Giãn cách xã hội là một trong những biện pháp được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện nhằm phòng chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2. (Nguồn: BBC) |
Trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, không ai có thể tưởng tượng thế giới có thể bị phong tỏa, với hơn 1 tỷ người buộc phải dừng các hoạt động thường ngày, ở yên trong nhà để tránh lây nhiễm và/hoặc phát tán virus SARS-CoV-2.
Để sống sót qua đại dịch Covid-19, mỗi quốc gia bị ảnh hưởng, dù lớn hay nhỏ, sẽ phải sử dụng mọi kỹ năng và nguồn lực nhằm chiến đấu chống kẻ thù chung này. Do đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục trải qua tình trạng gián đoạn trước khi có thể tăng trưởng trở lại trong bối cảnh các cuộc xung đột và chiến tranh thương mại vẫn không có dấu hiệu suy giảm.
Củng cố hợp tác y tế cộng đồng
Đại dịch Covid-19 là một minh chứng cho thấy sự phối hợp và hợp tác tốt hơn trong các vấn đề liên quan đến y tế cộng đồng giữa các quốc gia có nền y học phát triển trên thế giới.
Trong tuyên bố của G20 được ban hành gần đây, các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới cam kết thực hiện mọi biện pháp để vượt qua đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo G20 tuyên bố sẽ bơm 5.000 tỷ USD cho chi tiêu tài chính nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, bên cạnh cam kết thực hiện và tài trợ cho các chương trình y tế để chống lại SARS-CoV-2.
Cơ hội tái đắc cử của ông Trump
Theo Giáo sư Martin Jacques thuộc trường Đại học Cambridge của Vương quốc Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gán nhiều giá trị cho nền kinh tế Mỹ hơn là cuộc sống của người Mỹ. Ông Trump nhiều lần nhắc lại rằng, bất cứ điều gì khiến nền kinh tế hàng đầu thế giới giảm tốc cũng sẽ làm giảm cơ hội tái đắc cử Nhà Trắng của ông vào tháng 11 tới đây.
Cạnh tranh Mỹ-Trung mở rộng
Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung sẽ tiếp tục lan rộng trên nhiều lĩnh vực, không chỉ gói gọn về thương mại, công nghệ, không gian mạng và biến đổi khí hậu, mà còn bao gồm cả các vấn đề liên quan đến y tế cộng đồng toàn cầu. Giới quan sát nhận định, cạnh tranh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ có những giai đoạn căng thẳng và hòa giải đan xen nhau.
Ngày 27/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Mỹ, gửi đi tín hiệu về một nỗ lực hòa giải. Chính trị gia Trung Quốc kêu gọi hai nước hợp tác để xử lý dịch Covid-19 và nói rằng, Bắc Kinh "mong muốn tiếp tục chia sẻ mọi thông tin và kinh nghiệm với Mỹ".
Truyền thông Mỹ cho rằng, ông Trump đã có phản ứng tích cực và mô hình trao đổi điển hình này sẽ tiếp diễn trong thế giới hậu đại dịch Covid-19.
Kinh nghiệm dập dịch của Trung Quốc
Thế giới sẽ tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trong các trường hợp khẩn cấp về y tế và quản trị toàn cầu. Tuy nhiên, cách thức mà Trung Quốc xử lý thành công dịch Covid-19 hiện đã được nhiều nước phương Tây áp dụng, dù họ có công nhận hay không.
Báo cáo về cách thức dập dịch của Trung Quốc do Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc thực hiện dài 59 trang đã giải thích chi tiết 10 biện pháp mà Chính phủ nước này áp dụng nhằm chống lại virus SARS-CoV-2 và đưa ra lý do tại sao Bắc Kinh đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên hàng đầu.
Hợp tác lên ngôi
Mặc dù ba nền kinh tế chủ chốt của châu Á, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, vẫn tồn tại những mâu thuẫn trong vấn đề lịch sử, lãnh thổ, lợi ích, song đại dịch Covid-19 được cho là sẽ làm dịu bớt những xung đột để nhường chỗ cho sự cảm thông lẫn nhau.
Các học giả nhận định, mối quan hệ “kiềng ba chân” Đông Bắc Á ấm lên sẽ khiến Thế vận hội Tokyo bị trì hoãn trở thành cơ hội hoàn hảo để đoàn kết các nền kinh tế châu Á, đồng thời là ngọn hải đăng hy vọng của hệ thống thương mại đa phương khu vực sau đại dịch.
Mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa 3 cường quốc châu Á này sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế của khu vực trong thế giới hậu Covid-19. Quan trọng nhất là điều đó cũng sẽ tạo ra những động lực địa chính trị và địa chiến lược mới.
ASEAN mạnh mẽ hơn
ASEAN sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn bằng cách học hỏi từ chính những thiếu sót của khối này trong giai đoạn hỗn loạn hiện nay. Dù đã bày tỏ cam kết mạnh mẽ về việc cùng nhau hành động, nhưng trên thực tế, ASEAN đã nhiều lần thất bại vì thiếu sự phối hợp và khó có thể hài hòa các giao thức xuyên biên giới, cũng như các biện pháp cần thiết để quản lý một cộng đồng gồm 654 triệu người.
Đại dịch Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh cho ASEAN rằng, trong các cuộc khủng hoảng ở quy mô này, không có quốc gia thành viên nào có thể đứng nhìn và đoàn kết mới chính là sức mạnh để vượt qua đại dịch.