Học trực tuyến là thách thức nhưng cũng là cơ hội để thay đổi cách dạy, cách đánh giá học sinh. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Năm nay, ngày khai giảng không còn nhìn thấy trực tiếp những khuôn mặt hân hoan của học sinh vào ngày đầu năm học mới. Thay vào đó là buổi khai giảng trực tuyến ngắn gọn trên truyền hình khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp hơn ở một số địa phương.
Ngày khai giảng nhằm đánh dấu một năm học mới với những thách thức mới cho ngành giáo dục. Năm nay thách thức đó còn nhiều hơn khi học sinh phải học trực tuyến trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, các em không được đến trường.
Lớp học thật: dạy học thụ động, đánh giá hình thức
Nhìn lại những năm học qua, ngành giáo dục vẫn đánh giá chất lượng giáo viên thông qua kết quả học tập của học sinh.
Một đồng nghiệp của tôi - anh có tinh thần trách nhiệm cao, luôn tìm tòi học hỏi, sáng tạo ra những tiết học chất lượng. Tuy nhiên, năm học trước anh bị xếp loại C (hoàn thành nhiệm vụ) vì kết quả các bài kiểm tra trên trung bình của học sinh không đạt so với các thành viên còn lại trong bộ môn.
Sở dĩ kết quả học tập của học sinh không cao vì anh bạn đồng nghiệp của tôi… khá "hiền" trong các giờ lên lớp. Anh không biết cách "nhồi nhét" kiến thức cho học sinh, để khi kiểm tra hoặc khi thi, các em sẽ học thuộc lòng, học "tủ", học "gạo" như cái máy nhằm cho "ra lò" điểm 9, điểm 10.
Thực sự, chính vì cách xét thi đua như trên làm giáo viên chỉ chú tâm đến việc “ép” học sinh phải thuộc lòng kiến thức bằng nhiều cách khác nhau như: cho điểm không, chép phạt, mời phụ huynh trao đổi... Từ đó tạo ra một thế hệ học tập thụ động, tiếp nhận kiến thức theo kiểu đối phó là chính.
Các em phải cố nhồi nhét kiến thức trước áp lực học tập từ giáo viên và phụ huynh, rồi chính một số em cũng không nhận ra mình học vì lý do gì, ích lợi của việc học như thế nào? Đồng thời, việc đánh giá giáo viên dựa vào điểm số của học sinh sẽ đánh mất đi sự sáng tạo của giáo viên trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập.
Lớp học ảo - thách thức để thay đổi
Trong một tiết dạy trực tuyến với 45 học sinh, nếu yêu cầu tất cả các em mở camera để giáo viên theo dõi như lớp học thật thì nhiều em không có camera, hoặc nếu có thì đường truyền mạng lại không ổn định. Nhưng nếu không quan sát được các em thì nhiều em chẳng tập trung vào việc học, một số em sẽ làm việc khác, thậm chí có em nằm ngủ.
Một học sinh lớp tôi sau 4 tiết học trực tuyến đã tâm sự: “Thầy ơi, con cảm thấy đau đầu, mỏi mắt khi phải học trực tuyến liên tục trong 4 tiết một buổi sáng thông qua điện thoại di động. Có một số tiết con không biết giáo viên đã dạy gì vì mạng nhà con lúc nghe được lúc không”.
Thầy giáo Lê Văn Hiến trong một giờ học lúc chưa có dịch bệnh. |
Thực tế hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đã triển khai cách học trực tuyến thông qua lớp học ảo, thay vì học sinh phải nghe giảng 4 tiết trên lớp thì các em lại chuyển sang học trên những nền tảng công nghệ thông tin.
Khi đó, cách học tập của học sinh nay càng trở nên thụ động và khó tiếp nhận hơn vì phải phụ thuộc phần nhiều vào các phần mềm học tập hay chất lượng đường truyền của nhà mạng. Điều này cho thấy, việc học theo cách thầy giảng - trò nghe thông qua các “lớp học ảo” sẽ không đem lại hiệu quả học tập tốt.
Trước thách thức của một năm học mới với hình thức học trực tuyến, thiết nghĩ việc thay đổi cách tiếp nhận kiến thức là điều cấp thiết. Thay vì thầy đọc - trò chép, học sinh tiếp thu bài giảng một cách thụ động từ giáo viên như trước, thì nay giáo viên có thể giao cho các em những nhiệm vụ học tập. Nghĩa là, học sinh sẽ tự tìm hiểu kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ học tập do giáo viên đặt ra. Quá trình học tập của các em sẽ được giáo viên ghi nhận và đánh giá qua từng bước.
Với cách học như thế, học sinh sẽ tự chủ động hơn trong quá trình tiếp cận kiến thức. Đồng thời, các em cũng không gặp nhiều khó khăn khi chưa có đủ điều kiện học tập như: thiết bị, đường truyền mạng hay những trục trặc kỹ thuật của các nền tảng công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc học.
Cùng với đó, giảm bớt những khó khăn cho phụ huynh khi gia đình không đủ điều kiện để đảm bảo việc học tập thông qua các “lớp học ảo”. Giáo viên cũng không phải “mỏi mắt” trông chừng từng em vì thái độ cũng như kết quả học tập đã thể hiện.
Thiết nghĩ, năm học mới với những khó khăn chung của toàn xã hội, nhưng nếu chúng ta có những chủ trương và chính sách khoa học, thay đổi lối mòn sẽ phần nào giảm nhẹ căng thẳng cho mỗi gia đình khi chịu quá nhiều áp lực do dịch bệnh gây ra.
| 'Không nên ép học sinh quá nhỏ tuổi học online' Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, cần những quyết định sao cho việc học không áp lực với trẻ, không nên ép học ... |
| TS. Giáp Văn Dương: 'Không nhất thiết phải cho trẻ lớp 1, lớp 2 học trực tuyến bằng mọi giá' Chuyên gia giáo dục, TS. Giáp Văn Dương - Chủ tịch Hội đồng giáo dục của Trường Tiểu học Times School nêu quan điểm, không ... |