Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp định kỳ về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine. |
Tại cuộc họp về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine, Điều phối viên đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp.
Điều phối viên đặc biệt cho biết, tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine thời gian qua vẫn tiếp tục căng thẳng do các vụ bạo lực có xu hướng gia tăng. Trong đó, từ cuối tháng 9 đến nay, có ít nhất 12 người Palestine bị các lực lượng an ninh Israel bắn chết, trong đó có 4 trẻ em.
Kêu gọi các lực lượng Israel kiềm chế, không sử dụng vũ lực quá mức cần thiết và có biện pháp bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ em, Đặc phái viên bày tỏ lo ngại về việc Israel tiếp tục các hoạt động định cư tại Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem, vi phạm Nghị quyết 2334.
Ông Wennesland cũng lo ngại tình hình nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến căng thẳng lan rộng đến Dải Gaza và ảnh hưởng đến việc thực hiện lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 5/2021.
Các nước thành viên HĐBA thể hiện lập trường phản đối và kêu gọi chấm dứt các hoạt động của Israel mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, phá hủy, tịch thu nhà cửa, tài sản của người Palestine, vi phạm Nghị quyết 2334.
Nhiều nước bày tỏ lo ngại về nguy cơ căng thẳng gia tăng trở lại tại nhiều nơi ở Palestine. Một số nước kêu gọi Nhóm Bộ tứ tổ chức một hội nghị quốc tế với sự tham gia của các bên có liên quan để thúc đẩy lại tiến trình hòa bình hiện đang bị đình trệ.
Đại diện nhiều nước nhấn mạnh cần thiết bảo đảm thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo và tái thiết cho Gaza sau xung đột, kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường đóng góp cho ngân sách của UNRWA.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phát biểu tại cuộc họp. |
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại Bờ Tây, trong đó, số người Palestine thiệt mạng do sử dụng vũ lực chỉ tính riêng ở Bờ Tây đã cao gấp 3 lần so với năm 2020 và 2019.
Đại sứ cho rằng người dân cả hai bên Israel và Palestine cần được hưởng các biện pháp bảo vệ như nhau, đồng thời kêu gọi tất cả các bên, đặc biệt là các cơ quan chức năng của Israel, cần có nỗ lực để chấm dứt tình trạng bạo lực.
Về việc thực hiện Nghị quyết 2334 (2016) của HĐBA, đại diện Việt Nam bày tỏ lo ngại trong 5 năm sau khi Nghị quyết được thông qua, hầu như không có tiến bộ nào, thậm chí tình hình trên một số mặt còn xấu hơn, khiến triển vọng tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề hòa bình Trung Đông ngày càng khó khăn.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam kêu gọi cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết này cũng như các nghị quyết có liên quan của LHQ và luật pháp quốc tế, nếu không tình hình sẽ tiếp tục diễn biến xấu thêm.
Việt Nam kêu gọi các thành viên của cộng đồng quốc tế có liên quan, đặc biệt là nhóm Bộ tứ, cần phát huy vai trò hơn nữa để thúc đẩy tiến trình hòa bình, đồng thời tiếp tục các hoạt động nhân đạo để hỗ trợ cho người Palestine trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp cuối cùng của Việt Nam với tư cách Ủy viên không thường trực HĐBA về vấn đề Palestine, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine và việc thành lập Nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô cùng tồn tại hòa bình cùng với Nhà nước Israel, với đường biên giới được quốc tế công nhận trên cơ sở các đường ranh giới trước năm 1967 và thỏa thuận bằng thương lượng, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và các nghị quyết liên quan của LHQ.
Đây cũng là cuộc họp chính thức cuối cùng trong năm 2021 của HĐBA. Nhiều nước phát biểu bày tỏ đánh giá cao và chúc mừng thành công của Việt Nam cùng các thành viên HĐBA sẽ kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực trong năm 2021.
HĐBA biểu quyết thông qua Nghị quyết số 2613 về nhiệm vụ của UNDOF và Nghị quyết số 2614 về nhiệm vụ của UMISOM. |
Cùng ngày, HĐBA đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 2613 về nhiệm vụ của UNDOF và Nghị quyết số 2614 về nhiệm vụ của UMISOM. Các nghị quyết đều được HĐBA LHQ nhất trí thông qua với 15/15 phiếu thuận.
Nghị quyết 2613 quyết định gia hạn nhiệm vụ của Lực lượng Quan sát viên LHQ tại Cao nguyên Golan (UNDOF) tới ngày 30/6/2022.
Theo đó, UNDOF sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ hỗ trợ duy trì ổn định tại Cao nguyên Golan thông qua bảo đảm việc thực hiện các Thỏa thuận ngừng bắn và Thỏa thuận Rút lực lượng giữa Israel và Syria tại đây.
Lực lượng UNDOF được thành lập vào tháng 5/1974 theo Nghị quyết 350 của HĐBA; hiện có 1.142 lính gìn giữ hòa bình và có sự hỗ trợ từ 72 quan sát viên quân sự của Nhóm Giám sát Ngừng bắn của LHQ tại Cao nguyên Golan.
Trong bối cảnh tình hình an ninh tại Cao nguyên Golan còn tiềm ẩn nguy cơ leo thang, lực lượng này đang đóng vai trò quan trọng thông qua duy trì liên lạc với Israel và Syria nhằm bảo đảm tuân thủ các thỏa thuận song phương cũng như các nghị quyết liên quan của HĐBA, tiến hành các hoạt động thanh tra và tuần tra tại khu vực hoạt động thuộc Cao nguyên này.
Nghị quyết 2614 tiếp tục ủy quyền cho các nước thành viên Liên minh châu Phi duy trì việc triển khai lực lượng quân của AMISOM tại Somalia cho đến này 31/03/2022.
Nghị quyết cũng ủy quyền AMISOM tiến hành các biện pháp cần thiết nhưng phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của các quốc gia tham gia theo luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế và tôn trọng đầy đủ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị và thống nhất của Somalia.
Nghị quyết không có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ của AMISOM, giữ nguyên mức trần lực lượng hiện nay.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng yêu cầu Tổng thư ký LHQ tiếp tục bảo đảm gói hỗ trợ của LHQ đối với lực lượng AMISOM theo tinh thần của Nghị quyết 2568 (2021) và 2245 (2015).
Phái bộ Giám sát Quân sự của Liên minh châu Phi (AMISOM) được thành lập theo Nghị quyết 2372 (2017) và được gia hạn kỹ thuật theo Nghị quyết 2563 (2021) đến 14/3/2021.
AMISOM có nhiệm vụ từng bước bàn giao nhiệm vụ bảo đảm cho lực lượng an ninh Somalia tùy theo khả năng đảm nhiệm của lực lượng an ninh Somalia và tiến trình chính trị và an ninh ở Somalia; tiến hành các hoạt động ngăn chặn giảm thiểu mối đe dọa do Al-Shabaab và các nhóm vũ trang đối lập; hỗ trợ lực lượng an ninh Somalia trong tiến trình chính trị ở các cấp cũng như duy trì ổn định, hòa giải và xây dựng hòa bình ở Somalia.