📞

Hoàng thành Thăng Long sẽ được xây dựng trở thành Công viên di sản?

Lê An 11:41 | 24/02/2021
TGVN. Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ được thực hiện tầm nhìn để trở thành Công viên di sản.

Chiều 23/2, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội và các sở, ngành liên quan về tiến độ triển khai các dự án do Trung tâm thực hiện.

Buổi làm việc do Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì có sự tham dự của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam Michael Croft.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. (Nguồn: Nhân Dân)

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội hiện quản lý 2 di tích: Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long (gồm khu khảo cổ tại số 18 phố Hoàng Diệu và khu Hoàng thành tại số 9 phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình), di tích quốc gia đặc biệt thành Cổ Loa (huyện Đông Anh).

Trung tâm hiện đã hoàn thành dự án bảo tồn, tôn tạo tường thành cung phía Tây vào năm 2017; đang thực hiện các dự án như: Bảo tồn nhà Cục Tác chiến và từng bước hoàn trả không gian điện Kính Thiên; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (gồm nhiều dự án thành phần); Dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500 Khu di tích thành Cổ Loa...

Trong đó, Hoàng thành Thăng Long là di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô, vừa tiến hành nghiên cứu, làm rõ giá trị, vừa triển khai các biện pháp phát huy, quảng bá di sản.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan để làm rõ và đề xuất những phương án, giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện các dự án bảo tồn 2 di sản quan trọng trên.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng, việc phục dựng điện Kính Thiên là rất quan trọng nhưng thành phố nên chia ra một dự án nghiên cứu trước. Sau khi kết quả nghiên cứu được phê duyệt mới thực hiện dự án phục dựng.

Theo GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đối với Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, trước đây đã có 25 phương án thiết kế, trong đó có 2 phương án được trao giải nhì, Hà Nội nên chọn một phương án và bổ sung thêm một số chi tiết để xây dựng “bảo tàng ngoài trời” tại 18 Hoàng Diệu, xứng tầm với các công trình kiến trúc xung quanh và thu hút khách du lịch.

Góp ý với Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng, vấn đề thống nhất quản lý là quan tâm số 1 của UNESCO cũng như của Việt Nam. Do vậy, Hà Nội cần tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ bàn giao phần diện tích còn lại (1,729ha) và bàn giao các di vật khảo cổ học.

Về các dự án ưu tiên, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu mong muốn Hà Nội không dàn trải, cần tập trung hai dự án ưu tiên là Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và Phục dựng Điện Kính Thiên.

Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa là những di sản quý của Hà Nội, cần phát huy giá trị kép của các khu di sản, bảo tồn gắn với phát triển du lịch; đặc biệt là thực hiện tầm nhìn để Hoàng thành Thăng Long trở thành Công viên di sản.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị các cấp, ngành liên quan tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa những chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước, Thành ủy về văn hóa, bảo tồn phát huy các di sản thế giới, từ đó xác định quyết tâm, trách nhiệm trong thực hiện các dự án tôn tạo di sản, làm rõ những tồn tại hạn chế, những nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp khắc phục.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, công tác nhất thể hóa quản lý và bàn giao Khu Hoàng thành Thăng Long cần được đẩy nhanh tiến độ. Mặt bằng khu di sản đã cơ bản xong, hiện còn khu vực trạm kinh doanh xăng dầu trên đường Nguyễn Tri Phương và Bảo tàng Lịch sử Quân sự. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị UBND Thành phố, các sở, ngành phối hợp cùng Bộ Quốc phòng đẩy nhanh thực hiện dự án mới, sớm di dời địa điểm cũ.

Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Với việc bàn giao các hiện vật cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Viện Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam sớm bàn giao để Trung tâm được tiếp cận, nghiên cứu sớm.

Về việc thực hiện các dự án tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố Hà Nội khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương, trình Thường trực Thành ủy phê duyệt; nghiên cứu tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn di sản; ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng và thực hiện hiệu quả hơn công trình giáo dục di sản; tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa quy mô quốc gia, khu vực, các sự kiện có sự phối hợp quốc tế để tăng giá trị kinh tế tại các khu di sản.

Ông Vương Đình Huệ cũng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo các dự án liên quan đến Hoàng thành Thăng Long do Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đứng đầu; tiếp tục kiện toàn Hội đồng tư vấn khoa học; tăng cường năng lực cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội; tăng cường quan hệ quốc tế để bảo tồn, phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, trong đó Văn phòng UNESCO tại Hà Nội làm đầu mối.