Hà Nội tạo điều kiện tối đa cho các startup phát triển. (Nguồn: Hoạt động Khoa học công nghệ ngành công thương) |
Hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý
Những năm vừa qua, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Vào ngày 11/8, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch 185/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”.
Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình, UBND TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu, đề xuất với Trung ương hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; nhất là cơ chế quản lý, chính sách tài chính; cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, các bộ, ban, ngành có liên quan cũng tích cực lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách của startup.
Tại Hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 16/7, nhiều startup Việt đã có cơ hội nêu lên những đề xuất của mình với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Cụ thể, bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc tài chính tại Arevo, công ty in 3D tự động hóa dùng cấu trúc polymer gia cố bằng sợi carbon (CFRP), chỉ ra rằng chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển tại Việt Nam chưa được đồng bộ ở một số lĩnh vực.
Đặc biệt khi “in 3D từ sợi carbon” là công nghệ cao còn khá mới mẻ tại Việt Nam và chưa được ghi nhận trong chính sách.
Việc hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý phục vụ cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã giúp cộng đồng startup tiếp tục phát triển dù trong đại dịch Covid-19.
Đẩy mạnh đầu tư dự án tiềm năng
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Việt Nam đến nay đã có trên 3000 startup với 2 “kỳ lân” (VNG, VNPay) và 11 startup được định giá trên 100 triệu USD (MoMo, Tii, Topica Edtech...).
Hơn 200 quỹ đầu tư, 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo và 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đầu tư tài chính cho startup, trở thành khách hàng và đối tác của startup cũng như chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn, kết nối mở rộng thị trường, dẫn dắt và tạo động lực cho hoạt động khởi nghiệp.
Đặc biệt, trong năm 2021, con số đầu tư mạo hiểm cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đạt kỷ lục hơn 1 tỷ USD.
Trong đó có nhiều lĩnh vực đang rất nóng, thu hút đầu tư như công nghệ tài chính (Fintech), game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử…
Đầu tư khởi nghiệp có mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021. (Nguồn: Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ) |
Tại Việt Nam, Hà Nội được coi là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với hơn 70% tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, chiếm 82% số phòng thí nghiệm của cả nước.
Một thuận lợi nữa là số nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.
Đặc biệt, đầu năm 2021, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được khởi công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ngoài những lợi thế trên, thời gian qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Nổi bật có thể kể đến Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), thuộc Sở Thông tin và Truyền thông; Vườn ươm doanh nghiệp thực phẩm do Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý, phát triển.
Các tổ chức hội, hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thủ đô cũng đã hình thành các trung tâm, câu lạc bộ startup đã và đang hoạt động hết sức hiệu quả...
Đây là những nền tảng rất tốt tạo điều kiện cho các startup phát triển.
Kết nối nguồn lực trí thức, chuyên gia kiều bào
Nhận thấy mong muốn nâng cao chuyên môn và kỹ năng của startup, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chỉ đạo triển khai Chương trình Cố vấn Khởi nghiệp toàn cầu.
Chương trình được tổ chức dưới dạng hình thức cố vấn 1-1 giữa các chuyên gia người Việt Nam về công nghệ/ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ Hoa Kỳ, Đức, Australia, Anh, Nhật Bản... trên nhiều lĩnh vực (Fintech, Edtech, Agritech...) và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn.
Sau thời gian ngắn, chương trình đã thu hút được hơn 50 chuyên gia kiều bào đăng ký tham gia với tư cách là cố vấn và 62 đơn vị khởi nghiệp tại Việt Nam đăng ký tham gia với tư cách là người tiếp nhận cố vấn.
Đây là tiền đề tiến tới thành lập Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào ở các nước hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ. Mạng lưới này sẽ góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng trí thức kiều bào với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước.
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu cho rằng, thông qua Mạng lưới, các cơ quan quản lý nhà nước có thể phát huy nguồn lực, cũng như lắng nghe phản hồi từ kiều bào về những vướng mắc khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, sự ra đời của Mạng lưới sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước ta, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại dịch Covid-19 đã đặt ra không ít thách thức đối với startup trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, như yêu cầu tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới có thể cung cấp cho người tiêu dùng trong điều kiện hạn chế tiếp xúc, giãn cách.
Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là cơ hội chuyển mình của startup Việt, thúc đẩy chuyển đổi số và tạo nên làn sóng trên thị trường.
Nếu biết kết hợp với sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức có liên quan, chắc chắn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam sẽ không chỉ vượt qua được bối cảnh khó khăn mà còn hoạt động hiệu quả và tăng trưởng mạnh mẽ.
| Phát triển bền vững kinh tế biển đảo trong bối cảnh dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu Đây là chủ đề Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 26/11. |
| Phương thức cầm quyền để ‘không ai bị bỏ lại phía sau’ trong đại dịch Covid-19 Bốn đợt dịch Covid-19 là bốn đợt cuồng phong, đại hồng thủy càn quét thế giới, gây khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng. Trong ... |