📞

Học viện Ngoại giao 60 năm: Câu chuyện của “người lái đò”

21:00 | 15/11/2019
TGVN. Trong những ngày hướng tới Lễ kỷ niệm 60 năm Học viện Ngoại giao, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, phóng viên TG&VN có dịp trò chuyện với Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Học viện. Với cô, nghề giáo là nghề thiêng liêng, đem đến những niềm vui không gì có thể so sánh được. "Sau bao năm chở đò, giờ tóc đã điểm bạc, tôi mới càng cảm nhận rõ hơn hạnh phúc của người đứng trên giảng đường”...

6 thập kỷ là quá trình phát triển đầy tự hào của Học viện, từ thế hệ những giảng viên tạm gác bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến thế hệ những giảng viên, nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm trên các mặt trận, sẵn sàng cống hiến và truyền cảm hứng cho lớp lớp thế hệ học trò.

Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao. (Ảnh: TN)

Thưa cô, nhìn lại chặng đường hơn một nửa thế kỷ qua, có thể thấy sự phát triển của Học viện luôn gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc và các dấu mốc quan trọng của ngành ngoại giao?

Ra đời trong những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, Trường Đại học Ngoại giao đã có những đóng góp trực tiếp và quan trọng cho sự nghiệp giải phóng đất nước, cả trên mặt trận ngoại giao và trên chiến trường. Trên mặt trận ngoại giao, Đại học Ngoại giao góp phần đặt nền móng, đào tạo nên thế hệ các nhà ngoại giao chuyên nghiệp đầu tiên của đất nước, góp phần trực tiếp vào cuộc đấu tranh ngoại giao đầy cam go, thách thức trong giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn nhưng đầy vẻ vang của dân tộc. Giảng viên, cán bộ Đại học Ngoại giao kiên cường công tác giảng dạy và nghiên cứu, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn phải đi sơ tán. Trên chiến trường, nhiều thế hệ giảng viên và cán bộ Đại học Ngoại giao tạm gác bút nghiên, trực tiếp cầm súng chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Sau một thời gian ngừng tuyển sinh (1969-1974), trường Đại học Ngoại giao đã tuyển sinh trở lại vào năm 1975 nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực đối ngoại của đất nước đã thống nhất và nhanh chóng trở thành một trung tâm đào tạo uy tín của đất nước, tiếp tục góp phần đào tạo nên “thế hệ vàng” các nhà ngoại giao phục vụ sự nghiệp xây dựng Xã hội chủ nghĩa và đấu tranh phá thế bao vây cấm vận. Trong giai đoạn này, Viện Quan hệ Quốc tế được thành lập năm 1977, góp phần quan trọng trong công tác nghiên cứu tổng kết công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, và kết hợp những kết quả nghiên cứu, tổng kết đó vào trong giảng dạy.

Trước yêu cầu mới của đất nước và ngành Ngoại giao, Viện Quan hệ Quốc tế đã được sát nhập vào Đại học Ngoại giao, trở thành Học viện Quan hệ Quốc tế năm 1987. Học viện Quan hệ Quốc tế trong giai đoạn này là cơ sở đào tạo đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai thực hiện tư duy đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước, trong đó tư duy đổi mới về đối ngoại. Học viện tiếp tục là đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu cả nước trong lĩnh vực Quan hệ Quốc tế. Cán bộ giảng viên của Học viện cũng trực tiếp tham gia hoạt động đối ngoại, giữ những vị trí quan trọng tại các đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài, góp phần bình thường hoá và mở rộng, thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước.

Để đáp ứng yêu cầu mới của ngành ngoại giao và đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, Học viện Quan hệ Quốc tế đã một lần nữa được nâng cấp, trở thành Học viện Ngoại giao từ năm 2008.

Từ đó đến nay, Học viện Ngoại giao có các đóng góp ngày càng quan trọng cho ngành Ngoại giao nói riêng, và cho đất nước nói chung. Học viện trở thành trường đại học hàng đầu cả nước về đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực đối ngoại chất lượng cao cho Bộ Ngoại giao, các Bộ ngành, địa phương trong cả nước, và là một trong những viện tham mưu nghiên cứu chiến lược và chính sách đối ngoại, nghiên cứu Biển Đông có uy tín trong khu vực. Những công trình nghiên cứu của Học viện đã đóng góp thiết thực vào việc định hướng chính sách đối ngoại dựa trên tổng kết lý luận và thực tiễn đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ.

Có thể thấy, từ một mái trường với chỉ 80 học viên, trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, để trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu đứng đầu cả nước như hiện nay, Học viện Ngoại giao luôn gắn liền với lịch sử đối ngoại của đất nước, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp vẻ vang của Ngành và của dân tộc. Học viện Ngoại giao ngày nay đã có những bước phát triển rất đáng tự hào dựa trên nền tảng của Đại học Ngoại giao năm xưa. Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, với sự quyết tâm của toàn bộ Ban giám đốc, giảng viên, cán bộ, nhân viên và sinh viên, tôi tin rằng Học viện Ngoại giao trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, vẻ vang hơn nữa.

Tiến sĩ Phạm Lan Dung và các đại biểu tại Hội nghị thường niên Giám đốc và Hiệu trưởng các Học viện đào tạo ngoại giao các nước ASEAN+3 lần thứ 14 năm 2019. (Ảnh: TN)

Phần lớn học viên, sinh viên trong những khóa đầu của Học viện đều đã trở thành những cán bộ ngoại giao nòng cốt; các thế hệ sinh viên trong thời đại mới cũng rất năng động, sáng tạo và yêu thích làm đối ngoại, truyền thống đó, theo cô, đã được xây dựng và phát huy như thế nào qua 6 thập kỷ?

Theo tôi, truyền thống này được xây dựng và phát huy dựa trên các nhân tố sau. Thứ nhất, đó là các thế hệ sinh viên của Học viện Ngoại giao luôn may mắn được học tập từ những giảng viên giàu kinh nghiệm, vừa là những người thầy, người cô tâm huyết, vừa là những nhà ngoại giao từng trải, có nhiều kinh nghiệm trên các mặt trận đối ngoại, là những người truyền cảm hứng làm công tác đối ngoại sau này.

Những câu chuyện về công tác đối ngoại của đất nước được lồng ghép vào trong các bài giảng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ sinh viên, học viện một niềm khao khát được nỗ lực rèn luyện và tu dưỡng học tập để sau này có thể làm việc trên mọi mặt trận, từ lĩnh vực đối ngoại ở các cơ quan của Đảng và Nhà nước cũng như các khu vực tư nhân.

Thứ hai, truyền thống đó cũng được hình thành và phát triển theo chính dòng chảy phát triển của ngành ngoại giao Việt Nam, các thế hệ sinh viên, học viên trong thời đại mới được học tập và rèn luyện dựa trên những giá trị cốt lõi của Học viện, đó là “Năng động, sáng tạo, tầm nhìn; Chất lượng, toàn diện, hội nhập”. Ở mỗi một giai đoạn của đất nước, từ những ngày tháng khó khăn thời kỳ chiến tranh bảo vệ đất nước cho đến hiện nay khi đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì ngoại giao Việt Nam luôn mang trên mình những trọng trách riêng, đòi hỏi cần phải có thế hệ những nhà ngoại giao tương lai đầy bản lĩnh, phông kiến thức sâu rộng, kỹ năng phù hợp với công tác đối ngoại của đất nước trong thời kỳ mới. Các thế hệ sinh viên, học viên hiện nay vẫn đang tiếp bước truyền thống đầy tự hào của các thế hệ đi trước để khẳng định bản thân và có những đóng góp nhất định cho nước nhà cho dù công tác ở bất cứ nơi nào.

Trong bối cảnh mới có nhiều thay đổi trong công tác giáo dục, có lẽ Học viện Ngoại giao cũng sẽ có những hướng đi trọng tâm mang “hơi thở” mới của thời đại, cô có thể chia sẻ?

Học viện Ngoại giao là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ Ngoại giao, thực hiện chức năng nghiên cứu chiến lược về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại; đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại.

Trong bối cảnh thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tình hình quốc tế biến đổi nhanh chóng và khó lường và đất nước đang tích cực hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới, Học viện nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và quyết tâm triển khai các trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện. Học viện luôn tạo điều kiện cho các cán bộ, giảng viên không chỉ tham gia các chương trình đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học uy tín trên thế giới mà còn trở thành các nhà ngoại giao chuyên nghiệp tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và tại các tổ chức quốc tế. Chính những kinh nghiệm thực tiễn của nghề nghiệp đã tạo lợi thế cạnh tranh cho giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện.

Cô Lan Dung chụp cùng sinh viên trong lễ tốt nghiệp. (Ảnh: TN)

Thứ hai, cải tiến chương trình và phương thức đào tạo tiệm cận với các chương trình đào tạo tiên tiến đang được triển khai ở các trường đại học uy tín trong khu vực và quốc tế. Học viện chú trọng cung cấp kiến thức chuyên môn sâu trong các lĩnh vực Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế, Kinh tế quốc tế và Truyền thông quốc tế,… tăng cường đào tạo kỹ năng cho sinh viên, bao gồm: kỹ năng phản biện, kỹ năng đàm phán, kỹ năng giải quyết khủng hoảng,… và đảm bảo sinh viên sử dụng thành thạo ít nhất một trong ba ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Pháp hoặc Tiếng Trung) khi tốt nghiệp. Thứ ba, triển khai các chương trình liên kết với các trường đại học uy tín trên thế giới để mở rộng các cơ hội cho sinh viên tham gia các khóa học và rèn luyện trong môi trường quốc tế thực thụ, nhằm trau dồi bản lĩnh của công dân toàn cầu.

Là một nhà giáo, một nhà ngoại giao, cô cảm nhận như thế nào về 2 “vai” của mình, điều đó có gì thú vị?

Là một người đã gắn bó với công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu tại Học viện Ngoại giao gần 30 năm qua, tôi rất may mắn được chứng kiến và đồng hành với sự phát triển lớn mạnh của Học viện. Là nhà giáo, chúng tôi hiểu được vai trò và tầm ảnh hưởng của người thầy trong việc định hướng con đường phát triển sự nghiệp cho sinh viên, dẫn dắt và nuôi dưỡng đam mê khám phá kho tri thức vô tận của bao thế hệ.

Là nhà nghiên cứu, chúng tôi cùng các đồng nghiệp phát huy vai trò trên kênh 2, xây dựng mạng lưới và diễn đàn trong nước và quốc tế, giúp các học giả, các nhà nghiên cứu trao đổi và làm sáng rõ các vấn đề trong quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế, … góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia.

Là cán bộ ngoại giao, chúng tôi có cơ hội tham gia và chủ trì các hội nghị quốc tế; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi và chủ trì các sự kiện với các đại sứ, các nhà ngoại giao của các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi được làm việc và phối hợp chặt chẽ với các nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam, qua đó tiếp thu những tinh hoa và kinh nghiệm vô giá từ các đồng nghiệp. Được tham gia vào công tác hoạch định và triển khai chính sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cho các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, chúng tôi đóng vai trò cầu nối giữa đào tạo học thuật với thực tiễn nghề nghiệp ngoại giao, góp phần đề xuất và triển khai thành công nhiều chương trình đào tạo cho cán bộ của Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, địa phương.

Với nhiều “vai” như vậy, chúng tôi có được cái nhìn đa chiều hơn khi tiếp cận mỗi mảng công việc. Mạng lưới và kinh nghiệm trong các mảng công việc hỗ trợ và bổ sung hiệu quả cho nhau. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Giảng viên luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên cũng như có nhiều cơ hội tham gia vào các sự kiện đối ngoại và các hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học quan trọng. Với mạng lưới hợp tác quốc tế mạnh, không ít môn học, sinh viên của Học viện được các nhà ngoại giao kỳ cựu, các chuyên gia gia quốc tế trực tiếp giảng dạy. Sinh viên, cán bộ ngoại giao lớp tiền công vụ được dự các buổi tọa đàm, tiếp xúc, trò chuyện với các Đại sứ, các giáo sư nổi tiếng, các chính khách trong nước và quốc tế.

Tiến sĩ Lan Dung cùng các học trò. (Ảnh: TN)

Những kỷ niệm khó quên của cô trong quá trình nhiều năm gắn bó với công tác đào tạo của Học viện Ngoại giao?

Gắn bó với Học viện suốt 22 năm, cũng là cả quá trình công tác từ khi tốt nghiệp Đại học Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) về nước, tôi thấy mình vô cùng tự hào và may mắn khi được đứng trong đội ngũ các thầy cô giáo Học viện Ngoại giao hơn nửa thập kỷ qua. Nghề giáo là nghề thiêng liêng, đem đến cho người thầy những niềm vui không gì có thể so sánh được. Sau bao năm chở đò, giờ tóc đã điểm bạc, tôi mới càng cảm nhận rõ hơn hạnh phúc của người đứng trên giảng đường.

Kỷ niệm mà thầy cô giáo nào của Học viện Ngoại giao cũng gặp trong đời, đó là ở bất kỳ đâu, dù ở môi trường học thuật, sự kiện đối ngoại hay trong cuộc sống thường ngày, dù trong nước hay ở các phương trời xa lạ, chúng tôi luôn có thể nghe thấy những tiếng “Thầy ạ!”, “Cô ạ!” rất kính trọng, rất thân thương, đầy cảm xúc và hồ hởi. Chỉ hai tiếng vậy thôi và gương mặt rạng rỡ của các bạn khi nhận ra thầy cô cũ của mình đã là niềm động viên không gì có thể sánh nổi với chúng tôi.

Hạnh phúc muôn thuở của các thầy cô là khi thấy các thế hệ học trò của mình trưởng thành, là những người tốt, chân thành, tình cảm, có ích cho gia đình, xã hội và đất nước. Tôi vẫn vô cùng cảm động khi nhớ lại hình ảnh Nguyễn Thúy Hằng, bạn sinh viên K26 gày gò năm nào, giờ là luật sư rất giỏi của một hãng luật nổi tiếng. Yêu Học viện và muốn cống hiến, đóng góp cho Học viện, nơi đã dạy dỗ, dìu dắt những bước đi đầu tiên cho mình, Hằng vẫn thường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội chỉ để giảng bài cho các em sinh viên của Học viện một buổi rồi lại bay vào.

Tôi cũng tự hào khi những sinh viên như Phan Duy Hảo K26 đã trở thành đồng nghiệp rất tài năng, một nhà nghiên cứu giỏi về nhiều lĩnh vực của luật quốc tế, hay Nguyễn Ngọc Lan K30 đã là giảng viên cứng của Khoa Luật Quốc tế, Đại học Ultrecht tại Hà Lan. Cũng có rất nhiều kỷ niệm khi là khách mời cho các chương trình truyền hình của VTV và VTC về các lĩnh vực trong đối ngoại và bảo vệ chủ quyền, biển đảo, tôi lại được làm việc với các cựu sinh viên của Học viện như em Nguyễn Minh Hiếu K37 là biên tập viên và phóng viên của VTV4.

Ấn tượng khi gần đây được nhìn bức ảnh các cán bộ của Bộ Ngoại giao tại phái đoàn ta ở Liên hợp quốc, chụp kỷ niệm thời điểm Việt Nam được bầu vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với số phiếu kỷ lục 192/193 quốc gia, hầu hết các anh chị đều là cựu sinh viên Học viện các khóa.

Cảm động nhất là tình yêu Học viện, gắn bó với Học viện của các cựu sinh viên đã quyết định ở lại công tác tại đây, và giờ là các nghiên cứu viên, giảng viên tài năng của Học viện mà tôi không thể kể hết tên.

Kỷ niệm thì nhiều, nhưng có lẽ, cảm xúc dâng trào nhất vẫn là khi các thầy cô và tất cả cán bộ Học viện được sống trong những tháng ngày vinh quang, khi mà các anh chị em đồng nghiệp mọi thế hệ, các nhà ngoại giao từ khắp mọi nơi trên thế giới và mọi thế hệ cựu sinh viên Học viện đều hướng về Lễ kỷ niệm 60 năm Học viện với những tình cảm yêu mến, động viên, cổ vũ chưa từng có! Cảm ơn những thế hệ đi trước của Học viện, cảm ơn nỗ lực của tất cả các anh chị em đồng nghiệp tại Học viện đã cho chúng tôi được sống trong những giờ phút thiêng liêng này!