Các lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước trong hoạt động đối ngoại…".
3. Điều 112, mục 8 và Điều 116, chỉ đề cập tới vai trò "thống nhất quản lý công tác đối ngoại của nhà nước". Tuy nhiên, hiện nay có nhiều dạng chủ thể mới như các tổ chức xã hội, phi chính phủ, thậm chí là cá nhân (ngoại giao nhân dân) tham gia vào các hoạt động đối ngoại. Do đó, cần có sự bổ sung chức năng quản lý của chính phủ sao cho hợp lý nhất.
Cuối cùng, qua một số đề xuất nêu trên, tác giả ngoài việc mong muốn chia sẻ quan điểm về việc sửa đổi một số điều trong hiến pháp hiện hành còn xin được nhấn mạnh: Xây dựng hiến pháp, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại, cần phải bám sát vào những định hướng chiến lược của đất nước đồng thời phải có tầm nhìn tổng thể và chiến lược đối với tình hình thế giới.
TS. Đỗ Sơn Hải
Trưởng Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao - Học viện Ngoại giao.