Nhỏ Bình thường Lớn

Hiệp ước di cư và tị nạn mới của châu Âu

Khi cuộc bầu cử vào tháng 6/2024 đang đến gần thì việc Nghị viện châu Âu thông qua một thỏa thuận của 27 quốc gia thành viên về một vấn đề nhạy cảm là một thành công không nhỏ về chính trị, ngoại giao, kinh tế và nhân đạo.
Những người Libya chen chúc trên những con thuyền để vượt biển đến Italy. (Nguồn: Sputnik)
Những người Libya chen chúc trên những con thuyền để vượt biển đến Italy. (Nguồn: Sputnik)

Nghị viện châu Âu ngày 10/4 đã thông qua với đa số sít sao Hiệp ước về di cư và tị nạn, một dự án được khởi động cách đây chín năm và trải qua rất nhiều thăng trầm.

Sự thỏa hiệp

Năm 2015, sự xuất hiện ồ ạt của hơn 1,5 triệu người tị nạn, hầu hết đến từ Syria tại các quốc gia Bắc Âu và ý định của Đức phân bổ số người tị nạn này theo tỷ lệ nhất định giữa các quốc gia thành viên đã gây chia rẽ sâu sắc trong Liên minh châu Âu (EU).

Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng di cư này, EU đã ban hành được các quy định chung, khi số người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu, nhất là ở Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha vẫn tiếp tục gia tăng. Các quy định mới này nhằm thống nhất việc tiếp nhận người di cư và đẩy nhanh các thủ tục, trên tinh thần “thắt chặt nhưng vẫn thể hiện tình đoàn kết”.

Trong các quy định mới này, sự thắt chặt được thể hiện trong việc EU thiết lập các trung tâm tạm giữ tại biên giới của liên minh. Tại đây, những người không đủ điều kiện được hưởng quy chế tị nạn tự động theo quốc tịch sẽ được giải quyết trong vòng sáu tuần còn các trường hợp bị từ chối cũng sẽ bị trục xuất trong khoảng thời gian từ 6-10 tuần.

Tuy nhiên, việc cho phép trục xuất người xin tị nạn tới một nước thứ ba được cho là “an toàn” đã gây tranh cãi giữa các nước thành viên. Quy định này mở đường cho việc chuyển giao quy trình xử lý vấn đề tị nạn và di cư ra bên ngoài châu lục, được nhiều lãnh đạo EU quan tâm, tiêu biểu là Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, người đã ký một thỏa thuận tương tự với Albania.

Tình đoàn kết đòi hỏi các quốc gia thành viên phải hỗ trợ các quốc gia ở tuyến đầu bằng cách đồng ý tiếp nhận một phần số lượng người nhập cư, nếu không sẽ phải hỗ trợ tài chính khi có áp lực nhập cư cao. Tuy nhiên, những quy định này được cho là thiếu cứng rắn theo quan điểm của cánh hữu cực đoan, nhưng lại là quá khắc nghiệt theo quan điểm của các tổ chức phi chính phủ và bảo vệ nhân quyền vì họ xem đó là sự phủ nhận các giá trị nhân đạo.

Tuy vậy, Hiệp ước đã được thông qua nhờ vào sự ủng hộ của các nhóm chính trị chủ chốt trong Nghị viện châu Âu, bao gồm các nhóm trung hữu, xã hội dân chủ và tự do. Theo những người ủng hộ Hiệp ước, kết quả này dù là một điều “cực chẳng đã” nhưng là cần thiết cho hình ảnh của châu Âu khi cuộc bầu cử Nghị viện đang đến gần.

Với việc được Pháp ủng hộ, Hiệp ước mới về di cư này của EU có thể xung đột hoặc gây tranh cãi đối với thỏa thuận Dublin (được gọi là Dublin III). Được thông qua năm 2013, Dublin III ủy quyền cho các quốc gia EU đầu tiên nơi người di cư thâm nhập (Italy, Hy Lạp, Malta...) trong việc xử lý các yêu cầu xin tị nạn, khiến phần lớn áp lực di cư tập trung vào những nước này.

Nhưng cuộc khủng hoảng năm 2015 đã cho thấy cơ chế này không hiệu quả. Đồng thời cho thấy các điểm yếu hệ thống tị nạn của các quốc gia và sự thiếu đoàn kết trong EU, đặc biệt trong khi các quốc gia tuyến đầu như Hy Lạp, Italy bị quá tải bởi dòng người di cư và không đủ khả năng giải quyết các yêu cầu xin tị nạn một cách hợp lý.

Ngoài ra, việc phân bổ và quy định các chỉ tiêu bắt buộc về người tị nạn mặc dù được triển khai ngay sau cuộc khủng hoảng 2015, nhưng lại không hiệu quả do không được một số quốc gia thành viên áp dụng như Ba Lan và Hungary.

Quá trình đàm phán

Ngày 23/9/2020, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen lần đầu tiên trình bày về Hiệp ước châu Âu về người tị nạn và di cư với mục đích cải cách sâu rộng chính sách nhập cư của liên minh vốn thất bại trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Dòng người di cư ồ ạt (lên đến 1,8 triệu người/năm) đã khiến sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên trở nên khó khăn. Hiện tại, EU đang tiếp tục phải đối mặt với việc gia tăng về số đơn xin tị nạn, lên đến 1,14 triệu trong năm 2023, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

Các cuộc đàm phán Hiệp ước bắt đầu có những tiến triển vào năm 2023. Ngày 20/4/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua quan điểm đàm phán ủng hộ bốn văn bản cơ bản, bao gồm quy định về “sàng lọc” và một văn bản quan trọng khác về “quản lý tình huống khủng hoảng”.

Hai tháng sau, ngày 8/6/2023, các quốc gia thành viên đã đạt được một thỏa thuận về hai dự luật quan trọng, đặc biệt là dự luật thiết lập cơ chế mới về sự đoàn kết bắt buộc. Ngày 13/9/2023, trong bài phát biểu thường niên về tình hình EU, bà Ursula von der Leyen kêu gọi các nghị sĩ và các quốc gia thành viên EU thông qua Hiệp ước.

Tuy nhiên, Ba Lan và Hungary phản đối cả hai văn kiện này còn Bulgaria, Lithuania và Slovakia bỏ phiếu trắng. Trong khi đó, việc quản lý tình huống khủng hoảng cũng là một nội dung được cho là khó được tất cả các nước thành viên thông qua, đặc biệt từ phía Đức.

Nhưng cuối cùng, vào tháng 9/2023, thỏa thuận đã được chấp thuận. Đến tháng 12/2023, một thỏa thuận quan trọng khác giữa các cơ quan của EU cũng đã được ký kết, mở đường cho việc thông qua năm quy định quan trọng nhất của Hiệp ước di cư.

Cuộc bỏ phiếu cuối cùng về “Hiệp ước di cư” diễn ra vào ngày 10/4 vừa qua tại Nghị viện châu Âu ở Brussels, sau hơn ba năm đàm phán. Chủ tịch Ủy ban châu Âu - người vốn coi cải cách này là một thành tựu trong nhiệm kỳ của mình, từng lo ngại sẽ không hoàn thành trước cuộc bầu cử Nghị viện vào tháng tới.

Những nội dung chính

Hiệp ước bao gồm mười văn bản luật (sáu quy định, ba khuyến nghị và một chỉ thị) được thiết kế nhằm đạt được sự cân bằng giữa kiểm soát biên giới và đoàn kết trong tiếp nhận người di cư trên toàn bộ lãnh thổ châu Âu.

Với tinh thần bao trùm là các quốc gia nhập cảnh chịu trách nhiệm phần lớn việc tiếp nhận. Theo đó, các quốc gia thành viên EU sẽ có ba lựa chọn để quản lý các luồng di cư; cần xử lý nhanh hơn các hồ sơ tị nạn ở biên giới EU. Trong vòng tối đa là bảy ngày, người di cư sẽ nhanh chóng biết được họ có thể ở lại châu Âu hay phải rời đi, thông qua thủ tục sàng lọc khi nhập cảnh (xác định danh tính, kiểm tra an ninh và sức khỏe, thực hiện các công đoạn sinh trắc học kỹ thuật số).

Đồng thời, các quốc gia tiếp nhận ban đầu cần tăng cường hợp tác với các quốc gia mà người tị nạn xuất phát và trung chuyển (như các nước Balkan) nhằm hạn chế lượng người nhập cảnh, đấu tranh chống các mạng lưới buôn lậu và đưa người di cư trái phép. EU cũng đặc biệt hướng tới mục tiêu thay đổi cách thức hợp tác với các quốc gia bên ngoài để quản lý di cư và tạo ra cho châu Âu một khung chính sách nhập cư linh hoạt đối với lao động hợp pháp.

Bên cạnh đó, nội dung của Hiệp ước cũng quy định tất cả các quốc gia đều phải đóng góp vào cơ chế đoàn kết, nhưng với hình thức linh hoạt hơn. Trước đây, việc chuyển giao người xin tị nạn giữa các quốc gia thành viên là điều bắt buộc thì hiện nay việc này được thực hiện dựa trên cơ sở tự nguyện.

Các quốc gia từ chối tiếp nhận người di cư sẽ phải nộp tiền hoặc gửi thiết bị và nhân sự đến các quốc gia tiếp nhận đầu tiên. Số tiền 20.000 Euro (khoảng 21.400 USD) cho mỗi người không mang tính ràng buộc và các quốc gia thành viên sẽ đàm phán chi tiết theo từng trường hợp cụ thể.

Nếu một quốc gia cho rằng mình đang phải “gánh” quá nhiều trách nhiệm giải quyết dòng người tị nạn, thì có thể yêu cầu hỗ trợ hơn nữa. EU đặt mục tiêu tái định cư 30.000 người mỗi năm nhưng khẳng định không buộc bất kỳ quốc gia nào chấp nhận người tị nạn miễn là họ đóng góp thông qua những hình thức phù hợp. Hằng năm, để nắm rõ các luồng di cư, Ủy ban châu Âu sẽ có báo cáo và đưa ra các khuyến nghị cho các nước thành viên.

Như vậy, sau nhiều năm bị đình trệ với nhiều tranh cãi, Hiệp ước mới về di cư và tị nạn của châu Âu đã được thông qua. Tuy nhiên, Hiệp ước cũng đặt ra câu hỏi là việc thực thi như thế nào khi đi vào hiệu lực từ năm 2026. Trong bối cảnh đó, tất cả sẽ phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của các quốc gia thành viên trong việc thực thi những trách nhiệm của họ.

Vấn đề người di cư: Đức 'khai tử' tiền mặt trong hỗ trợ người tị nạn, 45 người mất tích do lật thuyền ở Địa Trung Hải

Vấn đề người di cư: Đức 'khai tử' tiền mặt trong hỗ trợ người tị nạn, 45 người mất tích do lật thuyền ở Địa Trung Hải

Báo Thế giới & Việt Nam cập nhật tình hình người di cư và tị nạn ở một số khu vực trên thế giới ngày ...

Châu Âu có biện pháp mới 'tấn công' LNG của Nga, quyết chặn mọi dòng chảy khí đốt

Châu Âu có biện pháp mới 'tấn công' LNG của Nga, quyết chặn mọi dòng chảy khí đốt

Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua các quy định cho phép các chính phủ châu Âu cấm nhập khẩu khí ...

Trung Quốc 'tung' chiến lược mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, 'đập tan' mọi ngờ vực của Mỹ và châu Âu về xe điện

Trung Quốc 'tung' chiến lược mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, 'đập tan' mọi ngờ vực của Mỹ và châu Âu về xe điện

Ngành công nghiệp xe điện đang dẫn đầu thế giới của Trung Quốc sẽ nhận được sự thúc đẩy lớn từ chính phủ.

Còn nhiều nan giải trong đàm phán Hiệp ước toàn cầu mới phòng chống đại dịch tương lai

Còn nhiều nan giải trong đàm phán Hiệp ước toàn cầu mới phòng chống đại dịch tương lai

Ngày 29/4,194 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tập trung tại Geneva để tham gia vào vòng đàm ...

EU điều tra Facebook và Instagram trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu

EU điều tra Facebook và Instagram trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/4 đã mở cuộc điều tra đối với Facebook và Instagram của tập đoàn công nghệ Meta do nghi ...