Hình ảnh đời thường của chủ nhân các giải Nobel 2022
Kha Ninh
07:10 | 09/10/2022
Chủ nhân của các giải Nobel 2022 có những biểu cảm khác nhau khi họ nhận được thông báo đạt giải thưởng danh giá này, có người còn xem đó là một... trò đùa.
Nhà di truyền học Thụy Điển Svante Paabo, người vừa đoạt giải Nobel Y học 2022, vui vẻ đùa giỡn cùng các đồng nghiệp. Ông là giám đốc sáng lập của Khoa Di truyền tại Viện Max Planck về Nhân chủng học Tiến hóa ở Leipzig, Đức. Nhà khoa học 67 tuổi cho biết, ông nhận được một cuộc gọi từ Thuỵ Điển và nghĩ đó là một trò đùa và có thể ngôi nhà của mình gặp vấn đề gì đó. "Tôi vừa uống cạn tách trà để đi đón con gái...Và sau đó tôi nhận được cuộc gọi từ Thụy Điển. Tất nhiên, tôi nghĩ cuộc gọi có liên quan đến ngôi nhà mùa Hè nhỏ của gia đình, có thể là máy cắt cỏ bị hỏng hoặc có chuyện gì khác”. (Nguồn: Reuters)
Svante Paabo đã chia sẻ về nghiên cứu của mình, tập trung vào phân tích mã gen, từ đó có thể phát triển phương pháp giúp tiết lộ nguồn gốc loài người qua ADN. Công trình của ông đã chứng minh những ý nghĩa thiết thực trong đại dịch Covid-19 khi ông phát hiện rằng, những người bị nhiễm virus mang một biến thể gen di truyền từ người Neanderthal có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng hơn những người không bị nhiễm. (Nguồn: Reuters)
Nhà khoa học Carolyn Bertozzi xúc động khi nhận được cuộc gọi tại nhà riêng ở Palo Alto, California, Mỹ. Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết hai nhà khoa học người Mỹ Carolyn Bertozzi và Barry Sharpless, cùng với nhà khoa học Morten Meldal của Đan Mạch, được vinh danh "vì phát triển nghiên cứu phản ứng hóa học click và phản ứng sinh trực giao". (Nguồn: Reuters)
"Tôi hoàn toàn choáng váng", bà chia sẻ sau khi nhận được cuộc gọi thông báo. Theo Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, việc sử dụng các phản ứng sinh trực giao, các nhà nghiên cứu đã giúp cải tiến các dược phẩm chữa ung thư, hiện đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng. (Nguồn: Reuters)
Trong khi đó, nhà khoa học người Đan Mạch Morten Meldal thì được các đồng nghiệp và học trò ở Đại học Copenhagen tổ chức tiệc ăn mừng. Ông Medal mô tả, hóa học click là một cách để xây dựng các cấu trúc phức tạp và liên kết phân tử như thể ghép hình những mảnh Lego với nhau. (Nguồn: Reuters)
Ông Barry Sharpless và Morten Meldal đặt nền tảng cho hóa học click, trong đó các khối xây dựng phân tử kết hợp với nhau nhanh chóng và hiệu quả. Trong khi đó, bà Carolyn Bertozzi đưa hóa học Click tới một tầm cao mới và bắt đầu sử dụng trong sinh vật sống. Các phản ứng sinh trực giao của bà diễn ra mà không làm gián đoạn quá trình hóa học bình thường của tế bào. (Nguồn: Reuters)
Nhà khoa học John Clauser, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2022, thoải mái trò chuyện với các phóng viên tại nhà riêng ở Walnut Creek, California, Mỹ. Ông Clauser cùng cộng sự người Pháp Alain Aspect và Anton Zeilinger (người Áo) được vinh danh nhờ những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực khoa học lượng tử, đặt nền tảng cho việc phát triển nhanh chóng các ứng dụng mới trong máy tính và mật mã. (Nguồn: Reuters)
"Tôi rất hạnh phúc ... Tôi bắt đầu công việc này lần đầu tiên vào năm 1969 và thật đáng mừng khi vẫn còn sống để có thể nhận được giải thưởng", nhà khoa học 79 tuổi chia sẻ cùng Reuters. Ông John Clauser là nhà vật lý lý thuyết và thực nghiệm người Mỹ, nghiên cứu của ông cùng hai cộng sự mang tính đột phá bằng cách sử dụng các trạng thái liên đới lượng tử, trong đó hai lượng tử hạt hoạt động như một đơn vị duy nhất ngay cả khi chúng tách rời nhau. Các thí nghiệm với những photon vướng mắc đã chứng minh sự vi phạm bất đẳng thức Bell và mở đường cho khoa học thông tin lượng tử. (Nguồn: Reuters)
Nhà vật lý người Pháp Alain Aspect, giáo sư tại Đại học Paris - Saclay và trường Bách khoa Paris (École polytechnique), được biết đến với công trình thí nghiệm về vướng mắc lượng tử (quantum entanglement, là một hiệu ứng trong cơ học lượng tử). Giáo sư Aspect cho biết, ông rất vui vì công trình của mình đã góp phần giải quyết cuộc tranh luận giữa Einstein, người hoài nghi về vật lý lượng tử, và Niels Bohr, một trong những cha đẻ của lĩnh vực này. Cả hai đều đoạt giải Nobel vật lý. Nhà vật lí 75 tuổi chia sẻ: “Vật lý lượng tử, một lĩnh vực tuyệt vời đã nằm trong chương trình nghị sự trong hơn một thế kỷ qua và vẫn còn rất nhiều bí ẩn cần khám phá. (Nguồn: Reuters)
Đồng tác giả nghiên cứu, nhà khoa học người Áo Anton Zeilinger, 77 tuổi, giáo sư danh dự tại Đại học Vienna vui vẻ chia sẻ, ông bị sốc khi nhận được tin. Qua các thí nghiệm của mình, chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2022 đã chứng minh tiềm năng trong việc kiểm soát liên đới lượng tử. Kết quả nghiên cứu chung này đã mở đường cho công nghệ mới dựa trên thông tin lượng tử. Ông nói: “Rõ ràng là trong tương lai gần, chúng ta sẽ có giao tiếp lượng tử trên toàn thế giới. (Nguồn: Reuters)
Tác giả người Pháp Annie Ernaux đã giành giải Nobel Văn học năm 2022 “vì lòng can đảm và sự nhạy bén bên trong mà bà đã khám phá ra cội rễ, sự ghẻ lạnh bên những hạn chế của ký ức cá nhân”. Trong bài viết của mình, nữ văn sĩ Ernaux xem xét nhất quán và từ các góc độ khác nhau một cuộc đời được đánh dấu bởi sự chênh lệch mạnh mẽ về giới tính, ngôn ngữ và giai cấp. "Tác phẩm của bà không khoan nhượng và được viết bằng ngôn ngữ đơn giản, sạch sẽ", Viện Hàn lâm Thụy Điển, cơ quan trao giải Nobel, nhận định. (Nguồn: Reuters)
Bà Ernaux đã viết hơn 20 cuốn sách, nhiều cuốn trong số đó đã được đưa vào dạy trong trường ở Pháp trong các thập kỷ qua. Sách của bà mở ra những cửa sổ tinh tế, sâu sắc nhất nhìn vào vào đời sống xã hội của nước Pháp hiện đại. Trên tất cả, văn chương của Ernaux dựa trên chính cuộc đời bà, từ cô gái thuộc tầng lớp lao động đến tầng lớp văn học thượng lưu, đưa ra góc nhìn phê phán về cấu trúc xã hội và những cảm xúc phức tạp của chính bà. (Nguồn: Reuters)
Nhà hoạt động người Belarus Ales Byalyatski (trong ảnh), tổ chức nhân quyền Memorial của Nga và tổ chức nhân quyền Trung tâm vì Tự do Dân sự của Ukraine đã được trao giải Nobel Hòa bình vì muốn tôn vinh "quyền con người, dân chủ và cùng tồn tại hòa bình" ở ba quốc gia láng giềng Belarus, Nga và Ukraine. (Nguồn: Reuters)
Nhà vận động nhân quyền Ales Bialiatski là một trong những người khởi xướng phong trào dân chủ ở Belarus vào giữa những năm 1980. (Nguồn: Reuters)
Trung tâm vì Tự do Dân sự của Ukraine thành lập tại Kiev vào năm 2007 với mục đích thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Ukraine. (Nguồn: Reuters)
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai bên đã nâng cấp quan hệ Việt Nam-Malaysia lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Chuyên gia Trung Quốc: Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình".