PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, sẽ tăng học phí ở mức độ vừa phải để đảm bảo đầu tư cho giáo dục. |
Gặp khó khăn về tự chủ tài chính
Theo GS.TS Chử Đức Trình, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2022 là năm đầu tiên trường ĐH Công nghệ thực hiện tự chủ theo tài chính chi thường xuyên. Khó khăn ban đầu là kinh phí của nhà trường bị sụt giảm. Theo quy định, trường có thể tăng học phí nhưng chỉ tăng ở sinh viên những năm tới. Như vậy, năm nay, tổng kinh phí hoạt động của trường khó khăn hơn năm trước.
"Chắc chắn khó khăn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường, nhưng chúng tôi cố gắng không để chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng sẽ phải "liệu cơm gắp mắm" trong đầu tư", GS Trình nói. Ông cũng cho biết, tới đây, nhà trường sẽ thực hiện một số cải cách trong quản trị đại học, xây dựng quy chế hoạt động, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị.
GS Chử Đức Trình đề xuất Nhà nước trong thời gian tới cần chỉ rõ được vai trò của Hội đồng trường, quan hệ giữa Hội đồng trường, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, cũng như trách nhiệm của từng đơn vị để các trường dễ dàng thực hiện tự chủ.
"Thứ hai, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư cho các trường mới tự chủ, như trường ĐH Công nghệ. Đối với đơn vị mới tự chủ như chúng tôi, vấn đề cơ sở vật chất, đặc biệt là diện tích còn khó khăn", GS Trình chia sẻ.
Cùng chia sẻ về khó khăn trong tự chủ tài chính khi thực hiện tự chủ đại học, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, ĐH Thái Nguyên là một trong ba đại học vùng của đất nước với địa bàn tuyển sinh trên toàn quốc, chủ yếu là vùng núi phía Bắc. Trong đó, gần 60% sinh viên là người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
GS Quang tâm sự, khi thực hiện tự chủ đại học, nhà trường phải hết sức cố gắng, bởi không tăng được học phí do sinh viên đa số từ những vùng khó khăn. Bên cạnh đó, những dịch vụ cho các em cũng được miễn phí rất nhiều, không thu được.
"Trong khó khăn, chúng tôi cũng phải tiết kiệm chi tiêu, đặc biệt là huy động nỗ lực cống hiến của các thầy cô trong trường. Chúng tôi cho rằng, nguồn lực tài chính trong giáo dục đại học cũng là một phần quyết định, tuy nhiên chúng tôi xây dựng một môi trường giáo dục đại học hết sức dân chủ, đẩy mạnh tự do sáng tạo để làm sao các thầy có khát vọng cống hiến, sinh viên chăm chỉ học hành", GS Quang nói.
Bên cạnh đó, theo ông, ĐH Thái Nguyên cũng đẩy mạnh các công bố quốc tế, nghiên cứu cơ bản và chuyển giao những sản phẩm, chương trình, tương tác rất cụ thể đối với các địa phương. Bằng cách đó, các thầy cô cùng sinh viên đạt được 2 mục tiêu: vừa phát triển chuyên môn, vừa tăng nguồn thu.
Nói về vấn đề tự chủ tài chính, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, quan điểm tự chủ đại học gắn liền với tự chủ tài chính không hoàn toàn đúng.
Tự chủ đại học có nghĩa các cơ sở giáo dục căn cứ trên nội lực của mình có thể đảm bảo tự chủ chi thường xuyên, tức chi cho con người (thầy và trò) và một phần liên quan đến đào tạo. Tuy nhiên, một số ngành nghề lớn, có ý nghĩa với sự phát triển của công nghiệp quốc gia vẫn cần sự đầu tư do đã vượt qua khả năng tài chính của các trường.
"Tự chủ đúng về mặt tài chính là phát huy nội lực của các trường và sự đầu tư công bằng, chính xác, có chiều sâu, có lộ trình dài hơi của Nhà nước", PGS Thắng nhấn mạnh.
Theo ông, đối với trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, dựa trên quan điểm phát huy nội lực, nhà trường đã phát triển những chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển của thế giới; nâng cao học phí để có cả trách nhiệm của nhà trường lẫn người học. Bên cạnh đó, tranh thủ tất cả đề án, dự án từ các nguồn lực nước ngoài.
Sẽ tăng học phí ở mức độ vừa phải
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết, tự chủ đại học đặt ra cho lãnh đạo nhà trường bài toán phải có sự cân bằng tài chính trong phát triển. "Trường ĐH Bách khoa Hà Nội luôn có trách nhiệm giải trình và đáp ứng tốt nhất cho xã hội, mà cụ thể ở đây là phụ huynh và các em sinh viên. Vì vậy, câu chuyện tăng học phí một cách rất nhanh chóng không phải là bài toán phát triển của nhà trường", PGS Thắng nói.
Thay vào đó, ông cho biết nhà trường sẽ tăng học phí ở mức độ vừa phải để đảm bảo đầu tư cho giáo dục, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho việc học tập của sinh viên; nâng cao trách nhiệm của người học. Ngoài ra, nguồn kinh phí từ các dự án tài trợ như của Chính phủ, quốc tế, các dự án nghiên cứu… mới làm cho tài chính của nhà trường vững mạnh, không phải chỉ trông chờ vào nguồn lực từ học phí.
"Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có sự cam kết từ nay đến năm 2025, học phí tính chung cho cả trường sẽ không tăng quá 8-10%", PGS Thắng cho hay.
Với một số băn khoăn về vấn đề "tự chủ ĐH sẽ khiến những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khó tiếp cận giáo dục đại học", PS Thắng nhấn mạnh, vấn đề công bằng trong giáo dục rất quan trọng. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đáp ứng vấn đề công bằng này theo chính sách luôn có quỹ học bổng hỗ trợ cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn hoặc có năng lực đặc biệt.
"Ví dụ, năm 2021, nhà trường đã thành lập quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa dành cho các sinh viên nghèo vượt khó, thuộc diện hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, hàng năm, chúng tôi luôn dành khoảng từ 5-8% học phí để làm các quỹ học bổng cho sinh viên. Điều này giúp đảm bảo ở mức độ nào đó sự công bằng trong giáo dục cho sinh viên của nhà trường", PGS Thắng chia sẻ.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, về vấn đề học phí, trước hết cần có sự "tính giá", tức nêu chi phí cụ thể đào tạo ra một cử nhân, một bác sĩ hay một kỹ sư,…
"Nếu đặt những đóng góp học phí bên cạnh với giá phí đào tạo sẽ tạo được sự đồng thuận, thông cảm của xã hội, thậm chí khi doanh nghiệp nhìn vào cũng thấy được niềm tin của nguồn lực. Đặc biệt, phụ huynh và học sinh nhìn vào đó sẽ có sự chia sẻ.
Nghiên cứu của chúng tôi trong tương lai sẽ cố gắng mô tả và công bố được định mức để đào tạo. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể coi học phí chỉ là một nguồn; ngoài ra còn những nguồn khác từ doanh nghiệp, từ gia đình và hỗ trợ của các đơn vị tài trợ…", GS Quang nói.
Giám đốc ĐH Thái Nguyên tâm sự, ông có một trăn trở rất lớn là giáo dục đại học phải dẫn dắt sự phát triển. Đặc biệt, vùng sâu vùng xa càng phải coi trọng giáo dục đại học.
Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học ở vùng sâu vùng xa thuộc các huyện nghèo có nhu cầu tham gia giáo dục đại học rất thấp do các em muốn học nghề để có việc làm và có thu nhập ngay. GS Quang bày tỏ mong mỏi Nhà nước sẽ có đầu tư lớn hơn cho giáo dục miền núi và dân tộc, vùng khó khăn. Đây chính là chiến lược phát triển bền vững cho vùng.
"Ở vùng phát triển, sinh viên đáp ứng được nhu cầu học phí để đào tạo và các em tham gia vào những dịch vụ của nhà trường thì trường sẽ có nguồn thu. Còn ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, phần lớn các em có hoàn cảnh nghèo nên tôi cho rằng, lộ trình tăng học phí sẽ không thể tăng mạnh được, giá những dịch vụ cũng không thể tăng cao. Đây là điểm khó với đại học vùng", GS Quang cho hay.
| Hơn 62% đối tác liên kết với đại học Việt Nam 'không được xếp hạng', vì sao? Theo Bộ GD&ĐT, các trường đại học Việt Nam chủ yếu liên kết đào tạo với các trường ở nước ngoài không được xếp hạng ... |
| Thêm hai trường công an công bố điểm sàn Hai trường công an là Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy và Trường ĐH Kỹ thuật Hậu cần Công an nhân dân vừa công bố ... |