Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thường niên lần thứ 49 của Diễn đàn Quốc tế về đào tạo ngoại giao (IFDT). (Nguồn: Học viện Ngoại giao) |
Ngày 12-15/12, Đoàn Học viện Ngoại giao Việt Nam do Quyền Giám đốc, Tiến sỹ Phạm Lan Dung dẫn đầu đã dự Hội nghị thường niên lần thứ 49 của Diễn đàn Quốc tế về đào tạo ngoại giao (IFDT) tại Bangkok, Thái Lan.
Hội nghị thường niên lần thứ 49 có sự tham dự của 45/56 đại diện các cơ quan thành viên, đến từ tất cả các châu lục. Nước chủ nhà đã tổ chức thành công Hội nghị, thể hiện bài bản kỹ năng ngoại giao công chúng, quảng bá hình ảnh, với chương trình tổ chức chu đáo, trọng thị, đậm bản sắc văn hóa, kết hợp giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lịch sử, du lịch..., được các đại biểu đánh giá cao.
Với mục tiêu kết nối, xây dựng mạng lưới và cùng thảo luận ý tưởng về các vấn đề của nền ngoại giao hiện đại và cập nhật xu hướng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đối ngoại và ngoại giao toàn cầu, Hội nghị lần này có chủ đề “Tương lai của ngành ngoại giao: Xu hướng, công cụ và đào tạo cho các nhà ngoại giao thế hệ mới”.
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Tiến sỹ Phạm Lan Dung phát biểu tại Diễn đàn IFDT. (Nguồn: Học viện Ngoại giao) |
Hội nghị được tổ chức với 5 phiên thảo luận về tương lai của ngành ngoại giao, tác động của các tổ chức khu vực tới cấu trúc thế giới đang thay đổi, ngoại giao kinh tế hậu Covid-19, các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (SDGs) và ngoại giao phát triển, ngoại giao công chúng và sức mạnh mềm.
Tại Hội nghị, các diễn giả đã đánh giá tình hình quốc tế, khu vực giai đoạn mới và chia sẻ những khó khăn chung trong công tác đào tạo đối ngoại hiện nay. Họ cho rằng thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức mới, phi truyền thống và quá trình chuyển đổi số, biến đổi khí hậu. Điều này tác động mạnh mẽ đến nền ngoại giao thế hệ mới, qua đó yêu cầu các nhà ngoại giao cần liên tục cập nhật, đổi mới.
Do đó, các chương trình đào tạo cần kết hợp linh hoạt giữa các nội dung đối ngoại truyền thống với các lĩnh vực mới như ngoại giao y tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao khoa học, ngoại giao số, ngoại giao khí hậu... và các mục tiêu đối ngoại của từng nước cũng như nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan đại diện tại các địa bàn.
Tham gia Hội nghị, ngoài cập nhật, nắm bắt tầm nhìn, xu hướng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao của thế giới để thiết kế các chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại phù hợp, các đại biểu có cơ hội kết nối, trao đổi và chia sẻ về nhiều mô hình, chương trình đào tạo ngoại giao mới hiện nay.
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Tiến sỹ Phạm Lan Dung trao đổi với các đại biểu, khách mời đến từ cơ sở đào tạo cán bộ ngoại giao ở nước ngoài. (Nguồn: Học viện Ngoại giao) |
Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam chia sẻ kết quả đạt được về kinh tế xã hội, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại với các đối tác và ký kết các thỏa thuận mới về kinh tế số, chuyển đổi năng lượng... và đóng góp của công tác đào tạo cán bộ ngoại giao và cán bộ làm đối ngoại của các Bộ, ngành, địa phương phục vụ phát triển kinh tế xã hội nói chung và công tác đối ngoại nói riêng của Việt Nam.
Bền lề Hội nghị, Đoàn Học viện Ngoại giao Việt Nam đã có trao đổi song phương với đại diện các cơ quan đào tạo ngoại giao lớn tại Anh, Mỹ, Australia, Liên hợp quốc..., gặp gỡ bên lề với đại diện các nước Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ, Azerbaijan, Chile, Colombia, Ghana, Peru... để chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đào tạo cán bộ ngoại giao thế hệ mới và thúc đẩy hợp tác giai đoạn sắp tới.
Diễn đàn IFDT được thành lập bởi nhóm các Học viện và Viện đào tạo học thuật và ngoại giao năm 1972, với hoạt động chính là các Hội nghị thường niên của các Hiệu trưởng, Viện trưởng, Giám đốc, người đứng đầu các Học viện, Viện, các cơ sở thực hiện nhiệm vụ đào tạo các nhà ngoại giao, cán bộ đối ngoại. Montenegro sẽ là nước chủ nhà của IFDT lần thứ 50 (2024). Hiện Giám đốc Học viện Ngoại giao Vienna, Áo và Giám đốc Viện Nghiên cứu Ngoại giao, Trường Ngoại giao, Đại học Georgetown, Mỹ là đồng Chủ tịch IFDT. |