Mỹ đã tuyên bố rút khỏi INF và sau đó, phía Nga cho biết, nếu Mỹ quyết định như thế thì Nga cũng sẽ ngừng tuân thủ INF. (Minh họa của Sergii fedko - Nga) |
Chấm dứt cuộc chơi cũ
Ngay từ cách đây nửa năm, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi INF và sau đó, phía Nga cho biết, nếu Mỹ quyết định như thế thì Nga cũng sẽ ngừng tuân thủ INF. Mỹ cho rằng, vì Nga vi phạm INF nên Mỹ từ bỏ. Nga lập luận Mỹ đã từ bỏ INF thì Nga không tiếp tục thực thi làm gì nữa. Cả hai phía hiện đều không có ý định gia hạn hiệu lực của INF.
Hai bên cũng đã nhiều lần trao đổi với nhau ở các cấp về vấn đề này, nhưng việc đàm phán lại để có được thoả thuận mới vẫn còn ở nơi rất xa vời bởi, INF là thoả thuận song phương giữa Mỹ và Liên Xô trong khi thoả thuận mới thay thế cho INF sẽ không còn là thoả thuận riêng giữa Mỹ và Nga nữa mà chắc chắn sẽ phải đụng chạm đến kho vũ khí hạt nhân của cả nhiều nước khác như Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan hay Israel, đặc biệt là Trung Quốc.
Trung Quốc đã cho thấy là không sẵn sàng tham gia thoả thuận mới. Mấy nước còn lại không thể hiện phản ứng gì nhưng suy tính lợi ích cũng không khác gì Trung Quốc. Họ đặc biệt hăng hái thôi thúc Mỹ và Nga duy trì INF không phải bởi thoả thuận này là một trong những trụ cột quan trọng nhất của giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới mà trước hết bởi, chừng nào INF còn tồn tại thì chừng đó cấu trúc và mô thức giải trừ quân bị lâu nay trên thế giới vẫn còn được duy trì và kho vũ khí hạt nhân của họ còn không bị để ý đến.
Trong số 3 thoả thuận đã đạt được giữa Mỹ và Liên Xô về giải trừ vũ khí hạt nhân thì phía Mỹ cho đến nay đã đơn phương rút ra khỏi 2. Chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân vì thế sẽ trở thành cuộc chơi mới là sự kết hợp giữa cuộc chơi riêng giữa Mỹ với Nga và cuộc chơi của hai nước này với tất cả những nước khác hiện có vũ khí hạt nhân.
Nhận diện cuộc đua mới
Khi xưa, răn đe hạt nhân là một đặc tính của thời kỳ chiến tranh lạnh. Hiệp ước INF là chiếc cầu bắc từ chiến tranh lạnh với đặc thù là răn đe hạt nhân sang thời kỳ hậu chiến tranh lạnh với bản chất được gọi là "hoà bình hạt nhân", tức là hoà bình và hợp tác trong điều kiện vẫn có vũ khí hạt nhân. Vũ khí hạt nhân và INF chi phối trật tự chính trị an ninh thế giới qua các thời kỳ lịch sử như thế.
Sau khi INF không còn hiệu lực, số phận của thoả thuận cuối cùng còn lại giữa Mỹ và Nga về giải trừ vũ khí hạt nhân START 2 - về cắt giảm và giới hạn vũ khí tấn công chiến lược - xem ra rồi cũng khó có thể có số phận khác hoặc nếu có được Mỹ và Nga tiếp tục duy trì thì vẫn sẽ không ảnh hưởng lớn gì đến cuộc chơi mới nói trên.
Vũ khí hạt nhân trong cuộc chơi mới này tuy vẫn là thứ đồ cũ nhưng tiếp tục chiếm vị thế trung tâm. Một khi mọi rào cản bị dỡ bỏ và mọi hạn chế bị nới lỏng đối với chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân thì chuyện chạy đua hạt nhân sẽ trở nên không thể tránh khỏi mà lại không chỉ có giữa Mỹ và Nga với nhau.
Có thể nhận diện ra được ở đây 3 đặc điểm nổi bật nhất của chuyện chạy đua vũ trang hạt nhân nói trên sau khi INF và START 2 không còn hiệu lực.
Thứ nhất, Mỹ và Nga chạy đua vũ trang hạt nhân với nhau chủ yếu trên phương diện hiện đại hoá tiềm lực vũ khí hạt nhân, phát triển vũ khí hạt nhân thế hệ mới cho dù không nhằm mục đích trước hết để tấn công hay răn đe nhau. Cả hai đều sẽ vẫn dành cho vũ khí hạt nhân sự coi trọng về chiến lược. Vũ khí hạt nhân vẫn chiếm vị trí rất quan trọng trong chiến lược quân sự, quốc phòng, an ninh và chính trị thế giới của họ, nhưng không còn là tác nhân ảnh hưởng như trước trong cặp quan hệ song phương này.
Thứ hai, Mỹ và Nga sẽ có chiến lược và chính sách sử dụng tác dụng của vũ khí hạt nhân của họ riêng cho từng diện đồng minh và đối tác, trước hết và chủ yếu đối với các thành viên NATO ở châu Âu. Mỹ có được phương cách gia tăng áp lực đối với NATO trong khi Nga có thể phân hoá Mỹ với NATO và có thêm con chủ bài đắc dụng mới để đối phó với NATO ở châu Âu.
Thứ ba, các nước khác hiện có vũ khí hạt nhân sẽ tìm cách bảo tồn kho vũ khí hạt nhân của họ bằng mọi giá, tiếp tục phát triển và cũng hiện đại hoá vũ khí hạt nhân chứ không sẵn sàng chủ động tham gia hoặc để bị Mỹ và Nga lôi kéo vào quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân mới.
Từ đó có thể trù liệu thấy triển vọng của việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới trong tương lai đầy bất trắc. Mỹ và Nga không hẳn vô lý khi cho rằng, chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân đã từ lâu rồi không còn là chuyện riêng giữa Mỹ và Nga nữa và không thể được giải quyết ổn thoả và dứt điểm lâu bền chỉ với thoả thuận giữa Mỹ và Nga.
Nhưng việc chấm dứt hiệu lực của những thoả thuận đã đạt được trên lĩnh vực giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn là bước lùi chứ không thể là bước tiến bởi lẽ ra, hai bên phải dựa trên nền tảng ấy để nhằm tới những bước tiến mới và vừa dẫn dắt, vừa thúc ép các nước khác có vũ khí hạt nhân phải tham gia.
Thứ đồ cũ, trong cuộc chơi mới, ở thời mới nên có tác dụng và tác động mới chứ không còn như xưa nữa.
Dịch Dung