Giáo sư người Hàn Quốc Yang Moo-jin đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong vấn đề an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. (Nguồn: Reuters) |
Trung-Triều xích gần nhau
Trung Quốc và Triều Tiên dường như đang xích lại gần nhau hơn. Các nhà lãnh đạo của hai nước đã trao đổi điện mừng nhân kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ Trung-Triều (11/7/1961-11/7/2021).
Trong điện mừng, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của mỗi nước và tăng cường trao đổi chiến lược dựa trên tình hữu nghị đã được vun đắp "bằng xương máu".
Cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng cũng là nguyên nhân khiến quan hệ Trung-Triều ngày càng gắn bó.
Trung Quốc được cho là đang sử dụng Triều Tiên, một đồng minh truyền thống và vùng đệm địa chính trị, để chống lại các chiến lược ngăn chặn và gây áp lực của Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác định, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất và tuyên bố sẽ dùng mạng lưới liên minh để đối phó, đồng thời nhấn mạnh chính sách đối ngoại theo định hướng các giá trị, đặt dân chủ và nhân quyền ở vị trí trung tâm.
Triều Tiên một mặt sẵn sàng củng cố quan hệ với Trung Quốc, coi nước này là chỗ dựa để đối phó với các lệnh trừng phạt quốc tế, nhất là trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Triều tiếp tục bế tắc.
Mặt khác, Bình Nhưỡng tìm cách củng cố mặt trận đoàn kết trong nước và tiếp tục “tự lực cánh sinh” bằng cách tuyên truyền chính sách “lấy dân làm gốc”.
| Bất chấp sự 'phũ phàng' từ Triều Tiên, Mỹ một lòng chờ tín hiệu tích cực, Hàn Quốc nói không còn nhiều thời gian |
Trung Quốc hiện tham gia cuộc đọ sức chiến lược với Mỹ. Trong khi đó, Triều Tiên cũng đang tiến hành một cuộc chiến tâm lý trong đàm phán hạt nhân với cường quốc số 1 thế giới.
Do nhu cầu hợp tác Trung-Triều ngày càng gia tăng, mối quan hệ song phương gần gũi dường như sẽ tiếp tục được hai nước duy trì trong thời gian tới.
Xét về khả năng kiểm soát tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng là một yếu tố tích cực.
Trung Quốc không muốn căng thẳng và xung đột quân sự nổ ra ngay sát biên giới của mình.
Bắc Kinh được cho là sẽ phản đối mạnh mẽ các hành vi khiêu khích quân sự quy mô lớn của Bình Nhưỡng, bao gồm các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) - vốn là lý do để Mỹ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa và hợp tác quân sự ba bên Mỹ-Nhật-Hàn.
Tuy nhiên, khả năng kiểm soát căng thẳng quân sự của Trung Quốc cũng bị hạn chế do nước này có xu hướng muốn duy trì nguyên trạng và thường không chủ động trong các tình huống.
"Trái bóng" hạt nhân
Mặc dù được cho là ưu tiên đối thoại trong giải quyết các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên, nhưng dường như Trung Quốc có xu thế hợp tác với Triều Tiên và Nga để duy trì thế cân bằng của cán cân quyền lực, thay vì tìm kiếm khả năng chủ động hợp tác với Mỹ.
Cách tiếp cận này dẫn đến nguy cơ hình thành hai khối đối địch là Hàn-Mỹ-Nhật và Triều-Trung-Nga.
Kịch bản được trông đợi nhất là vấn đề Triều Tiên sẽ được Mỹ, Trung Quốc và các nước liên quan khác cùng nhau hợp tác giải quyết nhằm xây dựng Đông Bắc Á trở thành một khu vực hòa bình và thịnh vượng.
Chính quyền của Tổng thống Biden đã chỉ ra khả năng hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề Iran, Triều Tiên và biến đổi khí hậu.
Để vấn đề Triều Tiên nằm trong phạm vi hợp tác Mỹ-Trung, cần nhìn nhận phi hạt nhân hóa là một quá trình lâu dài và được thực hiện theo từng giai đoạn như đề xuất của chính quyền Tổng thống Biden, từ đó từng bước xây dựng lòng tin, cải thiện quan hệ và đạt được mục tiêu đem lại hòa bình cho khu vực.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn hồi cuối tháng 5 vừa qua, lãnh đạo hai nước đã đặt ra các điều kiện để nối lại đàm phán với Triều Tiên, đó là tái khẳng định tầm quan trọng của ngoại giao và đối thoại dựa trên các thỏa thuận liên Triều và Mỹ-Triều hiện có, chẳng hạn như Tuyên bố Panmunjom và Tuyên bố chung Singapore.
Mỹ không nên đổ lỗi cho Triều Tiên bằng cách nói rằng “bóng đang ở phần sân của Bình Nhưỡng”.
Do việc nới lỏng các lệnh trừng phạt ngay từ đầu là không khả thi, Mỹ cần đưa ra một lộ trình đàm phán được Triều Tiên chấp thuận và có mục tiêu rõ ràng cho từng giai đoạn, bao gồm việc thiết lập một chế độ hòa bình và cải thiện mối quan hệ Mỹ-Triều.
Ngoài ra, Mỹ không nên giới hạn vai trò của Trung Quốc khi đề cập vấn đề Triều Tiên bằng cách yêu cầu nước này tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế.
Thay vào đó, Mỹ nên hợp tác với Trung Quốc để Bắc Kinh đóng vai trò “trung gian thực chất”, góp phần nối lại và thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.
Tin liên quan |
Trung Quốc muốn nói gì với phần còn lại của thế giới? |
Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022 có thể là động lực quan trọng để Trung Quốc tìm kiếm vai trò tích cực trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Triều Tiên có thể nhận thức rất rõ thực tế rằng, nước này không thể tồn tại và phát triển vững chắc nếu chỉ dựa vào Trung Quốc.
Triều Tiên có thể đặt mục tiêu dài hạn là cải thiện quan hệ với Mỹ, cùng với đó là thiết lập một nền tảng quan hệ độc lập để tồn tại và phát triển.
Theo đó, một chính sách đối ngoại dựa duy nhất vào Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho Triều Tiên.
Hơn nữa, Triều Tiên phải từ bỏ lập trường cứng nhắc là chỉ nối lại đàm phán hạt nhân sau khi Mỹ đã từ bỏ “chính sách thù địch”.
Mỹ đã tuyên bố theo đuổi một giải pháp ngoại giao thông qua cách tiếp cận thực tế và theo từng giai đoạn.
Đáp lại, Triều Tiên nên quay lại bàn đàm phán, xem xét kỹ lưỡng chính sách của chính quyền của Tổng thống Biden và cố gắng đạt được những điều mình muốn thông qua các cuộc đàm phán về các “gói ưu đãi” mà Mỹ có thể đề xuất.
*Giáo sư Yang Moo-jin hiện đang làm việc tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên và là chuyên gia tư vấn chính sách của Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
| Mỹ-Nhật-Hàn củng cố liên minh, nỗ lực ứng phó Trung Quốc Ngày 21/7, tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, người đồng cấp Nhật Bản Takeo Mori và Thứ ... |
| Triều Tiên khẳng định lập trường không đổi với Nga: Cần mở rộng và thúc đẩy quan hệ thân thiết Ngày 20/7, Triều Tiên cam kết có những nỗ lực để thúc đẩy quan hệ thân thiện với Nga nhân dịp kỷ niệm một tuyên ... |