📞

Hiệp định Paris liệu có lâm nguy vì kết quả bầu cử Mỹ?

Xuân Sơn 14:03 | 07/11/2024
Bầu cử Mỹ khép lại với những lo ngại từ giới chuyên gia rằng Washington có thể suy giảm cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chiến thắng bầu cử khẳng định màn "tái xuất" mạnh mẽ của ứng viên Tổng thống Donald Trump trên con đường trở lại Nhà Trắng. (Nguồn: AFP)

Theo bài viết của tờ Climate Home News ngày 6/11, nhiều chuyên gia khí hậu cảnh báo nguy cơ Washington rút khỏi các thỏa thuận và cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu sau khi bầu cử Mỹ hạ màn.

Bà Laurence Tubiana, Giám đốc điều hành Quỹ khí hậu châu Âu nhấn mạnh, kết quả bầu cử Mỹ là một bước lùi đối với nỗ lực chung toàn cầu nhằm giảm biến đổi khí hậu, nhưng Hiệp định Paris đã và đang chứng tỏ sự vững vàng và mạnh mẽ hơn so với chính sách của bất kỳ quốc gia nào.

Bối cảnh hiện nay rất khác so với lúc ông Trump đắc cử lần đầu tiên vào năm 2016. Mỹ từng dẫn dắt một động lực kinh tế mạnh mẽ nhờ quá trình chuyển đổi xanh trên toàn cầu, nhưng Washington có nguy cơ mất đi lợi thế đó.

Đồng quan điểm với bà Laurence Tubiana, ông Bill Hare, Giám đốc điều hành tổ chức Climate Analytics cảnh báo rằng việc một người phủ nhận biến đổi khí hậu được bầu làm Tổng thống Mỹ là cực kỳ nguy hiểm cho thế giới.

Ông nói thêm: "Chúng ta đã chứng kiến những thiệt hại khủng khiếp trên toàn cầu do tình trạng Trái đất nóng lên mà con người gây ra. Nếu ông Trump đe dọa và thực sự rút Washington khỏi Hiệp định Paris, bên chịu thiệt hại lớn nhất sẽ là chính nước Mỹ".

Trong khi đó, bà Yao Zhe, Cố vấn chính sách toàn cầu tổ chức Greenpeace East Asia cho biết, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giữ vị trí lãnh đạo thế giới trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Để làm được điều này, Bắc Kinh cần đệ trình một kế hoạch khí hậu mới lên Liên hợp quốc để nêu rõ các hành động nhằm chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Chuyên gia Trung Quốc nhận định, hợp tác khí hậu từng đóng vai trò quan trọng trong ổn định quan hệ Mỹ-Trung dưới nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden. Dù chính quyền Trump tới đây có thể sẽ hủy bỏ một số thành quả ngoại giao khí hậu đã đạt được, hợp tác Mỹ-Trung về khí hậu vẫn tiếp tục diễn ra giữa các chủ thể phi nhà nước.

(theo Climate Home News)