📞

Học sinh trở lại trường: Hãy làm giảm nhẹ nỗi sợ hãi về kỳ thi ở các em

Nguyệt Anh 16:30 | 06/12/2021
Đề cập chuyện học sinh trở lại trường, PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, đừng ngay lập tức tập trung vào kiến thức, hãy làm giảm nhẹ nỗi sợ hãi về kỳ thi ở các em.
Theo PGS. TS. Trần Thành Nam, cần giảm bớt áp lực thi cử khi học sinh trở lại trường.

Theo thông báo mới nhất của Sở Giáo dục và Đạo tạo Hà Nội, ngày 6/12 chỉ học sinh lớp 12 các trường THPT, Trung tâm giáo dục – Trung tâm giáo dục nghề nghiệp đi học trực tiếp, còn học sinh lớp 10 và 11 tiếp tục học trực tuyến.

Sáng nay, hàng chục nghìn học sinh lớp 12 tại Hà Nội đã trở lại trường. Nhiều em vui như "ngày đầu tiên đi học" nhưng cũng không ít em tỏ ra lo lắng vì những áp lực khi đi học lại.

Báo Thế giới & Việt Nam đã có cuộc chia sẻ với Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về việc cần chuẩn bị gì để học sinh không cảm thấy quá lo lắng khi quay trở lại trường.

Không chỉ phụ huynh mà ngay cả học sinh cũng lo lắng khi đi học trực tiếp vào lúc này. Là một chuyên gia tâm lý, ông có thể chỉ ra những nguyên nhân?

Thứ nhất, học sinh vẫn lo lắng về việc nhiễm bệnh. Dù học sinh được tiêm 2 mũi vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh và lây bệnh cho các em trong gia đình chưa đủ tuổi để tiêm.

Thứ hai, lo lắng về việc bị kiểm tra kiến thức trong thời gian học online, lo lắng về kỳ thi. Theo ý kiến của nhiều em bức xúc là tại sao lại trở lại trường vào lúc này? Tại sao không cho con thi online xong rồi hãy trở lại trường?

Điều này cho thấy, chúng ta đã chuyển từ một nền giáo dục nặng về ứng thí sang học để làm việc hiệu quả, học để làm người, học để chung sống với nhau nhưng tốc độ chuyển đổi còn rất chậm. Trong mắt các em, nhà trường và thầy cô vẫn “trọng thi” hơn là “trọng học”.

Thứ ba, sau thời gian nghỉ dài, các kỹ năng sống, tương tác xã hội bị "cùn mòn" đi, trở lại trường các em cảm thấy khó khăn trong xử lý các tình huống với bạn, với thầy cô và rất nhiều công việc ở trường lớp.

Hiện tại, mặc dù Hà Nội đã ban hành 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn nhưng thực ra tôi nghĩ phụ huynh sẽ lo lắng nhất là tiêu chí 11 về khoảng cách.

Trong 16 tiêu chí đánh giá, tôi thấy đảm bảo tiêu chí 11 về khoảng cách là khó giải quyết nhất vì nó sẽ liên quan đến việc sắp xếp xen kẽ giờ học, giờ ăn, xếp lịch học theo ca hay giảm sĩ số lớp.

Ngoài ra, việc phải tổ chức dạy cùng lúc cả trực tuyến và trực tiếp để đảm bảo cho một số em thuộc diện cách ly vẫn có thể tham gia giờ học cùng bạn bè cũng là một thách thức không nhỏ đối với giáo viên.

Vậy lúc này cần chuẩn bị tâm lý gì cho học sinh khi trở lại trường, để các em không bị "sốc", thưa ông?

Giáo viên nên nói chuyện với các em về việc quay trở lại trường, bình thường hóa lo âu, dạy một số câu tự nhủ tích cực như mọi chuyện sẽ ổn thôi, tất cả đều an toàn…

Đặc biệt, giáo viên và lãnh đạo nhà trường đảm bảo những tuần đầu tiên quay trở lại trường cực kỳ an toàn về cả y tế và tâm lý. Ngành giáo dục cần ban hành cẩm nang an toàn khi trở lại trường bao gồm những hướng dẫn chi tiết về y tế và tâm lý cho học sinh.

Đồng thời, tạo điều kiện thật nhiều không gian và thời gian để cô trò nói chuyện với nhau; thông cảm và tạo lại cảm giác thuộc về nhà trường. Giảm sự nghi ngại, kỳ thị với những bạn học đến từ vùng đỏ hoặc nhóm F1, F2. Đặc biệt, đừng ngay lập tức tập trung vào kiến thức, hãy làm giảm nhẹ nỗi sợ hãi về kỳ thi ở các em.

Nói chung, tất cả các tình huống đều phải có phương án ứng phó sẵn sàng và hợp lý. Công tác tư vấn học đường cần được kích hoạt. Giáo viên, phụ huynh và học sinh cần được nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và một số kỹ năng chăm sóc, quản lý tổn thương sức khỏe tâm thần.

Theo cá nhân ông, việc cho học sinh trở lại trường là cần thiết nhưng vào lúc này sẽ có những nguy cơ gì?

Biết rằng việc cho học sinh đi học trực tiếp là cần thiết, bởi học online cũng có những bất cập nhất định. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chưa phải là quyết định phù hợp.

Hiện nay, tâm lý của không ít phụ huynh vẫn hoang mang, lo lắng khi cho con trở lại trường liệu có đảm bảo an toàn hay không khi hàng ngày, hàng giờ, số ca nhiễm vẫn tăng.

Thực tế, chúng ta sống chung với dịch, thích ứng và linh hoạt nhưng phải đề cao tiêu chí an toàn chứ không phải mở cửa trường học, cho học sinh học trực tiếp mà cả người học lẫn người dạy, phụ huynh đều trong tư thế lo lắng, băn khoăn.

Vậy ông có khuyến nghị gì trong việc mở cửa trường học vào lúc này?

Tôi cho rằng, khi học sinh trở lại trường phải đảm bảo an toàn về sức khỏe, đặc biệt đối với những học sinh cuối cấp. Muốn phương án cho học sinh trở lại trường trở nên đúng đắn thì phải có phương án giảm nguy cơ cho các em xuống thấp nhất. Đặc biệt, quan tâm đến việc nếu trong trường có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm thì nhà trường sẽ có phương án ra sao, tránh tình trạng lúng túng.

Điều tiếp theo, việc thi cử trong giai đoạn này khiến nhiều học sinh cảm thấy hoang mang, nhất là trải qua thời gian dài học online. Làm sao để những đứa trẻ không cảm thấy sợ hãi với chuyện học, chuyện thi?

Vấn đề cần chú ý là tránh tình trạng “điều tra” kiến thức của học sinh sau khi học trở lại. Đây là điều quan trọng để các em cảm thấy không bị quá áp lực khi học trong bối cảnh bình thường mới.

Ở một khía cạnh khác, có thể nói thời gian dài các em đã bị tổn thương sức khỏe tâm thần do dịch bệnh. Nhiều em bị cô lập, thiếu các kỹ năng tương tác với người thật. Do đó, việc chuẩn bị tâm lý cho học sinh khi quay trở lại trường cũng là điều mà phụ huynh, giáo viên và các trường nên lưu ý.

Lúc này không phải thời điểm để nói về kiến thức mà chính là việc kích hoạt, xây dựng kỹ năng cho học sinh, giúp các em tái hội nhập cộng đồng, tăng cường tương tác và dần lấy lại được sự tự tin cũng như rèn nề nếp. Nếu lúc này, các em phải học theo đúng mô hình trước khi xảy ra dịch sẽ là một áp lực rất lớn và không phù hợp.

Với tư cách là một phụ huynh, ông có sẵn sàng cho con đến trường trong bối cảnh ca nhiễm tại Hà Nội tăng lên hàng ngày?

Đúng là tôi vừa mừng vừa lo. Mừng bởi lẽ các con ở nhà cũng bí bách. Các con cần được kết nối lại với thế giới thực, được gặp bạn bè thầy cô, được chơi đùa tại trường để cân bằng tâm lý các vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhưng tôi cũng rất lo vì số ca dương tính hiện nay tại Hà Nội tăng không ngừng, dự báo sẽ tiếp tục tăng với sự phức tạp bởi biến chủng mới.

Đây không chỉ là nỗi lo của phụ huynh, chính các em học sinh cũng chia sẻ rất nhiều lo lắng. Chúng tôi đã tổng hợp một số ý kiến của các con học sinh THPT tại một số trường.

Cụ thể, nhiều em lo sợ dịch chưa ổn định, sợ không tiếp thu được kiến thức, thi không đảm bảo chất lượng, không đạt điểm cao. Phần lớn các em lo sợ không hòa nhập được với lớp khi học trực tiếp, không thích nghi kịp với sự thay đổi về đồng hồ sinh học.

Do học online trong thời gian dài nên dường như các em đã dần thích nghi nên khi quay trở lại lớp lúc này là chưa có sự chuẩn bị về mặt tâm lý. Có em sợ mình chưa sẵn sàng cho việc đi học quá đột ngột, sẽ khó thích nghi với thời gian biểu mới cũng như áp lực từ việc học, việc thi cử.

Có nhiều lý do để học sinh “sợ” quay trở lại trường vào lúc này. Do đó, việc chuẩn bị tâm lý cho các em, để “chống sốc” cho các em là rất quan trọng.

Xin cảm ơn ông!