Tác giả (ngoài cùng bên trái) chụp với bác sĩ Nguyễn Sinh và các bạn trong Đoàn tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Harvard. |
Chạm vào giấc mơ Mỹ bởi may mắn nhận một học bổng toàn phần kéo dài hai tháng, tôi nằm trong số bốn bạn trẻ Việt Nam được tuyển chọn tới đất nước này để tiếp xúc với môi trường học thuật và khởi nghiệp. Chuyến hành trình đưa tôi ghé thăm ngôi trường Đại học Harvard uy tín, tọa lạc ở Cambridge, cách thành phố Boston khoảng gần 5km.
Có nhiều lối vào trường, chúng tôi tìm đến cổng Johnston được thiết kế theo phong cách Phục Hưng Georgian, rồi ghé thăm Trung tâm thông tin Harvard thuộc khu Holyoke Centre Arcade, mua cho mình vài tấm bản đồ để tự khám phá ngôi trường lâu đời và bề thế này.
Harvard chia làm nhiều khu với các tòa nhà khác nhau Theo tính chất của chuyến đi, chúng tôi tập trung tại Trường Y tế Công cộng nằm ở Khu Y khoa Longwood. Đón tiếp đoàn là bác sĩ gốc Việt tại trường, mà sau này chúng tôi gọi vui là bác sĩ "gây mê" Nguyễn Sinh.
Anh Sinh dẫn dắt chúng tôi bằng những câu chuyện từ những ngày đầu chân ướt chân ráo sang Mỹ. Tính đến nay đã gắn bó với ngành y hơn 20 năm trời, song đối với vị bác sĩ này, phía trước vẫn là kho tàng kiến thức khổng lồ chờ khám phá…
Bác sĩ Nguyễn Sinh cho biết không dễ để được nhận làm sinh viên Trường Y tế Công cộng vì số lượng hồ sơ lớn, trong khi tiêu chuẩn tuyển chọn vô cùng gắt gao. Sự tranh đua không chỉ nằm ở những con số mà còn là phẩm chất của người muốn theo học chuyên ngành y. Trường hiện nay có những tiêu chuẩn đánh giá toàn diện thay vì chỉ nhắm vào điểm học bạ như trước, với hy vọng chọn ra những người có nhiệt huyết, đồng cảm với bệnh nhân và có khả năng tiếp cận chuyên môn tốt nhất. Nói cách khác, họ chọn những người có cả con tim và khối óc, chứ không chỉ là những điểm số đầu vào vô hồn.
Học y ở bất kỳ đâu cũng luôn là quá trình dài lâu và vất vả. Ở Mỹ, cần khoảng 11 năm để thành một bác sĩ với bằng cấp cơ bản nhất. Học sinh tốt nghiệp trung học muốn học làm bác sĩ cần phải có một nền tảng vững chắc về y khoa cơ sở, thường là các ngành liên quan.
Tốt nghiệp trường Y tế Công cộng sau tám năm, các cử nhân bắt buộc phải qua ba năm nội trú, rèn luyện dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ có bề dày kinh nghiệm. Sau thời gian này và vượt qua cuộc thi cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia thì họ mới chính thức trở thành bác sĩ. Những ai muốn tiếp tục làm bác sĩ chuyên khoa, cần phải theo học thêm lĩnh vực đó trung bình thêm từ hai đến bốn năm.
Anh Sinh chia sẻ do chương trình học rất nặng, các sinh viên y hoàn toàn không có thời gian đi làm thêm để bù tiền học phí. Học phí đắt đỏ trong nhiều năm học kéo dài buộc phần lớn sinh viên phải vay tiền từ chính phủ hoặc các tổ chức tư nhân.
Điều này khiến không ít người, nhất là du học sinh dễ chùn bước và nản lòng.
Bác sĩ Sinh cho biết, chính bản thân anh cũng nhiều khi nản lòng như vậy… Những lúc đó, anh thường đến hai nơi để giải tỏa tinh thần: khuôn viên chính của trường và thư viện Widener.
Trên thực tế, chúng tôi đã trải nghiệm điều đó trước khi gặp anh. Đó là dạo bước đến khuôn viên chính, nơi có bức tượng người sáng lập ra trường đại học này - Giáo sĩ John Harvard. Mọi người thường theo nghi thức chà nhẹ mũi giày vào bức tượng với niềm tin sẽ đem lại may mắn, học hành thông tuệ và đỗ đạt. Họ gọi đây là mũi giày của những ước nguyện.
Một địa điểm khác cũng được nhiều người yêu thích là thư viện Widener thuộc hệ thống thư viện Harvard - một trong những thư viện lớn nhất thế giới, bao gồm hơn 80 thư viện riêng lẻ với hơn 15 triệu tài liệu. Bất kể lúc nào cũng có thể bắt gặp những sinh viên ngồi đây “cày” sách vở. Không gian rộng lớn với hệ thống trần nhà mái vòm được ốp pano, sự tĩnh lặng phần nào sẽ mang đến cho bạn cảm giác thư thái, nhẹ nhàng và dễ chịu.
Rời Harvard trong chiều mưa lạnh rả rích, để lại sau lưng ngôi trường cổ kính đang mờ dần trong màn mưa, tôi không khỏi bồi hồi. Mỗi chuyến đi trong cuộc đời đối với tôi đều là một cơ duyên. Và tôi thầm gọi đó là những chặng đường với niềm cảm hứng bất tận…
Hoàng Yến Phương