Sự khác biệt của các thuật ngữ dùng trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng dễ dẫn đến việc hiểu sai, lựa chọn khóa học không đúng mục tiêu hoặc thậm chí văn bằng không được công nhận tương đương. (Nguồn: TheUK) |
Thời toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội học tập, làm việc và sinh sống ở nước ngoài, cũng như khả năng quốc tế hóa trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, nên nhu cầu tìm hiểu thông tin về tấm văn bằng mà các du học sinh sẽ nhận được trong tương lai ngày càng thiết yếu.
Hệ thống giáo dục của các quốc gia không hoàn toàn tương đồng, đặc biệt là sự khác biệt của các thuật ngữ dùng trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng dễ dẫn đến việc hiểu sai, lựa chọn khóa học không đúng mục tiêu hoặc thậm chí văn bằng không được công nhận tương đương.
Với tính cấp thiết nói trên, Nhóm nghiên cứu trong khuôn khổ dự án RecoAsia phân tích rõ về các thông tin cơ bản trên văn bằng cùng ý nghĩa của chúng, nhằm giúp người học và các cơ quan hoạt động trong hệ thống giáo dục đại học hiểu được bản chất các khóa học, lựa chọn đúng trường và khoá học có đủ tính pháp lý về đào tạo để cấp bằng và liên kết.
Trên thực tế, nhiều thuật ngữ được sử dụng trong lĩnh vực giáo dục có nguồn gốc khá cổ. Các thuật ngữ này mang những ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh sử dụng và diễn biến lịch sử cụ thể của từng hệ thống giáo dục. Nhiều văn bằng có tên tương tự nhau nhưng lại khác nhau về bản chất.
Trên văn bằng, ngoài thông tin cá nhân của người được cấp bằng như tên, tuổi… còn có các thông tin quan trọng khác bao gồm: Tên chính thức của văn bằng, thời gian đào tạo, hình thức đào tạo, thời lượng, yêu cầu đầu vào, văn bằng được cấp và học vị. Nội dung về thông tin trên văn bằng nhìn có vẻ đơn giản, nhưng lại quyết định rất nhiều đến tương lai của người học. Trong khuôn khổ bài báo này, Nhóm nghiên cứu chỉ tập trung phân tích những thông tin liên quan Tên chính thức của văn bằng, Yêu cầu đầu vào, Bản chất văn bằng được cấp và Học vị. Một số thông tin quan trọng còn lại sẽ được cung cấp đầy đủ trong bài báo kỳ tiếp theo.
Tên chính thức của văn bằng
Đây là thông tin cơ bản và quan trọng nhất trên văn bằng. Mỗi văn bằng trong một hệ thống nhất định có tên riêng để phân biệt ở cấp quốc gia và cho biết thông tin cụ thể về khóa học. Theo nguyên tắc chung, khi văn bằng được sử dụng ở nước ngoài, cần giữ nguyên gốc tên của văn bằng mà không được dịch ra để hiểu đầy đủ bản chất và đặc điểm của nó.
Ví dụ: thuật ngữ "Master" được dịch là Thạc sĩ chỉ đúng với hệ thống giáo dục của Mỹ và Anglo-Saxon nhưng không đúng với hệ thống giáo dục Italy, Tây Ban Nha, Nga.... Với Italy, bằng Thạc sĩ phải là Laurea Magistrale/ Laurea Specialistica/ Laurea a Ciclo Unico còn Master universitario 1 (MU1) và Master universitario 2 (MU2) chỉ là khóa học định hướng nghề và không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đào tạo cấp bằng. Hay với Nga, Диплом магистра mới là bằng Thạc sĩ. Ở Tây Ban Nha, Máster official/ Máster universitario là bằng Thạc sĩ, còn Máster proprio thì tương tự như MU1 của Italy.
Trên bằng Thạc sĩ (Laurea Magistrale) có ghi rõ thời gian đào tạo (durata) là 2 năm và học vị (titolo accademico) người học nhận được là Thạc sĩ (Dottore Magistrale) trong khi ở chứng chỉ MU1 có thời gian đào tạo ít nhất 1 năm và không hề có thông tin về học vị. (nguồn: Trung tâm Công nhận văn bằng CIMEA của Italy) |
Tên chính thức của văn bằng cung cấp những thông tin quan trọng sau: tên đầy đủ của khóa học; thời gian đào tạo; hình thức đào tạo; yêu cầu đầu vào; trình độ; số tín chỉ tích lũy; văn bằng được nhận và học vị tương đương. Từ thông tin về tên chính thức của văn bằng, người học biết rõ đây là khóa học cấp Bằng hay Chứng chỉ.
Các bài báo kỳ trước đã giải thích rõ để được cấp bằng người học phải chọn các khóa học nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, chịu kiểm định quốc gia định kỳ. Lưu ý ở đây là chỉ có các khóa học cấp bằng mới chịu kiểm định quốc gia định kỳ. Các văn bằng gồm bằng đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ cũng như các chứng chỉ của trường đại học dù tự chủ hay không tự chủ đều được công nhận. Việc công nhận ở đây là công nhận rằng, trường X có tổ chức khóa học đó, có cấp bằng hoặc chứng chỉ, còn việc công nhận văn bằng đó có giá trị đến đâu, tương đương với văn bằng nào ở nước sở tại và ở nước ngoài là hai vấn đề hoàn toàn khác.
Yêu cầu đầu vào
Yêu cầu đầu vào của trình độ thạc sĩ là bằng tốt nghiệp đại học và của trình độ tiến sĩ là bằng thạc sĩ hay đại học tùy theo quy định của từng khóa học, từng quốc gia và luôn kèm theo điều kiện chi tiết. Bài báo kỳ trước có đề cập đến hệ lụy của việc không giữ nguyên tên gốc của văn bằng do có sự khác biệt trong hệ thống giáo dục đại học giữa các nước cũng như trong cùng một quốc gia (hệ thống cũ và mới).
Chẳng hạn, Bằng tốt nghiệp đại học của Việt Nam được dịch sang tiếng Italy là Laurea nhưng trên thực tế có một số trường hợp dịch nhầm thành Diploma di laurea - trùng với bằng Diploma di laurea của một số khoá học (học ít nhất 4 năm + 1 năm viết và bảo vệ luận văn) thuộc hệ thống giáo dục cũ của Italy được công nhận tương đương với trình độ Thạc sĩ (Laurea magistrale) trong hệ thống mới và được chấp nhận như điều kiện đầu vào cho khóa đào tạo tiến sĩ. Điều này dẫn đến việc người học được chấp nhận vào khóa học ở trình độ tiến sĩ nhưng bằng không được công nhận vì sai với yêu cầu đầu vào.
Cấp độ và bản chất của văn bằng
Mỗi quốc gia đều có Khung trình độ tham chiếu riêng (ví dụ: khung trình độ 7 bậc của Việt Nam VQF, khung trình độ 8 bậc của Italy QTI, khung trình độ 4 bậc của Tây Ban Nha MECES). Khung trình độ là một yếu tố quan trọng trong quy trình đánh giá, nhưng không phải là yếu tố quyết định vì một số văn bằng ở cùng khung trình độ nhưng khác nhau về bản chất và giá trị nên không thể so sánh.
Chẳng hạn, không thể so sánh bằng Thạc sĩ Báo chí với chứng chỉ Phóng viên hay Nhà báo dù cả hai văn bằng này đều thuộc bậc 6 trong khung trình độ VQF của Việt Nam. Hay với Italy, mặc dù bằng Thạc sĩ (Laurea Magistrale) và chứng chỉ MU1 cùng ở giai đoạn/chu kỳ 2 và bậc 7 trong khung trình độ QTI nhưng không tương đương về bản chất; chứng chỉ MU2 cùng giai đoạn/ chu kỳ 3 và bậc 8 trong khung trình độ QTI với khoá Tiến sĩ nhưng để học lên Tiến sĩ người học dù có MU2 vẫn phải quay trở lại học để lấy bằng Thạc sĩ.
Học vị
Tên khóa học cho biết, người học nhận được văn bằng gì, học thuật hay nghề nghiệp, có học vị hay không cũng như cơ hội tiếp cận các nghiên cứu sâu hơn. Người học có được học vị chỉ từ những khóa học cấp bằng. Ở Italy, hoàn thành chương trình Đại học (3 năm) được cấp Bằng Đại học (Laurea) và được công nhận học vị Cử nhân (Dottore); hoàn thành chương trình Thạc sĩ (2 năm) được cấp Bằng Thạc sĩ (Laurea Magistrale/ Laurea Specialistica/ Laurea a Ciclo Unico) và được công nhận học vị Thạc sĩ (Dottore Magistrale); trong khi với khóa cấp chứng chỉ MU1 và MU2 người học không được công nhận bất kỳ học vị nào.
Bản chất của văn bằng và loại hình đào tạo quyết định việc văn bằng đó có được chấp nhận tiếp tục học ở trình độ cao hơn hay không. Ví dụ, khóa học Tiến sĩ ở Italy không chấp nhận chứng chỉ MU1 và MU2 mà chỉ chấp nhận bằng Thạc sĩ.