📞

Học sinh lớp 6 chưa đọc được chữ: Chuyên gia tâm lý phân tích lý do

PGS.TS Trần Thành Nam 10:31 | 13/04/2021
Từ vụ học sinh lớp 6 chưa đọc được chữ, theo chuyên gia tâm lý, PGS.TS. Trần Thành Nam, ngoài nguyên nhân chạy theo thành tích, làm đẹp học bạ, chất lượng giáo viên chưa cao, có thể do cả việc rối loạn học tập.
Vụ học sinh lớp 6 chưa đọc được chữ, theo PGS.TS. Trần Thành Nam, ngoài chạy theo thành tích, làm đẹp học bạ, có thể do việc rối loạn học tập.

Nhiều trẻ rối loạn học tập nhưng chưa được phát hiện

Mới đây, một số học sinh Trường THCS - THPT Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp được báo chí phát hiện đọc, viết khó khăn. Có em đọc không liền câu mà phải đánh vần; viết chữ sai chính tả nhiều.

Chỉ riêng Trường THCS-THPT Tân Mỹ đã có 6 học sinh lớp 6 chưa đọc được chữ. Hiện có 2 em bỏ học vì mặc cảm và không theo kịp bài.

Sự việc này tiếp tục khiến dư luận xã hội dậy sóng bởi theo chương trình giáo dục phổ thông, kết thúc lớp 1 học sinh phải đọc thông, viết thạo.

Điều đáng nói, tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp không phải bây giờ mới xảy ra. Hầu như năm nào cũng phát hiện ở một vài địa phương có hiện tượng này.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi rất lớn về nguyên nhân do chất lượng giáo viên, do áp lực tâm lý chủ quan của việc chạy theo thành tích, làm đẹp học bạ, do việc đánh giá kết quả giáo dục lỗi thời không phản ánh thực chất...

Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội đã có góc nhìn khác, phân tích khác về vấn đề này. Cụ thể:

Tôi không phản đối các ý kiến tranh luận, nhưng tôi muốn bổ sung một góc nhìn khác của vấn đề đối với những trường hợp ngồi nhầm lớp.

Đó là hiện có rất nhiều trẻ mắc chứng rối loạn học tập (thường thuộc một trong 3 nhóm khó đọc, khó viết, khó tính toán) nhưng không được phát hiện chuẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Do không có khiếm khuyết nặng về năng lực trí tuệ (thường điểm IQ của các em trong khoảng từ 90- 95 điểm) nên những khó khăn trong đọc, viết, tính toán của các em thường bị gia đình và trường học hiểu nhầm là do chây ỳ, lười học, bị chê trách, bị trừng phạt một cách bạo lực.

Thực tế, đây là một bệnh thể hiện qua các biểu hiện như: Đọc từ thiếu chính xác hoặc chậm và ngắc ngứ; Khó hiểu nghĩa của từ; Đánh vần khó khăn; Diễn đạt bằng chữ viết khó khăn; Khó thành thục với các con số, phép tính hoặc tính toán; Khó khăn trong suy luận toán logic.

Những khó khăn này khác biệt đáng kể so với tuổi phát triển của cá nhân và ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả học tập.

Với chứng bệnh này, các biện pháp giáo dục thông thường sẽ không hiệu quả mà cần phải có sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý lâm sàng, các bác sỹ hoặc chuyên gia giáo dục đặc biệt, những người đã được đào tạo về phương pháp hỗ trợ cho những người bị rối loạn học tập. Đây có thể là nguyên nhân khiến giáo viên rất áp lực nếu không hiểu rõ vấn đề.

Giáo viên "giơ cao đánh khẽ"?

Với những trẻ em mắc chứng rối loạn học tập như trên đây, giáo viên dạy bằng cách thông thường không thể cải thiện.

Từ đó, thầy cô có tâm lý sợ cấp trên đánh giá không chịu dạy dỗ nhiệt tình hay phương pháp dạy kém nên đành "giơ cao đánh khẽ" cho con lên lớp, dẫn đến tình trạng học sinh lên lớp 6 nhưng chưa đọc được chữ như chúng ta đã thấy.

Việc học sinh học tập ở trên lớp chưa tốt, có thể kéo theo nhiều vấn đề tâm lý như: Động cơ học yếu, học tập máy móc, phương pháp không phù hợp, rút lui khi có khó khăn, ốm giả vờ, phản ứng tiêu cực, lo lắng quá mức, thường xuyên bỏ học.

Thậm chí kèm với chứng rối loạn học tập, có thể học sinh có các vấn đề khác đi kèm như xu hướng suy giảm trí nhớ ngắn hạn, giảm chú ý.

Nguyên nhân của rối loạn học tập đến nay chưa được xác định chính xác nhưng nhiều nghiên cứu khẳng định, đấy là do rối loạn sinh học trước và trong khi sinh gây ra. Vì vậy, nếu mắc rối loạn học tập, chỉ chỉnh trị và phục hồi chứ không thể chữa khỏi.

Để can thiệp cho những học sinh này phải cân nhắc cả các hình thức can thiệp tâm lý, giáo dục kỹ năng sống- kỹ năng xã hội và giáo dục đặc biệt đảm bảo ổn định tâm lý, giúp cải thiện tình trạng rối loạn học tập.

Đặc biệt, giúp các em học hòa nhập trong trường phổ thông và giáo dục hướng nghiệp để phát triển tối đa những điểm mạnh của các em để tạo sinh kế tự phục vụ cho bản thân.

Trong thời gian tới, nhằm giúp các trường hạn chế những trường hợp "ngồi nhầm lớp" theo góc nhìn này, công tác tư vấn tâm lý học đường cần thực sự đi vào thực chất.

Các trường cần có công cụ chuẩn để sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp khuyết tật trí tuệ và rối loạn học tập, có hệ thống giáo viên hòa nhập có kiến thức về giáo dục đặc biệt để hỗ trợ các em trong các vấn đề học tập tại trường và mạng lưới kết nối với chuyên gia tâm lý lâm sàng, giáo dục đặc biệt để cung cấp các dịch vụ cần thiết.

(theo Dân trí)