Theo TS. Hoàng Trung Học, mạng xã hội là một yếu tố không vô can trong các vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh trong thời gian qua. |
Học sinh trầm cảm, tự tử thời gian gần đây có phải là hệ quả của những áp lực dồn nén lâu ngày vì dịch Covid-19 hay do áp lực học tập, thưa ông?
Gần đây, chúng ta nghe nhiều thông tin đến các vụ việc học sinh, đặc biệt là học sinh THCS và THPT tự tử. Nhìn nhận các vụ việc này, một số ý kiến cho rằng, đó là hậu quả của áp lực học tập. Tôi cho rằng, quan điểm đó chưa hoàn toàn chính xác.
Đối với hành vi tự tử, cần thấy rằng, thường do hai nhóm tác nhân chủ yếu. Đó là những tác nhân nền tảng và những tác nhân kích hoạt.
Tác nhân nền tảng là yếu tố ảnh hưởng thường tác động trong thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần của học sinh. Trong thời gian qua, dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, các hoạt động sống, tương tác xã hội, hoạt động học tập của học sinh bị đảo lộn, đã làm cho sức khỏe tâm thần của học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu của chúng tôi trên nhóm 17587 học sinh trong cả nước (trên 12 tỉnh, thành phố đại diện cho 3 miền của đất nước) đã phát hiện 60,5% học sinh có biểu hiện stress; 38,1% học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu; 30,4% học sinh có biểu hiện rối loạn trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Mức độ stress, lo âu, trầm cảm xuất phát từ việc không đến trường của học sinh đã đến mức báo động.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra học sinh bị hội chứng tâm lý do Covid-19. Đây là một loại rối nhiễu tâm lý xuất hiện dưới sự ảnh hưởng của Covid-19, biểu hiện trong việc làm suy giảm trực tiếp chức năng nhận thức, cảm xúc, gây rối loạn hành vi cùng một số bất thường khác về thực thể.
Đặc biệt, chúng tôi đã phát hiện hơn 20% học sinh các vùng có giãn cách xã hội đã từng có suy nghĩ liên quan đến việc tự tử. Đây là những vấn đề rất đáng báo động.
"Hiện nay đang xuất hiện một thế hệ học sinh như những 'bông tuyết' – tinh khôi, nhạy cảm, dễ vỡ, chịu đựng áp lực kém". |
Yếu tố kích hoạt thường là những tình huống không thuận lợi như: bế tắc trong xung đột với cha mẹ, bị sức ép về học tập, bị kích động, thách thức của bạn bè, học theo các xu hướng, thông tin độc hại trên mạng xã hội.
Đối với những học sinh có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, chỉ cần một tác động không thuận lợi, các em cũng có thể khởi phát ý định tự tử, toan tự tử và tự tử thành công.
Như vậy, rõ ràng sức ép từ hoạt động học tập và học tập trực tuyến là yếu tố không vô can nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng tự tử ở học sinh.
Vậy theo ông, có sự tác động ít nhiều của yếu tố mạng xã hội dẫn đến các vụ học sinh tự tử liên tiếp thời gian qua hay không?
Mạng xã hội là một yếu tố không vô can trong các vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh trong thời gian qua.
Thứ nhất, mạng xã hội tham gia vào việc làm cho học sinh có xu hướng lệ thuộc và sống trong thế giới ảo. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, hơn 80% các học sinh tại vùng bị giãn cách xã hội thừa nhận mình đã dùng mạng Internet hơn 5h/ngày.
"Hãy truyền cho con sự tự tin và tinh thần tự lập: dám làm, dám chịu, dám sửa sai để tiến bộ. Hãy cho con quyền được sai, giúp con sửa sai và bước tiếp khi thất bại. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có những công dân có ý chí, nghị lực và sức chịu đứng lớn lao trong tương lai". |
Gần 82% học sinh có xu hướng lạm dụng game trực tuyến, mạng xã hội và sử dụng Internet vào các mục đích khác nhau. Hơn 41% học sinh cho rằng, mình có xu hướng thu mình vào thế giới ảo. Điều này ảnh hưởng lớn tới tâm trí và hành vi của các em.
Thứ hai, các thông tin trên mạng xã hội hiện nay rất khó kiểm soát. Đã xuất hiện những nhóm, hội kín chuyên nói xấu, mắng cha mẹ, thậm chí bàn về các ý định tự tử và bỏ nhà ra đi.
Bên cạnh đó, truyền thông, mạng xã hội cũng có xu hướng đưa tin thái quá hoặc quá cụ thể về các vụ tự tử cũng đã trở thành yếu tố kích hoạt hành vi tự tử ở một số học sinh có vấn đề.
Chúng ta cần lưu ý rằng, ở lứa tuổi vị thành niên, học sinh có xu hướng bắt chước theo những xu hướng “độc, lạ” và không ý thức hết hậu quả của hành vi. Như vậy, mạng xã hội và Internet đã ảnh hưởng cả đến yếu tố nền tảng và yếu tố kích hoạt của hành vi tự tử ở học sinh.
Đối với những học sinh có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, chỉ cần một tác động không thuận lợi, các em cũng có thể khởi phát ý định tự tử. (Nguồn: TT) |
Trách nhiệm của gia đình đến đâu trong việc nhận biết các dấu hiệu rối loạn tâm lý của trẻ?
Trách nhiệm của gia đình là rất lớn trong việc kiểm soát, phát hiện, hỗ trợ giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần của con. Trước hết, cha mẹ và gia đình là yếu tố đầu tiên tác động đến tâm trí trẻ, càng nhỏ, tác động này càng rõ nét. Cha mẹ không hiểu con mình, không có cách dạy con phù hợp, kỳ vọng vào con thái quá… sẽ trở thành tác động trực tiếp, đầu tiên gây ra những vấn đề sức khỏe tâm thần cho con.
Tiếp theo, cha mẹ cũng là người gần gũi con nhất, do đó hơn ai hết, họ hiểu được những vấn đề của con mình.
Cuối cùng, cha mẹ cũng chính là người cùng có vai trò quan trọng trong việc cùng với các thành viên trong gia đình tạo lập môi trường sống an toàn, phù hợp để hỗ trợ con vượt qua những rối nhiễu tâm lý trong quá trình phát triển.
"Ở lứa tuổi vị thành niên, học sinh có xu hướng bắt chước theo những xu hướng “độc, lạ” và không ý thức hết hậu quả của hành vi. Như vậy, mạng xã hội và Internet đã ảnh hưởng đến hành vi tự tử ở học sinh". |
Vì vậy, cha mẹ và các thành viên trong gia đình là những người đầu tiên, có vai trò, trách nhiệm rất lớn trong việc đảm bảo sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Là một chuyên gia tâm lý, theo ông có cách nào để giúp trẻ tăng khả năng chịu đựng và biết vượt qua khó khăn trong học tập và cuộc sống?
Điều này phụ thuộc trực tiếp vào triết lý và phương pháp giáo dục của cha mẹ và mỗi gia đình. Hiện nay đang xuất hiện một thế hệ học sinh như những “bông tuyết” – tinh khôi, nhạy cảm, dễ vỡ, chịu đựng áp lực kém.
Nguyên nhân vì các gia đình đã có bước phát triển nhảy vọt về kinh tế, có xu hướng sinh ít con, do đó họ thường dành cho con những chăm sóc vật chất dư thừa và đôi khi chiều con thái quá.
Bên cạnh đó, xu hướng dân chủ trong giáo dục cũng lan rộng, dẫn đến nhiều gia đình giáo dục con trong “chăn nhung, gối lụa” mong con trưởng thành như những viên ngọc không tì vết. Điều này là không thể và sẽ làm cho đứa trẻ không có khả năng tự vệ trước những cám dỗ; ý chí và nghị lực giảm sút nghiêm trọng trước những khó khăn của cuộc đời.
Muốn đảo ngược được xu hướng này, trong quá trình giáo dục, cha mẹ cần chăm lo vật chất cho con trong điều kiện gia đình mình có thể. Đừng để cho con có những đặc quyền về vật chất không cần thiết. Hãy truyền cho con sự tự tin và tinh thần tự lập: dám làm, dám chịu, dám sửa sai để tiến bộ. Hãy cho con quyền được sai, giúp con sửa sai và bước tiếp khi thất bại. Chỉ như vậy, chúng ta mới có những công dân có ý chí, nghị lực và sức chịu đựng lớn lao trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!