📞

Hiệp định Geneva 1954 - kỷ niệm và những điều nhắn gửi

07:36 | 26/07/2014
Đã 60 năm sau Hội nghị Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (20/7/1954 - 20/7/2014), nhưng với những người trong cuộc, mọi cảm xúc vẫn như ngày hôm qua.
Ông Trần Việt Phương trả lời phóng viên tại Lễ kỷ niệm.

Những nhân chứng cuối cùng

Có thể nói như vậy về bốn người trong đoàn đàm phán năm xưa của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) đến dự buổi Lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva 1954 hôm 18/7 tại Hà Nội. Cao tuổi nhất là ông Hà Văn Lâu (96 tuổi) - nguyên Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Cuba và bên cạnh Liên hợp quốc. Ít tuổi hơn, nhưng cũng đã 86, 87 tuổi là các ông: Trần Việt Phương - nguyên thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và thư ký đoàn đàm phán; ông Lê Danh - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, phụ trách lễ tân cho đoàn và ông Nguyễn Lanh - nhân viên văn thư - đánh máy của đoàn.

Buổi lễ là một dịp hiếm có để các ông ngồi với nhau ôn lại kỷ niệm xưa, để thêm một lần nữa cùng vui, cùng buồn. Vui vì nối lại liên lạc sau bao năm xa cách, biết được ai còn, ai mất, ai khỏe, ai ốm. Buồn vì nhiều người thân giờ đã không còn nữa…Nhưng vui nhất có lẽ đối với các ông là được thấy thế hệ cán bộ ngoại giao hiện nay đã kế tục xứng đáng lớp cha anh ngày nào.

Ngay khi vừa từ thành phố Hồ Chí Minh ra tới Hà Nội, ông Hà Văn Lâu không khỏi xúc động khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đến thăm như một lời tri ân đối với lớp "tiền bối" đã cống hiến cả cuộc đời cho dân tộc.

Còn trong câu chuyện với phóng viên, ông Trần Việt Phương đã hơn một lần nghẹn ngào khi nói đến những người đồng đội xưa, cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán. Với ông Lê Danh, niềm vui hẳn rất lớn, khi ông được Bộ Ngoại giao mời dự Lễ và cùng tham gia đón nhận Danh hiệu Anh hùng …

Thay mặt những thành viên trong đoàn đàm phán năm xưa, ông Trần Việt Phương đã xúc động nói rằng, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà các ông vừa được Đảng và Nhà nước trao tặng chính là "phần thưởng xứng đáng" cho cả những anh hùng và liệt sĩ đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, tạo điều kiện thắng lợi cho Hội nghị Geneva năm 1954.

"Những ngày tháng ấy là một cuộc đấu tranh ngoại giao, phấn đấu giành được sự tôn trọng của thế giới về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Đất nước tạm thời chia làm hai miền và chuẩn bị nếu thực hiện đúng Hiệp định thì hai năm sau sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước. Nhưng Hiệp định đã bị phá hoại, nên dân tộc ta phải tiếp tục 21 năm chiến tranh chống xâm lược, giành lại toàn vẹn lãnh thổ, đưa dân tộc Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới, hưng thịnh và chủ động hội nhập quốc tế với thế giới và thời đại", ông Phương nói.

Ngoại giao nhân dân quan trọng lắm!

60 năm trôi qua, giờ đây, ngồi trong Trung tâm Hội nghị sang trọng, ông Nguyễn Khắc Huỳnh - nguyên Đại sứ, thành viên đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam DCCH tại Hội nghị Paris năm 1973, bồi hồi xem lại những thước phim tài liệu về sự kiện Geneva lịch sử. Nhìn lại hình ảnh của đồng đội, đồng chí với gương mặt gầy gò ngồi trên bàn đàm phán xung quanh là những quan chức cao cấp của các cường quốc lớn nhất trên thế giới…, những giọt nước mắt đã rơi từ đôi mắt của vị "chứng nhân lịch sử". Không phải là thành viên của đoàn đàm phán tại Hội nghị Geneva 1954 nhưng được sống cùng đất nước trong những ngày tháng hào hùng ấy, trong ông cũng có vô vàn kỷ niệm...

Khi Hội nghị Geneva diễn ra tại Thụy Sỹ, ông Nguyễn Khắc Huỳnh đang công tác tại Việt Bắc và theo dõi từng diễn biến của Hội nghị. Theo ông, trong mặt trận ngoại giao cần đánh giá ba trụ cột chính bao gồm ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân và ngoại giao quốc tế. Ba mặt trận ngoại giao này luôn gắn bó và liên hệ chặt chẽ với nhau. Ông chia sẻ: "Ngoại giao nhân dân trong thời kỳ Geneva quan trọng lắm. Chính nhân dân Pháp cũng biểu tình chống chính phủ Pháp kéo dài chiến tranh. Hàng trăm đoàn của các nước có điều kiện đến Geneva đều ủng hộ ta".

Ngày ấy, sự nghèo nàn, lạc hậu của các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam không làm nguội đi không khí của hậu phương hướng về đoàn đàm phán ở Thụy Sỹ. Bên đó, các nhà lãnh đạo làm nhiệm vụ ngoại giao chính trị. Còn ở hậu phương, ngoại giao nhân dân làm nhiệm vụ "cổ vũ tinh thần". Thời điểm ấy, cả một Bộ Tư lệnh chỉ có duy nhất một cái đài phát thanh. Nghe tin Hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại, ông như không tin vào tai mình: "Vui lắm! vui lắm! Vì lúc đó cái gọi là hòa bình nó da diết với từng con người!".

Những điều gửi gắm...

Sau Lễ kỷ niệm, ông Trần Việt Phương đã nói về những kinh nghiệm mà ông rất tâm đắc từ Hội nghị Geneva có thể áp dụng vào thực tiễn ngoại giao hiện nay. Thứ nhất, dù ở trong bối cảnh đàm phán nào, dù ở thế mạnh hay thế yếu, có nhiều thứ hoặc không gì cả thì vẫn phải kiên trì bảo vệ mục tiêu đàm phán cao nhất, có tính chất sống còn, đó là độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước và toàn vẹn lãnh thổ. Thứ hai, chú trọng khả năng quốc tế hóa vấn đề, kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ từ nhiều bên. "Để giải quyết những vấn đề tranh chấp, đặc biệt là với các nước lớn, cần phải tranh thủ những hội nghị quốc tế đa phương".

Trong giây phút xúc động tưởng nhớ đến những anh hùng đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ đã qua đời, ông Việt Phương cho rằng, chính họ đã tạo nên cơ sở thuận lợi để tiếp tục công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước cho đến ngày nay. "Từng tấc đất, tấc biển, tấc trời không ai có thể xâm phạm", ông nói.

Kim Hằng